Home Blog Top 7+ bài văn kể về giấc mơ gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày hay nhất

Top 7+ bài văn kể về giấc mơ gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày hay nhất

0
Top 7+ bài văn kể về giấc mơ gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày hay nhất

THPT Sóc Trăng gửi bạn Tuyển tập 7+ bài văn hay nhất kể lại giấc mơ gặp người thân đã xa cách lâu ngày (Đề số 2 – Bài viết văn số 2, SGK Ngữ Văn 9 tập 1). Với những bài văn mẫu chọn lọc lớp 9 hay nhất chủ đề kể về giấc mơ gặp người thân này, hi vọng các bạn có thể tham khảo, dựa vào đó để phát triển nội dung cho bài viết của mình phong phú và hấp dẫn hơn, đáp ứng các yêu cầu của đề bài.

Top 7 bài văn hay lớp 9 kể lại giấc mơ gặp người thân đã xa cách lâu ngày

Kể về giấc mơ gặp lại người thân – Bài số 1:

Tình cảm gia đình là một thứ tình cảm gần gũi, bình dị mà bền vững sâu xa. Ẩn trong tâm thức, trái tim của mỗi người đều chất chứa sự yêu thương, lòng cảm thông, xót thương đối với những người thân yêu ruột thịt. Và trong gia đình tôi, bên cạnh cha mẹ, anh chị em trong gia đình thì người mà tôi luôn kính trọng và luôn tìm thấy được sự bình yên mỗi khi ở bên, đó là ông nội tôi. Mặc dù ông đã xa cách nhân gian, từ biệt mọi người về với thế giới người hiền, nơi yên nghỉ ngàn thu vĩnh hằng bất diệt nhưng không lúc nào trong tôi không nguôi ngoai đi nỗi nhớ thương, tiếc nuối về người ông quá cố. Có lẽ vì thế mà thỉnh thoảng những giấc mơ về ông cứ hiện về trong tiềm thức và vô thức, chập chờn trong giấc ngủ của tôi. Tất cả đều sống động như một bức tranh hiện thực hằng ngày diễn ra vậy.

Bạn đang xem: Top 7+ bài văn kể về giấc mơ gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày hay nhất

Cũng như bao ngày bình thường khác, mỗi khi trong tâm tôi nhớ về ông là trong đêm đó ông lại hiện về trong giấc mơ đó. Và giấc mơ gần nhất về người ông yêu quí của tôi đó là cách đây khoảng một tháng trước. Cứ thành lệ, hàng đêm tôi thường đọc truyện trước khi đi ngủ, hôm đó không hiểu sao mới mở quyển sách lật đi lật lại được vài trang thì tôi ngủ gục xuống bàn tự bao giờ không hay biết. Bỗng giấc mơ đưa tôi đến ngôi đền Kim Liên Hà Nội. Đây là một ngôi đền linh thiêng bậc nhất trong “Tứ trấn Thăng Long”. Do sinh ra trong một gia đình rất sùng bái về Phật giáo và tín ngường thờ Mẫu nên trong tôi luôn có một nguồn giác quan thứ sáu rất mạnh, mọi thứ về thế giới bên kia tôi luôn được trải nghiệm và tôi cũng thường được “ngao du” khắp nơi về đình chùa miếu mạo trong dân gian Việt Nam. Chuyện chẳng đáng nói nếu như trong giấc mơ ấy tôi không gặp người ông quá cố của tôi. Đang tiến vào trong hậu cung để chiêm bái Phật Thánh, bỗng tôi gặp lại ông nội. Vẫn khuôn mặt có hai má núm đồng tiền hai bên má, ông nở nụ cười nhìn tôi âu yếm từ xa. Tôi như chết sững, bật khóc, nước mắt ngắn dài nức nở như một đứa con nít, chạy tới ôm chầm lấy ông. Ông mặc bộ quần áo màu đỏ, râu tóc bạc phơ hiền từ xoa đầu tôi. Lúc sau, có người hành hương vào gọi ông tôi là cụ Từ, rồi biếu lộc thì tôi mới biết, hóa ra ông là người coi sóc cửa đình, kính thờ Phật Thánh nơi ngôi đền thiêng này. Ngày xưa, hồi còn tại thế, vì thấy ông đức độ hơn người mà ông tôi được người dân trong làng tin tưởng, nhờ vả trông coi đình làng. Khi mất đi, hóa ra ông lại được cắt cử tiếp tục sớm chiêu chiều mộ bên nhà Ngài.

Ông bảo tôi: “Cứ vào chiêm bái các ngài đi, rồi ra đây ông cháu ta nói chuyện”. Lòng vui mừng khôn siết được gặp lại ông sau bao ngày xa cách, tôi thấp thỏm đi vào lễ, một mặt lại liếc lại phía sau, sợ ông không đợi cháu mà đi mất. Vì thế, tôi lễ bái vội vàng rồi chạy lại nơi ông đang ở. Vẫn cách sống giản dị, đơn sơ như khi còn sống, bước vào gian phòng ở của ông, khiến lòng tôi bình yên đến lạ. Mọi vật dụng trong phòng đều được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Đang mải mê ngắm ngía xung quanh thì ông mở cửa đi vào. Tôi hỏi thăm sức khỏe của ông và còn trách ông sao đi lâu thế không chịu về thăm cháu? Ông chỉ cười và nói: “Ông vẫn luôn bên cháu và theo dõi mọi người trong gia đình mình”. Có lẽ thế mà ông còn biết cả tôi đang loay hoay đi tìm thầy để tầm sư học đạo. Ông nói: “Cháu đang tìm thầy à? Tìm đến cô đồng Anh bên Đông Anh ý, tới đó cô ấy sẽ giúp cháu!”. Tôi nhớ như in lời ông dặn, vui mừng quá tôi cũng khoe ông cả chuyện học hành, thi cử của mình nữa. Ông đều tấm tắc ngợi khen và còn xoa đầu tôi nói: “Ông yêu cháu rất nhiều. Hãy cố gắng thật nhiều, hãy nghe lời bố mẹ, ông luôn theo cháu và thương cháu nhiều lắm đấy, cháu đích tôn của ông à”.

