Tài liệu hướng dẫn soạn bài Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh giúp các em luyện tập vận dụng những kiến thức và kĩ năng đã học về đoạn văn, về văn thuyết minh để viết được một đoạn văn có đề tài gần gũi, quen thuộc trong học tập hoặc trong đời sống.
Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này.
Cùng tham khảo…
Bạn đang xem: Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh
Kiến thức cần nắm vững về viết đoạn văn thuyết minh lớp 10
I. Đoạn văn thuyết minh
– Khái niệm đoạn văn: là phần văn bản được quy ước tính từ chỗ viết hoa lùi đầu dòng đến chỗ chấm xuống dòng. Đoạn văn là đơn vị cơ sở của văn bản.
– So sánh đoạn văn tự sự và đoạn văn thuyết minh:
+ Giống nhau: Đều đảm bảo cấu trúc thường gặp của một đoạn văn.
+ Khác nhau:
- Đoạn văn tự sự thường có yếu tố biểu cảm và miêu tả rất hấp dẫn xúc động.
- Đoạn văn thuyết minh chủ yếu cung cấp tri thức, thiên về giới thiệu sự vật, hiện tượng, không có các yếu tố miêu tả và biểu cảm. Văn bản thuyết minh nặng về tư duy khoa học. Đoạn văn thuyết minh có thể trình bày theo những phương pháp như diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp.:
Đoạn văn thuyết minh thường bao gồm ba phần:
+ Mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.
+ Mở đoạn có nhiệm vụ giới thiệu chung.
+ Các ý trong thân đoạn có thể được sắp xếp theo trình tự thời gian, không gian, nhận thức, phản bác – chứng minh…
II. Viết đoạn văn thuyết minh
Khi viết một đoạn văn thuyết minh để cung cấp cho người đọc những hiểu biết chuẩn xác về một nhà khoa học hoặc một tác phẩm văn học, một công trình nghiên cứu, một điển hình người tốt, việc tốt, cần phải thực hiện những thao tác sau:
– Phác qua dàn ý đại cương cho bài viết
– Tiếp đó, hãy diễn đạt một ý trong dàn ý thành một đoạn văn
Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn thuyết minhlớp 10
Gợi ý trả lời các câu hỏi bài tập Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh trang 62, 63 SGK Ngữ văn 10 tập 2.
I. Đoạn văn thuyết minh
Câu 1 – Trang 62 SGK Ngữ văn 10 tập 2
Nhắc lại kiến thức:
a) Thế nào là đoạn văn ?
b) Một đoạn văn cần đạt được những yêu cầu nào trong các yêu cầu kể dưới đây ?
– Tập trung làm rõ một ý chung, một chủ đề chung thống nhất và duy nhất.
– Liên kết chặt chẽ với các đoạn văn đứng trước và sau nó.
– Diễn đạt chính xác và trong sáng.
– Gợi cảm, hùng hồn.
Trả lời:
a) Đoạn văn được hiểu là sự phân đoạn mang tính chất hình thức. Mỗi chỗ xuống dòng sẽ cho ta một đoạn văn. Muốn có đoạn văn ta phải chấm xuống dòng. Đoạn văn mang tính hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức.
b) Một đoạn văn cần đảm bảo các yêu cầu sau:
– Tập trung làm rõ một ý chung, một chủ đề chung thống nhất và duy nhất.
– Liên kết chặt chẽ với các đoạn văn đứng trước và sau nó.
– Diễn đạt chính xác và trong sáng.
– Gợi cảm và hấp dẫn.
Câu 2 – Trang 62 SGK Ngữ văn 10 tập 2
Theo anh (chị), giữa một đoạn văn tự sự và một đoạn văn thuyết minh có những điểm nào giống và khác nhau ? Vì sao có sự giống và khác nhau đó?
Trả lời:
– Điểm giống: cùng trình bày sự kiện miêu tả một sự vật hiện tượng và người viết phải quan sát cẩn thận.
– Điểm khác: tự sự có sự việc, diễn biến còn thuyết minh có tri thức trình bày một cách khách quan, giúp con người hiểu biết được đặc trưng, tính chất của sự vật, hiện tượng và biết sử dụng chúng vào mục đích có lợi cho con người.
Câu 3 – Trang 62 SGK Ngữ văn 10 tập 2
Một đoạn văn thuyết minh có thể gồm bao nhiêu phần chính ? Các ý trong đoạn văn thuyết minh có thể được sắp xếp theo các trình tự thời gian, không gian, nhận thức, phản bác – chứng minh không ? Vì sao ?
