Home Thơ Hay Phân tích bài thơ " Mùa xuân nho nhỏ "

Phân tích bài thơ " Mùa xuân nho nhỏ "

34
Phân tích bài thơ " Mùa xuân nho nhỏ "

Bài thơ mùa xuân nho nhỏ lớp 9 ( Thanh Hải )

Mùa xuân là một đề tài đã chắp cánh cho tâm hồn thi nhân.Mùa xuân là mùa hội tụ những bàn tay nghệ sĩ tài hoa. Nhà thơ Thanh Hải cũng đã góp vào thơ xuân của dân tộc bài thơ  “ Mùa xuân nho nhỏ” thật cảm động.

Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ 

Bài thơ tràn đầy sắc xuân, sức xuân, nét xuân và tình yêu cuộc sống, quê hương đất nước. Bài thơ được tác giả sáng tác vào tháng 11 năm 1980 trước khi nhà thơ mất không bao lâu. Có thể nói đây là tâm sự của ông trong những ngày cuối của cuộc đời. Cũng là thời gian nước ta gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhà thơ vẫn khao khát một mùa xuân tươi thắm với đời.

Khổ thơ thứ nhất là cảm xúc của tác giả trước vẻ đạp của mùa xuân thiên nhiên, đất trời.Bài thơ mở đầu bằng bức tranh xuân của xứ Huế đẹp và thơ mộng quê mẹ yêu thương của nhà thơ :

“Mọc giữa dòng sông xanh,

Một bông hoa tím biếc,

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời.”

Khổ thơ đầu tả thiên nhiên mùa xuân. Hình ảnh quen thuộc nhưng cách tả gợi và thú vị. Tác giả sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ, động từ mọc làm vị ngữ đặt trước chủ ngữ là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Tạo ấn tượng bất ngờ mới lạ, nhấn mạnh vẻ đẹp và sức sống của bông hoa xuân. Bông hoa ở giữa trái tim của dòng sông, trung tâm của bức tranh như đang vươn lên, xòe nở, phô màu.
Mùa xuân nho nhỏ
Mùa xuân được miêu tả bằng những hình ảnh dòng sông xanh, bông hoa tím biếc.. Cùng với tiếng hót trong trẻo của chim chiền chiện.Cảnh mùa xuân ấy gợi ra một không gian tươi mát, dịu dàng và đằm thắm. Cảnh vật mùa xuân đã làm tác giả dâng lên một niềm cảm xúc.
Tác giả dùng từ cảm thán “ ơi” để gọi chú chim xinh nhỏ. Rồi hỏi  hót chi như ngỡ ngàng, đùa vui. Từ đó thi nhân lắng nghe tiếng chim hót, nghe bằng tai chưa đã. Mà tác giả còn nghe bằng cả trái tim xao động bằng trí tưởng tượng độc đáo.Tác giả biểu lộ sự trân trọng, nâng niu những cái đẹp trong mùa xuân ấy.

“Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.”

Giọt long lanh không rõ là giọt gì. Đó có thể là giọt sương sớm, giọt mưa xuân. Hay giọt nước trong suốt phản chiếu ánh bình minh. Tôi “ hứng” từng từng giọt long lanh ấy trong lòng bàn tay là muốn thâu nhận tất cả mọi vẻ đẹp mới mẻ, tinh khôi của thiên nhiên đất trời hào phóng ban tặng cho con người. Động từ “hứng” đã diễn tả được tâm trạng của tác giả trước cảnh sắc mùa xuân.
Có ai ngờ tiếng chim hót vang trời lại đọng thành giọt long lanh rơi xuống ? Phải chăng đây không chỉ là âm thanh của tiếng chim mà là âm thanh của mùa xuân. Âm thanh của cuộc sống đang khơi dậy trong lòng tác giả ? Tâm hồn nhà thơ đang chan hòa cùng cuộc sống, cùng mùa xuân tươi đẹp một cách bất ngờ.   
Khổ thơ thứ hai và ba là cảm xúc của tác giả trước vẻ đạp của mùa xuân đất nước. Từ mùa xuân của đất trời, cảm xúc thơ chuyển sang mùa xuân của đất nước một cách tự nhiên:

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trài dài nương mạ.”

Đây là hình ảnh của đất nước với hai nhiệm vụ chiến lược: chiến đấu và sản xuất. Mùa xuân của đất nước hòa cung niềm vui trong chiến đấu và niềm vui trong lao động sản xuất. Lộc là hình ảnh của mùa xuân. Đó là chồi non, cành biếc mơn mởn. Lộc là sự sinh sôi, nảy nở, là sức sống mãnh liệt đang vươn lên.
Trong chiến đấu, lộc giắt đầy quanh lưng là hình ảnh người lính khoác trên lưng vành lá ngụy trang xanh biếc. Không chỉ để che mắt quân thù mà chúng còn là biểu tượng của sức sống mùa xuân, là sức mạnh của dân tộc.
Trong sản xuất, lộc trải dài nương mạ là hình ảnh của sự lao động cần cù đã làm nên một màu xanh bát ngát ruộng đồng. Người nông dân đã góp phần tô điểm cho mùa xuân đất nước. Hậu phương và tiền tuyến luôn song hành. Người cầm súng và người nông dân lao động, đều đem đến mùa xuân cho đất nước giữa mùa xuân của đất trời. Cả dân tộc đang bước vào mùa xuân với tâm thế khẩn trương và hào hứng:

“Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao.”