Nói đoạn, tôi bỗng tỉnh dậy, hóa ra đó là mộng giấc mơ. Nhưng đó là giấc mơ có thật. Và tôi vẫn luôn cảm thấy ông luôn bên cạnh mình. Vì thế, tôi tự hứa với bản thân sẽ cố gắng thật nhiều để không phụ lòng mong mỏi và tình yêu thương bao la mà ông kì vọng ở tôi. Nếu như có một phép nhiệm màu nào đó, tôi sẽ ước có ông bên cạnh mỗi ngày và niềm hi vọng đó sẽ mãi theo tôi đến suốt cuộc đời. Nó trở thành động lực để tôi vươn lên, chiến thắng bản thân và đem lại thành công trong cuộc sống. Đáp đền xứng đáng công ơn nuôi dạy, bảo ban của những người thân yêu trong gia đình của tôi.

Kể về giấc mơ gặp lại người thân – Bài số 2:

Sau kì thi căng thẳng, lần đầu tiên trong hai tuần qua tôi đi ngủ sớm hơn mười giờ, vốn đã mệt, tôi ngủ ngay lập tức mà không trằn trọc như mọi khi, và giấc mơ cũng đến nhanh như giấc ngủ vậy. Trong mơ, tôi được gặp lại bà nội, người thân thiết mà tôi đã xa cách lâu ngày. Đây thực sự là một giấc mơ đẹp và gây xúc động cho tôi.

Bà nội tôi đã qua đời được ba năm, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chỉ muốn tin rằng bà chỉ là đã đi đâu đó xa lắm chứ không muốn tin rằng bà mãi mãi rời xa thế gian này. Người ta vẫn hay nói, nếu lòng luôn nghĩ về một người nào đó, trong mơ sẽ gặp được người ấy và sau ba năm, tôi đã có giấc mơ đẹp về bà. Trong mơ, tôi chỉ nhớ rằng mình xuất hiện trong ngôi nhà cũ của bà ở quê, có một mảnh vườn nhỏ bên cạnh bờ sông. Tôi cứ bất giác bước đi theo linh tính qua làn sương mờ đi tiếp vào vườn và như muốn tìm lại tuổi thơ khi tôi chơi đùa ở đây ngày còn bé nhỏ ngây thơ. Tôi cứ thế đi, đi mãi mà tưởng như mảnh vườn nhỏ bé không biết từ lúc nào biến thành mê cung rộng lớn mãi không thấy đường ra. Trong màn sương mù ảo ảnh, đôi chân tôi cứ cất bước và chợt sững lại khi thoáng thấy hình ảnh quen thuộc. Bên gốc cây dừa, hình dáng quen thân thương hiện ra khiến cho trái tim tôi vỡ òa vì vui sướng, đó là bà nội. Vẫn y như ngày nào, bà ngồi dưới gốc dừa khoan thai độ lượng như một bà tiên với giỏ len đan trên tay. Mái tóc bạc phơ của bà càng khiến cho tôi liên tưởng đến những câu chuyện cổ tích mà trước kia bà hay kể. Như chừng thấy tôi, bà ngẩng lên, nở một nụ cười hiền từ như một vị thánh, bà dang hai tay ra như chờ đón tôi vào lòng. Trong lòng tôi bấy giờ chẳng còn điều gì ngoài khao khát được vỗ về chở che của một đứa cháu xa cách bà kính yêu của mình đã lâu. Tôi liền chạy nhanh tới ôm chầm lấy bà để bà che chở, vuốt ve với những dòng nước mắt hạnh phúc. Thấy tôi xúc động, bà vuốt mái tóc tôi:

– Cháu ngoan, đừng khóc, bà về rồi đây mà.

Nghe được những lời này, tôi lại càng khó kìm chế trái tim xúc động của mình nhưng rồi cũng quệt nước mắt, ngẩng đầu nhìn bà và cười trong niềm hạnh phúc lấp lánh. Bà vẫn y như ngày còn ở với tôi, hay thích đan len bên gốc dừa và quàng chiếc khăn màu nâu sáng. Vậy là tôi sà vào lòng bà, bà hỏi tôi về chuyện học tập, về cha, về mẹ, rồi bà lại dặn tôi phải học hành chăm chỉ, nghe lời bố mẹ, lớn lên nhất định phải thành người tốt, nhưng tôi chỉ trả lời qua loa rồi cứ thế cuộn mình trong vòng tay yêu thương của bà mà tận hưởng sự hạnh phúc. Bà ôm tôi thật chặt, âu yếm vuốt ve, hôn vào má, vào trán vào tóc tôi như những ngày tôi còn thơ dại. Chợt tôi nhớ đến những tháng ngày trước đây, bà hay kể chuyện cho tôi nghe và tôi muốn nghe lại giọng kể ấy:

– Bà ơi, bà kể chuyện cháu nghe, bà nhé.

Đáp lại tôi, bà nở một nụ cười đẹp như bà tiên rồi giọng bà vang lên trong không gian huyền bí của sương mờ và khói bay. Vẫn là giọng kể truyền cảm ngày nào, giống cái ngày còn bé, đã đưa tôi vào những giấc mơ đẹp nhất. Câu chuyện mà bà kể tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần nhưng đều không thấy chán, và đặc biệt ngay lúc này đây, tôi còn thấy cả sự thiêng liêng diệu kì trong từng nhịp ngắt của bà, bà ơi, ước gì cháu được mãi nghe bà kể những câu chuyện như vậy trước khi đi vào giấc ngủ!

Nhưng chưa kịp nghe hết câu chuyện, giọng kể của bà đã đưa tôi về với hiện tại, tôi choàng tỉnh do tiếng chuông đồng hồ báo thức và tôi nhận ra đó chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ đẹp tuyệt vời vì tôi được gặp bà nội.