Trả lời:
Đoạn văn thuyết minh có thể bao gồm ba phần chính: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Mở đoạn có nhiệm vụ giới thiệu chung. Các ý được sắp xếp theo trình tự thời gian, không gian, nhận thức, phản bác – chứng minh nhằm làm tăng tính hấp dẫn, lôi cuốn cho đoạn văn.
II. Viết đoạn văn thuyết minh
Đề bài: Viết một đoạn văn thuyết minh để cung cấp cho người đọc những hiểu biết chuẩn xác về một nhà khoa học hoặc một tác phẩm văn học, một công trình nghiên cứu, một điển hình người tốt, việc tốt.
Câu 1 – Trang 62 SGK Ngữ văn 10 tập 2
Phác qua dàn ý đại cương cho bài viết.
Gợi ý:
a) Về một nhà khoa học:
– Giới thiệu khái quát tên tuổi, quê quán, lĩnh vực chuyên ngành nghiên cứu.
– Quá trình đến với khoa học dễ dàng hay đầy gian nan thử thách.
– Những đóng góp của nhà khoa học đó cho nền khoa học.
– Giới thiệu vài nét về cuộc sống đời tư.
b) Về một tác phẩm văn học
– Tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, thể loại.
– Nội dung tư tưởng.
– Đặc sắc nghệ thuật.
– Đánh giá, tổng kết về giá trị, tầm ảnh hưởng của tác phẩm.
* Dàn ý chi tiết:
– Mở bài: Giới thiệu chung về tác phẩm (tên tác phẩm, tác giả, đặc điểm khái quát nhất của tác phẩm)
– Thân bài: Giới thiệu chi tiết về tác phẩm.
+ Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác.
+ Giới thiệu các giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm (tuỳ theo từng tác phẩm cụ thể mà có thể có số lượng ý tương ứng với số lượng đoạn văn nhiều ít khác nhau).
+ Giới thiệu những nét đặc sắc về nghệ thuật (tuỳ theo từng tác phẩm cụ thể mà có thể có số lượng ý tương ứng với số lượng đoạn văn nhiều ít khác nhau).
– Kết bài: Nhận định tổng hợp về tác phẩm (khái quát giá trị, vị trí, âm hưởng của tác phẩm).
Câu 2 – Trang 62 SGK Ngữ văn 10 tập 2
Hãy diễn đạt một ý trong dàn ý thành một đoạn văn.
Gợi ý:
* Trước khi viết cần xác định được:
– Đoạn văn chọn viết là đoạn văn nào? Đoạn văn ấy nằm ở vị trí nào trong bài văn? (chẳng hạn theo dàn ý trên có thể chọn đoạn mở bài, kết bài hay một đoạn thuộc ý giới thiệu giá trị nội dung, giới thiệu nghệ thuật).
– Cần viết câu chuyển ý, chuyển đoạn như thế nào để đảm bảo tính chặt chẽ và mạch lạc của đoạn văn.
– Cần sử dụng những phương pháp thuyết minh gì và diễn đạt thế nào để đoạn văn không chỉ chuẩn xác mà còn sinh động, hấp dẫn.
Có thể lựa chọn ý “Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”:
“Trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, nét đặc sắc nghệ thuật tiêu biểu nhất phải kể đến là yếu tố kì ảo. Ngô Tử Văn vốn là người trần mắt thịt mà có thể chiến thắng hồn ma của tên giặc, xuống một thế giới ngoài trần gian. Nguyễn Dữ đã sử dụng yếu tố kì ảo xen kẽ yếu tố hiện thực làm tăng thêm sắc màu huyễn hoặc và sức hấp dẫn ma lực của thể truyền kì, đồng thời còn thể hiện được vị trí của con người trong vũ trụ và đời sống tâm linh người Việt xưa, thế giới cõi âm là sự phản chiếu đời thực.”
Tham khảo thêm: Hướng dẫn soạn bài Tóm tắt văn bản thuyết minh
III. Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh lớp 10 phần Luyện tập
Câu 1 – Trang 63 SGK Ngữ văn 10 tập 2
Viết đoạn văn nối tiếp theo đoạn mà anh (chị) đã hoàn thành trên lớp.
Gợi ý:
Đây là đoạn nối tiếp đoạn văn ở trên, đoạn này đánh giá, tổng kết giá trị và ảnh hưởng của tác phẩm:
“Như vậy, có thể thấy Chuyện chức phán sự đền Tản Viên vừa đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn, một người trí thức Việt, vừa thể hiện niềm tin công lí của nhân dân – chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng gian tà. Đồng thời tác phẩm còn mang nét nghệ thuật đặc trưng của lối truyền kì là yếu tố kì ảo.”