Hối hả, xôn xao là những từ láy diễn tả sự gấp gáp, khẩn trương, náo nhiệt. Cặp từ láy ấy cùng với điệp ngữ tất cả như… làm cho câu thơ vang lên nhịp diệu vui tươi, mạnh mẽ. Đó là hình ảnh đất nước và dân tộc đang bước vào mùa xuân của thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh. Trong mùa xuân tươi đẹp ấy tác giả không quên suy ngẫm về quá khứ của đất nước và cội nguồi dân tộc:

“Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.”

Tác giả đã bộc lộ niềm cảm thụ và tự hào về đất nước. Chặng đường lịch sử đã qua với bao gian lao, vất vả. Bốn nghìn năm lập quốc tỏa sáng nền văn hiến Đại Việt. Sức mạnh dân tộc được khẳng định, đất nước vẫn trường tồn và đi lên.
Đất nước như vì sao là sự so sánh đầy ý nghĩa. Sao là nguồn sáng vô tận, là vẻ đẹp của vũ trụ. Vẻ đẹp vĩnh hằng trong không gian và thời gian. Đây là niềm tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng, bất diệt. Đất nước ấy luôn lớn mạnh, đi lên từng ngày. Hành trình đi tới tương lai của đất nước vẫn không ngừng. Cứ đi lên là sự thể hiện chí khí, quyết tâm của dân tộc Việt Nam.
Khổ thơ thứ bốn va năm thể hiện  suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ. Trước mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của đất nước. Sự đi lên của cuộc sống, tác giả khát khao được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa .

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.”

Ước nguyện sống đẹp, sống có ích cho đời. Điều tâm niệm của tác giả thật chân thành sâu sắc. Nhà thơ ước nguyện làm con chim hót dâng cho đời tiếng ca vui. Làm một cành hoa trong muôn sắc của muôn hoa để tỏa ngát hương tô thắm cho vẻ đẹp cuộc sống. Làm một nốt trầm xao xuyến trong bản hòa tấu muôn điệu, muôn lời ca. Làm một mùa xuân nho nhỏ góp vào mùa xuân lớn của đất nước, của dân tộc.
Sự thay đổi trong cách xưng hô “ tôi” sang “ ta” mang ý nghĩa rộng lớn là ước nguyện chung của nhiều người. Từ chỗ xưng “ tôi” tác giả chuyển sang xưng “ ta”  cũng là phù hợp để nói đến ước nguyện cao đẹp của nhiều người. Đó là khát vọng sống muốn làm việc, muốn cống hiến cho cuộc đời, cống hiến cho đất nước. Điệp từ một trong đoạn thơ diễn tả sự ít ỏi, khiêm tốn nhưng hình ảnh con chim, cành hoa, nốt trầm cuối cùng dã dồn vào hình ảnh thật đặc sắc:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

Khát vọng của tác giả tuy ẩn chứa sự khiêm nhường qua hình ảnh nho nhỏ, lặng lẽ.. Nhưng thể hiện một tiếng lòng cao cả, thể hiện một nhân sinh quan cao đẹp: phải cống hiến cho đất nước dù là tuổi trẻ, hay khi già. “Tuổi hai mươi” và khi tóc bạc là những hoán dụ để chỉ tuổi trẻ và tuổi già của mỗi người.
Mỗi con người hãy là một mùa xuân nho nhỏ để làm nên mùa xuân bất diệt của đất nước. Điệp ngữ “ dù là” khẳng định mạnh mẽ khát vọng cống hiến thiết tha.Một xã hội tốt đẹp thì mỗi con người phải tốt đẹp. Đây là điều tâm niệm và khát vọng của nhà thơ trước lúc đi xa vĩnh biệt cuộc đời.
Khổ thơ cuối tác giả thể hiệ lời ngợi  ca quê hương đất nước qua điệu dân ca xứ Huế. Cảm xúc chân thành của nhà thơ không chỉ dừng lại ở khát vọng về cuộc sống. Tâm niệm về cuộc đời, tình cảm đối với quê hương, đất nước. Mà còn thể hệ qua khúc hát yêu thương:

“Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế.”

Nam ai và Nam bình là hai điệu dân ca Huế, phách tiền là một nhạc cụ dân tộc điểm nhịp cho lời ca. Hình ảnh xin hát diễn tả tình yêu thương, gắn bó với quê hương, khao khát về cuộc sống mùa xuân. Tiếng hát ở đây cũng là tiếng lòng của tác giả, nó ngọt ngào sâu lắng và gây được sự đồng cảm với tất cả mọi người.
Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải là một bài thơ đặc sắc. Với thể thơ năm chữ, giọng thơ lúc mạnh mẽ, lúc tha thiết ngân vang. Âm hưởng nhẹ nhàng xuyên khổ thơ, tác giả đã bộc lộ cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên, đất nước. Cũng như khát vọng đẹp đẽ muôn được dâng hiến cho cuộc đời trước lúc đi xa.
Mùa xuân là đề tài truyền thống trong thơ ca. Thanh Hải đã góp phần tạo nên một sắc xuân nhẹ nhàng, quyến rũ trong thơ ca. Bài thơ đã khép lại nhưng đồng thời đã mở ra trong lòng tôi nhiều suy tư. Gấp lại trang thơ lòng tôi lại xao xuyến vấn vương trước những tình cảm chân thành nồng hậu trong một cuộc sống đầy tin yêu.
 

5/5 - (2 bình chọn)

34 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here