Giấc mơ ấy tôi vẫn còn nhớ từng chi tiết nhỏ vì đó là giấc mơ xúc động nhất đời tôi. Giấc mơ làm tôi thêm nhớ bà nhưng cũng đem lại cho tôi động lực trong cuộc sống vì lời hứa với bà sẽ chăm ngoan học giỏi để trở thành người có ích. Và tôi mong mình có thể có thêm nhiều giấc mơ đẹp như vậy nữa!

Kể về giấc mơ gặp lại người thân – Bài số 3: Mơ gặp mẹ đang ở nước ngoài

“Một năm mới lại về rồi, mẹ à!” Tôi ngước mắt nhìn lên bầu trời đêm và nghĩ về người mẹ kính yêu. Đã 3 năm kể từ ngày mẹ đi sang nước ngoài rồi. Nhớ lại hồi mẹ còn ở đây, mẹ đều đưa tôi đi chợ hoa và mua sắm vào những ngày năm mới gần kề thế này. Tôi cứ ngồi suy nghĩ mông lung rồi chìm vào giấc ngủ .

“Hồng ơi!”, tôi nghe thấy có tiếng gọi từ đằng xa. Tôi quay lại thì thấy mình đang đứng giữa khu công viên mà ngày tôi còn bé mẹ thường dắt tôi đến đây chơi. Từ xa bước lại phía tôi là một bóng người mà tôi cảm thấy vừa thân quen, vừa lạ lẫm. “Phải chăng là mẹ?” – tôi thầm nghĩ bụng. Tôi chạy lại gần để nhìn cho rõ. Ồ! Đúng là mẹ rồi. Lòng tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Không kìm nổi xúc động, tôi gọi thật to: “Mẹ, mẹ ơi!” rồi chạy đến ôm chầm lấy mẹ. Mẹ cũng dang rộng đôi vòng tay bé nhỏ của mình để ôm tôi. Mẹ nghẹn ngào nói: “Hồng! Con của mẹ!”. Tôi òa khóc trong giây phút được gặp lại người mẹ kính yêu đã xa cách bao ngày. Đến bây giờ tôi mới có dịp nhìn kĩ mẹ hơn. Mái tóc của mẹ đã điểm vài sợi bạc. Những nếp nhăn của tháng ngày vất vả khó khăn bên xứ người hằn lên bên khóe mắt của mẹ. Chỉ có một điều ở mẹ mà tôi thấy không hề thay đổi, đó chính là nụ cười. Nụ cười của mẹ vẫn thật hiền dịu và đem lại cho tôi cảm giác yên bình, hạnh phúc. Đang mải ngắm nhìn người mẹ hiền dịu đã xa cách bao ngày thì giọng mẹ vang lên khiến tôi hơi giật mình:

– Mẹ con mình ra ghế đá kia tâm sự đi. Lâu lắm rồi mẹ con mình không được nói chuyện với nhau.

Tôi gật đầu:

– Vâng ạ!

Tôi và mẹ ra hàng ghế đá thân thuộc ngày nào. Mẹ vuốt nhẹ lên mái tóc tôi và hỏi:

– Dạo này gia đình mình thế nào hả con?

Tôi liền trả lời:

– Mọi người vẫn khỏe mẹ à! Ông ngoại thì thỉnh thoảng bị thấp khớp. Còn các bác thì vẫn đi làm đều. Mọi người vẫn nhắc tới mẹ luôn đấy ạ. Ai cũng nhớ mẹ nhiều lắm.

Mẹ mỉm cười hiền dịu:

– Ừ! Vậy việc học của con bây giờ sao rồi? Con vẫn giữ ước mơ về sau trở thành phóng viên chứ?

Tôi nhanh nhảu trả lời:

– Việc học năm nay của con mệt và vất vả hơn những năm trước nhiều. Vì là năm cuối cấp nên ngoài học chính ở trên lớp, con còn phải học thêm nhiều để củng cố kiến thức. Và để biến ước mơ được làm phóng viên thành hiện thực, con vẫn đều đặn gửi bài cho báo đấy mẹ à. Con sẽ không để mẹ và mọi người thất vọng đâu.

Lời nói của mẹ như truyền thêm niềm tin cho tôi:

– Ừ! Mẹ tin ở con. Phải cố gắng học cho giỏi con nhé. Dù có chuyện vui, buồn gì thì cũng phải tâm sự cho mẹ nghe.

Nghe giọng nói ấm áp của mẹ càng làm tôi thêm gần gũi mẹ hơn. Tôi biết rằng ở phương xa – nơi đất khách quê người kia, mẹ vẫn luôn nhớ về tôi, dõi theo từng bước đi và quan tâm đến từng chuyện buồn vui của tôi. Tất cả những gì tôi làm được hôm nay đều nhờ đến lời động viên của mẹ. Tình yêu thương mà mẹ truyền cho tôi đã giúp tôi có nghị lực vượt qua những chông gai thử thách của đường đời. Tình mẫu tử thật thiêng liêng biết chừng nào! Đã bao lâu nay tôi vắng bóng hình ảnh người mẹ thân yêu mà giờ đây lại được ở bên cạnh mẹ, thật hạnh phúc làm sao! Tôi thầm nghĩ: “Mẹ à! Bây giờ mẹ con mình lại ở bên nhau rồi. Đừng rời xa con nữa, mẹ nhé…”. Thế rồi tôi lại chìm vào những suy nghĩ, vào niềm sung sướng, hân hoan đang tràn ngập trong lòng. Rồi mọi vật bỗng trở nên nhạt dần, nhạt dần…

“Hồng ơi! Dậy đi em sao lại ngủ gật thế kia? Sắp sang năm mới rồi kìa. Em có dậy xem pháo hoa cùng gia đình không?”. Tôi dụi mắt, thấy chiếc đồng hồ đã sắp chỉ sang số 12. Tôi ngơ ngác nhìn quanh thì mới biết đó là một giấc mơ. Ngước mắt nhìn lên bầu trời đêm, pháo hoa sáng rực trời, một năm mới nữa lại đến rồi. Tôi thầm nhủ với trời đêm, với nàng tiên mùa xuân để mong nàng tiên mùa xuân gửi lời đến mẹ: “Mẹ ơi! Con nhớ mẹ nhiều lắm. Mẹ hãy sớm trở về với con, mẹ nhé!”.