Câu 2 – Trang 63 SGK Ngữ văn 10 tập 2
Từ những kết quả và tiến bộ đã đạt được, hãy viết một bài văn thuyết minh để giới thiệu một con người, một miền quê, một danh lam thắng cảnh hoặc một phong trào hoạt động mà anh (chị) đã có dịp tìm hiểu kĩ.
Gợi ý:
* Dàn bài thuyết minh về tác giả Nguyễn Trãi.
a) Mở bài
– Nguyễn Trãi – người anh hùng của dân tộc được cả thế giới biết đến.
– Một nhà quân sự nổi tiếng có công sáng lập ra nhà Hậu Lê và cũng là nhà thơ lớn.
b) Thân bài
* Cuộc đời và sự nghiệp
– Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu Ức Trai, quê gốc ở Hải Dương.
– Nguyễn Trãi là con của gia đình có truyền thống yêu nước, văn học.
– Vào năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh, cả cha và con đều làm quan.
– Năm 1407, nhà Hồ khởi nghĩa thất bại, giặc Minh chiếm nước ta, cha ông là Nguyễn Phi Khanh bị bắt sang Trung Quốc, còn ông Nguyễn Trãi tham gia nghĩa quân Lam Sơn kháng chiến chống giặc.
– Vào những năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi trước quân Minh, đó cũng là thời gian mà ông viết “Bình Ngô đại cáo”.
– Chỉ sau thời gian ngắn, triều đình lục đục, gian lận lộng hành, ông xin về ở ẩn.
– Vua mời ông ra phụ giúp việc nước nhưng vào năm 1442 ông dính vào vụ án Lệ chi Viên nổi tiếng, gia đình 3 đời bị xử trảm.
– Vụ án Lệ Chi Viên là vụ án oan lớn nhất trong lịch sử và được vua Lê Thánh Tông minh oan vào năm 1464.
– Nguyễn Trãi được minh oan và trong sạch để lại tiếng thơm muôn đời.
– Nguyễn Trãi chính thức trở thành danh nhân văn hóa thế giới vào năm 1980.
* Đóng góp vào văn học
– Không chỉ là nhà quân sự, Nguyễn Trãi có rất nhiều những đóng góp quan trọng vào văn học đương thời và có giá trị đến hiện nay.
– Nguyễn Trãi đã sáng tác rất nhiều tác phẩm nổi tiếng thuộc thể loại văn chính luận, thơ trữ tình. Các tác phẩm của ông được viết bằng chữ Nôm và chữ Hán.
– Ông là nhà thơ xuất sắc với các tập thơ: “Ức Trai thi tập”, “Quốc âm thi tập”.
– Ông là nhà chính luận nổi tiếng: “Quân trung từ mệnh tập”, “Bình Ngô đại cáo”, các thể loại chiếu…
– Các tác phẩm của ông đều thể hiện lòng yêu nước, thương dân, lý tưởng nhân nghĩa. Thơ trữ tình của ông chân thực, giản dị và gần gũi với thực tế.
c) Kết bài
– Nguyễn Trãi xứng đáng là người hùng dân tộc, nhà thơ, nhà văn hóa lớn của thời đại.
– Cuộc đời của ông để lại nhiều đau thương, bi thảm nhưng tiếng thơm muôn đời và sự kính phục của thế hệ sau.
Ghi nhớ (Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh lớp 10)
Để có thể viết tốt một đoạn văn thuyết minh, cần phải:
- Nắm vững các kiến thức về đoạn văn thuyết minh và các kĩ năng viết đoạn văn thuyết minh
- Có đủ những tri thức cần thiết và chuẩn xác để làm rõ ý chung của đoạn.
- Sắp xếp hợp lý các tri thức đó theo một thứ tự rõ ràng rành mạch
- Vận dụng đúng đắn, sáng tạo những phương pháp thuyết minh và diễn đạt để đoạn văn trở nên cụ thể, sinh động hấp dẫn.
Trên đây là nội dung chi tiết hướng dẫn soạn văn 10 bài Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh được Học Tốt biên soạn giúp các em tham khảo và chuẩn bị bài tốt hơn trước khi đến lớp. Để hiểu sâu và nhớ lâu hơn, các em nên kết hợp tự soạn bài theo những kiến thức của bản thân. Chúc các em luôn đạt kết quả cao trong học tập.
[ĐỪNG SAO CHÉP] – Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh một cách tốt nhất. “Trong cách học, phải lấy tự học làm cố” – Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.
Hướng dẫn soạn bài Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh, gợi ý trả lời câu hỏi và bài tập trang 62, 63 SGK Ngữ văn lớp 10 tập 2.
Đăng bởi: THPT Sóc Trăng
Chuyên mục: Giáo dục