Kể về giấc mơ gặp lại người thân – Bài số 4:

Mưa tầm tã, giã thêm cho nát thân xác hoang tàn của một công trình đổ nát hiện vẫn còn đè bẹp vài số phận hẩm hiu. Lực bất tòng tâm, mấy anh mấy chú cứu trợ đành chịu buông xuôi trước nhịp vẫy của đôi tay mỗi phút trôi qua yếu dần đi của một con người xui xẻo đang quằn quại, ngột ngạt trong đống sắt thép.

Ở xa xa bên kia hàng rào ngăn cách, đằng sau cả đám người bu đông cả đường đi kia, có một người phụ nữ tuổi còn trẻ, ngồi bệt dưới đất, bên cạnh cuốn sổ đen và cái túi xách bằng vải bông đã phai màu. Gò má ướt đẫm, chả biết được đó là do nước mắt, mồ hôi, hay nước mưa chỉ biết nó đang đầm đìa trên khuôn mặt thất thần và tái xanh của cô. Mưa vẫn chưa ngớt, từ lúc chiều rồi, đến giờ trời đã tối hẳn, trên mảnh đất đau buồn này chỉ còn vài con người sắp ngã gục vì thể xác và tinh thần hành hạ, cô vẫn ngồi đó, nét mặt lạnh tanh đương thấm sự lo lắng vô cùng, chốc chốc lại gật gà gật gù, toan ngủ, đến mãi sớm mai, mặt trời còn chưa thức hẳn, chợt có một anh đội nón bảo hộ, quần áo xộc xệch tất tả chạy đến, đứng truớc mặt cô lúng túng, không dám nhìn cho thẳng, cứ đánh mặt sang chỗ hỗn độn ấy mà rặng ra chữ: “Bình tĩnh nghe tin này Nâm nhé… Đừng buồn Nâm ơi… chú Tín nói đã thấy xác… cũng đã xác nhận được tên… chính nó Nâm à, không ai khác… nó đã đi thật rồi Nâm ơi…”. Rồi yên lặng… rồi òa khóc… cả hai người như chìm vào một thế giới đau đớn khốc liệt và nguyên nhân là một con người mà họ đã yêu mến vừa rời bỏ họ mà ra đi vĩnh viễn.

“Hức… hức…” tiếng nấc xé lòng của mẹ, đã một tháng qua, cái bức họa thảm khốc ấy vẫn chưa buông tha cho tâm trí của mẹ. Cứ đến chiều trời vừa chập tối là hình ảnh của cha lại hiện về nhiều hơn, mẹ cứ tự tưởng tượng ra cái cảnh cha vùng vẫy một cách vô vọng, rồi cố cảm nhận cái nỗi đau ấy để mà khóc nấc lên. Rồi lại len lẻn ra chỗ bàn thờ cha, ngồi bên linh cữu cha mà than thở:

– Anh này, số mình xui thế anh nhỉ? Cũng đúng chứ, người nghèo có cái khổ của người nghèo, cái khổ của người nghèo là “khổ liên miên” – rồi khẽ nấc lên, cái giọng nói mỗi lúc lại thêm nghẹn ngào – hức… anh bỏ con bỏ em mà đi, anh đi được thì anh ráng mà sống cho sướng với ông bà, còn lại nỗi khổ của anh ở nơi này thì em thay anh em gánh… em sẽ gánh tất cả… một mình em gánh… hư… hư…

Mẹ khiến tôi muốn khóc, tâm trí tôi hỗn loạn và sao sự hỗn loạn cứ sinh sôi nảy nở thêm trong đầu, càng hỗn loạn, không thể chứa được ngần ấy suy nghĩ nữa, tôi cảm thấy…

Căn nhà này thật ngột ngạt,

Căn nhà này thật buồn chán, thật rùng rợn.

Tôi ước mong được rời khỏi đây thật nhanh,

Rời khỏi mẹ là một người phụ nữ nhiều nước mắt và hay than vãn.

Tôi muốn rời khỏi đây thật nhanh,

Rời khỏi sự bi quan đó như thể nó sẽ đuổi theo tôi và biến tôi thành một con người đau khổ như mẹ.

Chạy trốn khỏi đây là điều tôi muốn.

Trốn đến nơi nào chỉ có mình tôi thôi.

Tôi còn muốn…

Đột nhiên xung quanh tôi tất cả đều là màu đen, như thể hai mắt đang nhắm tịt nhưng mà sự thật là nó đang mở to, bốn bề im lặng, tôi tự hỏi mẹ tôi đâu, sao không đi thắp nến đi, cái nệm đâu, không đến được chỗ cái nệm thì làm sao mò được cái quạt tay để quạt cho mát thì mới ngủ được chứ, tôi cứ đinh ninh là cúp điện và theo thói quen thì khi cúp điện cứ mò theo bức tường khi nào đụng phải cái ghế thì rẽ trái và khi nào đụng cái nệm thì cúi xuống và mò xem cái quạt ở đâu, đó là nhiệm vụ của tôi, nhiệm vụ của mẹ là thắp nến và… nhiệm vụ của ba là bất ngờ hét to lên và cố hù cho mẹ và tôi sợ phát khiếp, đó là cái niềm vui của ba khi cúp điện.

Nhưng không phải vậy, xung quanh tôi không có chút động tĩnh, không có tiếng la thất thanh và đôi bàn tay bất chợt nắm chặt vai tôi của ba cũng không có ánh nến lấp ló, lập lòe của mẹ.

Tôi đi mãi đi mãi, mò mẫm hai bên nhưng không thấy bất cứ cái ghế nào đụng cái cốp vào chân như thường lệ. Sự khác lạ làm tôi sợ, bất giác nhớ lại câu chuyện ma của Ngọc Ngạn vừa xem hôm rồi, tôi rùng mình, cảm thấy toàn thân muốn rụng rời. Tự nhiên, cái gì đó nắm lấy chân tôi, cái gì lành lạnh, kéo tôi muốn ngã xuống:

– Á..á…á…! Cứu con với mẹ ơi. Cứu! Cứu con! Cứu con mẹ ơi…

Tôi cố vùng chạy, tim đập như trống đánh, lúc này thật kinh dị, thật kinh khủng, tôi nhắm mắt lại, cố nghĩ đây chỉ là một giấc mơ, chợt có ánh sáng nhỏ du hành vào nơi tối tăm này, tôi mừng hét lớn, vừa sợ vừa hy vọng. Thế mà ánh sáng đó vô tình cho tôi thấy một hình ảnh kinh khủng nhất trong đời mà tôi chưa từng nhìn thấy cái hình ảnh nào khủng khiếp hơn thế trong suốt thời gian tôi sinh ra đến giờ. “Cái gì đó” nắm chặt chân tôi chính là một bàn tay, bàn tay trầy trụa, có ít máu nhòe ở các vết trầy, mà cái rùng rợn nhất, đó là bàn tay của một người đàn ông mặc cái áo có thêu cái chữ N là chữ kí của mẹ tôi khi may áo cho cha tôi. Thật điên rồ, chưa có chuyện gì điên rồ hơn chuyện này, cha tôi đã chết rồi và cha đẹp trai lắm, còn người đang nằm đây thật ghê rợn, hốc hác, xanh xao, bầm dập, tôi sợ quá, sợ lắm, ước gì có mẹ ở đây với tôi hay nếu có thằng Ù cũng tốt, thằng ấy chả sợ cái gì bao giờ cả, vì thế có thể nó sẽ làm cho tôi hết sợ hãi.

Nhưng thực tế là tôi chỉ có một mình, tôi thừa nhận là tôi đã ước được ở một mình nhưng một mình ở thế giới giống thế này thì chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Bàn tay ấy dần nới lỏng ra và rớt xuống đất. Cha của tôi đây sao? Mười hai năm sống bên cha có lúc yêu cha có lúc giận cha, một tháng không còn cha và đây là giây phút gặp lại thật khó ngờ, khi đã khẳng định được đó là cha của mình, và sau những giây phút hoàn hồn, sợ hãi thì lúc này đây lòng tôi nặng nề làm sao, niềm vui đoàn tụ đè nặng lên tất cả những cảm xúc khác, tôi nhìn cha, lúc này đây cha thật yên lặng, cha chẳng nói gì cả, chẳng buồn nói một câu bông đùa, ánh sáng mỗi lúc thêm tỏ hơn, tỏa rộng ra xung quanh cha, ba thanh thép đã rỉ, chắc tại mấy bữa ông trời khóc quá chừng, trên chân phải của cha, một miếng bê tông còn ẩm và lạnh tanh, đè chân cha nát tan, máu loang ra đất, tôi tự hỏi, còn bao nhiêu người đã chịu cảnh như cha? Bỗng tối dần lại, một, hai, ba giọt nước rơi rơi, có hạt rơi rất nhanh, có hạt rơi chậm rãi, có hạt thật nặng và đầy nước, có hạt bé xíu như bụi phấn, chúng nó cứ rơi vô tư như thế, tạo nên một giai điệu thật đẹp đẽ nhưng buồn và rất buồn. Chúng rủ rê cả nước mắt của tôi rơi theo, rớt lên khuôn mặt của cha, khuôn mặt vốn dĩ đang gầy gò và rất xanh. Người ta nói tình phụ tử là một tình cảm thiêng liêng và kì diệu, người ta đúng, tôi có thể nghe tiếng cha thở, và cơ thể cha chuyển động, cha đang sống lại, tôi bắt đầu thấy nghi ngờ sự việc này, nó giống truyện cổ tích và thường chỉ có trong phim, cớ nào lại đến với một con người “chẳng có gì” như tôi? Mọi thứ trở nên mơ hồ, huyền huyền ảo ảo, mờ nhạt và phai nhòa thấy hẳn, bấy giờ, tôi chỉ thấy cha ngồi dậy, và tôi nhớ từng lời cha nói:

– Cha yêu con, con gái, cha yêu mẹ con. Con nói với mẹ như thế, con nói với mẹ, cha luôn luôn nghe thấy mẹ than vãn với cha, con truyền lời của “vị vua già” này đến “thái hậu” là “xì tốp” than vãn đi con nhé! Cha nghe chán quá rồi! – nói đến đây, cha tôi khúc khích cười.

Thật hạnh phúc khi được nghe lại cái điệu cười và lời nói quen thuộc như thế, tôi thấy cha dễ thương quá, và thoáng nghĩ “trên đời này không ai có được cha như cha của mình”, bỗng, cha đổi giọng trầm xuống:

– Con gái, từ nay, có lẽ cuộc đời con sẽ có chút thay đổi đấy, biết không con? Cha sẽ không thể giúp đỡ mẹ được nữa, vì vậy mẹ sẽ rất cơ cực, mẹ sẽ rất mệt, và mẹ sẽ cáu lên! Con thấy mẹ cáu chưa? Ôi cha sợ lắm đấy. Ha ha. Này con, cha thật là buồn vì từ nay sẽ bỏ lỡ rất nhiều chuyện nhưng có một điều cha muốn con nhớ: “Sự mất mát dẫn đến một sự khắc phục, sự khắc phục phải đưa đến một sự tốt đẹp hơn, như thế thì sự mất mát ấy mới không vô ích”. Rồi mọi thứ sẽ lại như bình thường, quan trọng là từ đây, ta có tốt lên hay không và ta phải cố gắng làm sao không để xảy ra thêm sự mất mát khác. Từ nay, con phải thay cha an ủi, động viên mẹ này, giúp mẹ những việc mà mẹ vẫn làm, để mẹ có thời gian làm những công việc ba “nhường” lại cho mẹ đó con, nhớ lời cha chưa nào?

Thật dễ dàng cho tôi trả lời: “Dạ vâng ạ!”

Và nhanh như thời gian cho một cái xe tải từ trên ngôi nhà hai tầng rớt xuống đất, tôi trở về căn nhà yêu dấu của tôi. Sau bức tường, tiếng mẹ hòa với tiếng nấc: “Sao không bật đèn vậy con gái?”. “A ! Mẹ mẹ.” – nguời tôi lảo đảo, đến ôm mẹ một cái thật chặt, cảm thấy tâm hồn thật bình yên và hạnh phúc. Tôi nói với mẹ:

– Mẹ này, con yêu mẹ lắm! Mẹ có mệt không con lấy cho mẹ ly nước?

Rồi tôi nói với ba “Con cũng yêu ba lắm! Ba yên tâm, con gái ba sẽ làm cho mẹ thật hạnh phúc, con sẽ ngoan hơn bất kì đứa trẻ nào trên đời, con rất buồn đó ba, vì mai này con sẽ không bình thường nữa, con sẽ thành mồ côi, là một đứa vừa nghèo vừa mồ côi, nhưng mà ba ơi, con gái ba sẽ cố gắng, dù điều đó thật khó khăn. “Sự mất mát dẫn đến một sự khắc phục, sự khắc phục phải đưa đến một sự tốt đẹp hơn, như thế thì sự mất mát ấy mới không vô ích”, phải không ba?

Kể về giấc mơ gặp lại người thân – Bài số 5:

Ông ngoại là người rất thân yêu đối với em. Trong suốt quãng đời thơ ấu của mình, hình ảnh ông là hình ảnh thân thương yêu quý nhất trong tâm trí em. Ông cho em ăn, ru em ngủ, dạy em vẽ, chơi trò chơi với em. Vậy mà giờ đây, ông không còn bên em nữa. Ông ra đi trong một chiều chủ nhật thật lặng lẽ. Tuy ông đã mất nhưng em vẫn mong phép lạ xảy ra, ông có thể trở về và em đã gặp lại ông trong một giấc mơ của mình.

Hôm đó, em học rất mệt nên đi ngủ sớm. Sau khi nhắm mắt lại, em thấy mình chìm sâu vào giấc ngủ. Bỗng trước mắt em hiện ra khu vườn thân thương của nhà ông ngoại. Đúng là khu vườn ấy rồi. Góc vườn là cây khế ngọt ông thường hái cho em ăn. Lá cây vẫn xanh mướt và trên cành xuất hiện những quả khế nho nhỏ, xanh xanh. Còn giữa vườn là cây hồng xiêm là cây mà ông ngoại cưng nhất. Rồi hai cây bưởi mẹ con, chỗ rau ngải cứu mọc sát đất, cả cây liễu lá dài đến cây xoài đang trổ hoa vẫn nguyên như lúc em còn bé, ở dưới quê với ông ngoại. Trong khu vườn này, ông đã cùng em chăm sóc những cây xanh cho chúng lớn, ra hoa, kết quả. Ông dạy em biết giá trị khi làm việc, đó là niềm vui, niềm tự hào khi thấy cây mình bỏ công chăm sóc cho ra những trái ngọt đầu tiên. Nhìn khu vườn, bao nhiêu kỉ niệm với ông ngoại lại ùa về trong tâm trí em. Em thấy nhớ ông quá và đột nhiên em cất tiếng gọi – một tiếng gọi từ trái tim, em gọi thật to: Ông ơi! Bỗng ông từ từ hiện ra. Vì không tin vào mắt mình, em đưa tay lên dụi mắt. Và ông cất tiếng gọi: Bé cún của ông, ông đây mà. Đúng là giọng nói thân thương của ông rồi. Cái giọng nói đã từng mất đi bây giờ lại trở lại bên em. Em chạy thật nhanh ra chỗ ông. Lúc ấy không hiểu sao miệng em thì cười còn mắt lại đầy nước mắt. Em nhào vào lòng ông, khóc thật to. Ông xoa đầu em thật nhẹ: Cháu đừng khóc nữa, đừng khóc nữa, ông ở đây mà. Em ngửng mặt lên nhìn ông. Tóc ông vẫn bạc trắng như ngày xưa. Em còn nhớ hồi bé mỗi lần nghịch tóc ông, em lại ngô nghê hỏi: Sao tóc ông trắng thế?

Tuy ông đã ra đi nhưng cuối cùng em cũng đã hiểu ra, trước khi ông ra đi ông đã để lại cho cháu hai món quà. Món quà của sự trí thức, ông ra đi nhưng cháu vẫn thấy linh hồn ông đang ở bên cháu. Còn món quà nữa đó là khu vườn nhỏ mà ông đã chăm chút khi còn sống. Và em luôn tin rằng: Dù ông không còn nữa nhưng linh hồn ông vẫn sẽ còn hiện diện ngay ở bên cạnh tôi, với vườn cây đầy hoa trái mà ông trồng.

Kể về giấc mơ gặp lại người thân – Bài số 6:

Tôi choàng tỉnh dậy sau giấc mơ. Giấc mơ khiến tôi nghĩ về cái cảnh tượng kinh hoàng ngày hôm ấy khi mà bố tôi thu dọn đồ đạc dời khỏi nhà. Tôi không biết có chuyện gì xảy ra, tôi hỏi mẹ, mẹ không nói chỉ khóc. Mãi về sau nghe bà kể tôi mới biết bố và mẹ cãi nhau, bố đã chuyển hẳn vào Sài Gòn sinh sống. Trong tâm trí tôi, bố vẫn luôn là người đẹp trai nhất, hiền nhất, chiều con gái nhất. Vậy mà tôi lại mơ…

Bố hiện lên trước mắt tôi, trông vẫn khỏe khoắn, cao lớn như ngày nào. Ánh mắt trìu mến, nụ cười âu yếm, khuôn mặt hiền từ của bố khiến tôi vẫn chắc chắn rằng: tôi là đứa con gái mà bố tôi yêu quý nhất, dù bố ở xa nhưng vẫn luôn nhớ về con gái bố.

Tôi đã đinh ninh như vậy đấy thế nhưng khi bố tôi dắt tôi về căn nhà nhỏ ở giữa lòng Sài Gòn, mọi niềm vui, mọi niềm hi vọng… tất cả dường như đã tan biến.

Tôi bước vào căn nhà hai tầng sơn màu vàng nằm trong ngõ nhỏ trên con đường Nam Kì Khởi Nghĩa, trong nhà chỉ có một người phụ nữ trung niên tầm khoảng 50 tuổi với một đứa bé khoảng hai tuổi. Chưa để tôi kịp nói câu nào, bố chỉ người phụ nữ kia và giới thiệu luôn: “Kia là bác Ánh, con ở đây có gì không quen hay muốn mua cái gì thì nói với bác”. Rồi bố quay sang nói với bác Ánh: “Đây là cháu nhà em đấy, bác giúp cháu nó cất đồ lên phòng nhé”. Còn về đứa trẻ kia, bố không hề nói với tôi một câu nào về nó. Sau đó bố quay ra cửa, nổ xe máy rồi dặn tôi với bác Ánh rằng bố phải đi làm tới chiều mới về, rồi bố phóng xe đi. Cứ như thế suốt từ sáng đến chiều tôi ở trong căn nhà ấy, lạ lắm, buồn tẻ, bác Ánh hỏi gì tôi đáp đấy, rồi lại rúc lên căn phòng mà bố bảo là phòng của tôi ngồi một mình. Tự nhiên tôi bật khóc… tôi nhớ mẹ… rồi tôi lại nghĩ về bố: bố vẫn vậy, đối với tôi bố vẫn ân cần như thế nhưng sao tự nhiên tôi lại có cảm giác rằng giữa hai bố con tôi đang có một khoảng cách… rồi tôi lại suy nghĩ lung tung. Trong đầu tôi lúc ấy có bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu thắc mắc: “Đứa nhỏ kia là ai nhỉ? Nó là gì của bố tôi? Sao nó lại ở trong nhà của bố?…???”.

Có tiếng xe máy trước cửa nhà, bố đi làm về nhưng không phải một mình, về cùng bố là một người phụ nữ trẻ đẹp có lẽ kém mẹ khoảng 4-5 tuổi gì đó. Bố tôi hơi cúi mặt xuống, dáng vẻ như một cậu học sinh vô cùng ngoan ngoãn nhưng lần đầu tiên quên làm bài tập ở nhà. Bố tôi nói với tôi một cách ngượng ngùng: “Đây là … vợ bố, cô tên là T, con cứ gọi là cô cũng được rồi…”. Bố tôi chỉ nói đến đây tôi sững sờ, đầu óc tôi như muốn vỡ ra, tôi chực khóc nhưng không hiểu sao lúc ấy lại có một ý nghĩ xuất hiện trong tôi: “Không được khóc ! Mày còn có mẹ luôn yêu thương mày cơ mà. Bố mày đã có vợ khác rồi thì còn khóc lóc gì! Điều này đâu đáng để mày phải khóc”, đấy tôi đã nghĩ như thế đấy và lúc đó tôi cũng biết đứa trẻ kia là con trai của bố tôi, nó là em trai tôi.

Cho đến tận buổi tối khi ăn cơm xong, bố cho đứa bé kia uống sữa, chơi với nó, dỗ dành nó, lấy truyện tranh ra đọc cho nó nghe. Lúc ấy trông bố tôi hiền lắm, ánh mắt bố ngập tràn niềm hạnh phúc. Trong ánh mắt ấy tôi nhận ra được niềm yêu thương của bố với đứa con trai bé bỏng, nhận ra được niềm vui sự đầm ấm của một gia đình hạnh phúc. Trong ánh mắt ấy, tôi cũng nhận thấy một tình yêu mãnh liệt mà bố đã dành cho người vợ kia và cậu con trai bé nhỏ. Ở bên cái gia đình ấy bố dường như đã quên đi những mệt nhọc, căng thẳng của công việc và tôi thấy bố cởi mở hơn, tự nhiên hơn, bố tôi như biến thành con người khác, lúc đó bố tôi mới thực sự là “bố” ! Tất cả những điều đó tôi chưa bao giờ thấy được khi mà bố đang sống cùng mẹ và tôi. Vì thế tôi biết rằng cô T mới thực sự là tình yêu của bố và đây mới là tổ ấm mang lại cho bố niềm vui, niềm hạnh phúc.

Chính những cơn gió nhẹ và những tia nắng mặt trời đã cắt đứt giấc mơ của tôi. Hình ảnh bố biến mất, nhớ đến giấc mơ vừa trải qua tôi khóc nấc lên từng tiếng. Tôi càng nhớ bố hơn, bất chợt tôi ngước lên trên đầu giường đọc được những dòng viết trong một lá thư bố đã gửi ra cho hai mẹ con tôi khoảng nửa năm sau khi bố vào Sài Gòn, đã được tôi lồng vào khung và treo lên trang trọng trên tường:

“Anh một mình nói trước đám đông. Rồi một mình lặng lẽ trở về căn phòng vắng. Nắng chiều đứng nhìn anh sao buồn thế. Cún nhỏ bơ vơ chơi trước sân nhà… Anh một mình lặng lẽ nhớ em. Và nhớ con, nơi phương xa đầy nắng…“. Đọc đến đây lòng tôi nghẹn lại. Những dòng này chứng tỏ rằng bố còn thương và nhớ tôi với mẹ tôi lắm. Những gì đã xảy ra… đó chỉ là… giấc mơ thôi !

Kể về giấc mơ gặp lại người thân – Bài số 7:

Cầm đề bài tập làm văn trong tay, tôi thật sự lo lắng vì không biết làm bài tập đó như thế nào. Cô giáo cho đề bài Kể về bà của em và hẹn ngày mai phải nộp. Bà tôi ra đi từ lúc tôi chưa lọt lòng mẹ nên bà tôi ra sao, tính tình thế nào, giọng nói ra làm sao,… tôi đều không biết. Cơn gió thổi nhè nhẹ, bầu trời trong xanh, ngồi trước bàn học tôi cứ miên man suy nghĩ đến hình phạt mà bố mẹ sẽ dành cho tôi khi bị điểm kém. Thế rồi, không biết từ lúc nào, tôi ngủ thiếp đi mất và có một giấc mơ tuyệt đẹp. Trong mơ, tôi thấy mình được gặp lại bà và được nghe bà kể rất nhiều chuyện mà tôi chưa biết.

Trong giấc mơ, tôi thấy mình đang ở trong ngôi nhà của bà ngày trước. Tất cả đồ đạc đều gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ. Ngoài sân có một bóng người gầy gầy, xương xương, lưng cũng đã còng thế nhưng dáng vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Tôi chạy vội ra sân và không biết đó là ai. Nghe thấy tiếng chân chạy, người đó quay lại. Điều bất ngờ nhất là khi quay người lại, tôi chợt reo lên vui sướng: Bà, bà ơi. Đúng, đó là bà tôi, người bà mà tôi luôn yêu quý cho dù chưa một lần gặp mặt. Tôi chỉ biết bà qua tấm ảnh mà bố cho tôi xem. Bà thấp, nhỏ người, khuôn mặt rạn vết chân chim của bao thời gian vất vả. Đôi mắt đã không còn vẻ sáng ngời mà nó đã trở nên mờ nhoà. Mái tóc bà bạc trắng, được vấn lên gọn gàng. Khi nghe thấy tiếng reo của tôi, bà xoa đầu tôi và bảo: Vào trong nhà đi cháu, ngoài này nắng to lắm, vào đi không lại ốm. Giọng bà mang đậm chất của quê tôi – vùng quê Nam Định nhưng ấm áp lạ lùng. Tôi ngoan ngoãn nghe theo lời bà, chạy vào trong nhà. Một lát sau, bà cũng vào và bảo: Lâu lắm rồi cháu mới về chơi với bà được một hôm nhỉ? Tôi cười và nói: Cháu cũng muốn về lắm nhưng chẳng có thời gian. Bà cười hiền từ, đôi mắt nhìn tôi âu yếm: Cô học cho giỏi rồi sau này bà sẽ lên chơi với cháu thường xuyên hơn. Tôi dựa đầu vào vai bà mà cảm thấy trong lòng mình một niềm vui khôn xiết. Giọng bà chợt ngậm ngùi: Thời gian trôi qua nhanh thật, mới ngày nào còn bé tí cứ khóc suốt ngày nhưng được cái nhanh nín. Thế mà bây giờ đã… Bà bỏ lửng câu nói rồi thở dài. Tôi bỗng thầm ước mình có thể bé đi được để bà có thể dẫn đi chơi, được bà mua kẹo cho sau mỗi lần bà đi chợ về. Nước mắt tôi chợt chảy ra giàn giụa. Bà cười, lau nước mắt cho tôi rồi nói: Lớn tướng rồi mà còn khóc nhè như trẻ con thế. Tôi ôm chặt lấy bà mà thấy chưa bao giờ hạnh phúc như lúc này.

Suốt cả ngày hôm đó, tôi cứ bám lấy bà như cái đuôi. Bà đi xuống bếp tôi cũng di theo, bà ra vườn tôi cũng chẳng rời nửa bước, ớ ngoài vườn, cây cối xum xuê, trĩu trịt quả. Tôi với một quả ổi, gặm thấy ngon hơn những quả ổi mà mẹ mua ở chợ. Bà cười nheo nheo mắt và nói: Cả vườn cây này bà trồng dành cả cho cháu. Người ta cũng tới mấy lần muốn mua hoa quả đấy nhưng bù không muốn vì sợ cháu về lại không có cái gì ăn… Hơn lúc nào hết, tôi cảm nhận được tình yêu thương của bà dành cho tôi. Lúc đó tôi chỉ muốn nói thật to: Bà ơi, cháu yêu bà lắm nhưng lại thấy nghẹn ngào không nói được thành lời. Trong lòng tôi, tôi chỉ muốn thời gian ngừng trôi để cho tôi luôn được sống trong sự chở che, yêu thương của bà dành cho tôi. Lúc ăn cơm, bà chẳng ăn mấy, chỉ chăm chăm gắp hết cho tôi. Vừa gắp cho tôi, bà vừa nói: Món này bà biết cháu thích ăn nhất nên bà làm. Ăn nhiều vào cho chóng lớn.

Tôi ước rằng tuần nào mình cũng được gặp lại bà trong giấc mơ. Những người thân đã xa ta, có thể là xa mãi mãi nhưng họ vẫn luôn hiện hữu bên ta. Dù chỉ là trong những giấc mơ thì ta vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc, có một sự động viên, an ủi lớn lao. Bà ơi, bà có nghe thấy cháu nói gì không? Dẫu bà có ở chốn thiên đường hay hư vô cháu vẫn luôn muốn nói rằng: Bà ơi, cháu yêu bà nhiều lắm! Bà sẽ mãi mãi là thiên thần hộ mệnh tuyệt vời và thân thương nhất của cháu!

Các bạn vừa xem xong tuyển tập 7 bài văn mẫu hay kể lại giấc mơ gặp người thân đã xa cách lâu ngày đầy xúc động của học sinh lớp 9. Truy cập kho tài liệu Văn mẫu 9 để cập nhật thêm nhiều bài văn hay khác giúp bạn rèn luyện kỹ năng làm văn, chuẩn bị tốt cho các bài thi và kiểm tra môn Văn. Chúc các bạn học tốt !

[Văn mẫu 9] Tuyển tập 7+ bài văn hay kể lại giấc mơ gặp người thân đã xa cách lâu ngày xúc động và tình cảm nhất của học sinh.

Đăng bởi: THPT Sóc Trăng

Chuyên mục: Giáo dục

Rate this post