Home Blog Thuyết minh về tác giả Nguyễn Dữ và 2 tác phẩm tiêu biểu của ông

Thuyết minh về tác giả Nguyễn Dữ và 2 tác phẩm tiêu biểu của ông

0
Thuyết minh về tác giả Nguyễn Dữ và 2 tác phẩm tiêu biểu của ông

Hãy cùng với Đọc tài liệu đi vào tìm hiểu một số bài văn thuyết minh về tác giả Nguyễn Dữ và 2 tác phẩm tiêu biểu của ông đó là Chuyện chức phán sự đền Tản Viên và Chuyện người con gái Nam Xương.

Đầu tiên, Đọc tài liệu xin gợi ý những thông tin chính để làm bài thuyết minh này nhé:

Tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Dữ

Để làm được bài văn thuyết minh này thì việc đầu tiên các em cần phải giới thiệu được 2 nội dung chính là tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Dữ và tác phẩm Truyền kỳ mạn lục, có thể ghi nhớ như sau:

Bạn đang xem: Thuyết minh về tác giả Nguyễn Dữ và 2 tác phẩm tiêu biểu của ông

Về tiểu sử của tác giả Nguyễn Dữ

– Chưa rõ Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào.

– Ông là con trai cả Tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu.

– Là người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương.

– Tương truyền ông là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn học của Phùng Khắc Khoan, tức là vào khoảng thế kỷ 16.

– Lúc nhỏ Nguyễn Dữ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà.

– Ông thi đậu rồi ra làm quan dưới thời nhà Mạc, sau đó ở nhà Lê thì làm Tri huyện Thanh Tuyền (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phú). Nhưng mới được một năm, vì bất mãn với thời cuộc, lấy cớ nuôi mẹ nên xin về ở núi rừng Thanh Hóa. Bắt đầu cuộc sống “trải mấy mươi sương, chân không bước đến thị thành.

Về tác phẩm Truyền kỳ mạn lục

– Sáng tác duy nhất của ông là quyển Truyền kỳ mạn lục

+ Gồm 20 truyện, viết bằng chữ Hán, theo thể loại tản văn, xen lẫn biền văn và thơ ca, cuối mỗi truyện (trừ truyện 19 Kim hoa thi thoại ký) đều có lời bình của Nguyễn Dữ hoặc của một người có cùng quan điểm với ông. Tác phẩm được Hà Thiện Hán, người cùng thời, viết lời Tựa, Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính, Nguyễn Thế Nghi, dịch ra chữ Nôm; và đã được Tiến sĩ Vũ Khâm Lân (1702-?), đánh giá là một “thiên cổ kỳ bút”.

+ 2 tác phẩm mà em đã được học trong chương trình Ngữ văn đó là Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (thứ 8) và Chuyện người con gái Nam Xương (thứ 16).

Trên đây là một số lưu ý chính, giờ cùng Đọc tài liệu bước vào thuyết minh thông qua 3 bài văn mẫu dưới đây:

Top 3 bài văn thuyết minh về tác giả Nguyễn Dữ

Bài văn thuyết minh về tác giả Nguyễn Dữ và Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

“Đây là bài văn thuyết minh về tác giả Nguyễn Dữ và Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, một trong những câu chuyện được giảng dạy trong SGK Ngữ văn 10.”

Trong kho tàng văn học Việt Nam, đặc biệt là nền văn học trung đại thế kỷ XVI, “dấu chân” ghi bước đột phá và độc đáo nhất không thể không kể đến Nguyễn Dữ. Tên tuổi của ông gắn liền với dấu ấn của bộ truyện “Truyền kì mạn lục (TKML)” – được coi là áng thiên cổ kì bút. Và trong số đó là tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” (CCPSDTV) đã đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác và trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn. Đồng thời thể hiện niềm tin công lí: “chính nghĩa nhất định thắng gian tà”.

Nguyễn Dữ là con trai của Nguyễn Trường Phiêu, tiến sĩ khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 27. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Thanh Miện, Hải Dương, dòng dõi khoa hoạn, vốn ôm ấp lí tưởng lãnh đạo, đã đi thi và ra làm quan. Thời thế ép buộc, vì sự bất mãn với thời cuộc, ông lại về ẩn dật tại Thanh Hóa.

Từ đó “trải mấy mươi sương, chân không bước đến thị thành”, ông đã viết tập truyện chữ Hán nổi tiếng trong cuộc sống lâm tuyền suốt quãng đời còn lại là TKML. Có thể nói, Nguyễn Dữ là tác giả nổi tiếng của nền văn học trung đại Việt Nam lúc bấy giờ.

TKML của Nguyễn Dữ được đánh giá là “thiên cổ kì bút”. Truyện được viết bằng chữ Hán gồm 20 truyện, ra đời vào nửa đầu thế kỉ 16, lúc xã hội phong kiến Việt Nam rơi vào suy thoái, khủng hoảng, nhân dân bất bình với tầng lớp thống trị.

Trong TKML, Nguyễn Dữ xây dựng các nhân vật, các sự việc một cách hoang đường, kì ảo. Bằng trí tưởng tượng phong phú và bằng một bút pháp linh hoạt, ông đã đưa người đọc vào thế giới huyền bí vừa có thần, vừa có người, vừa thật, vừa hư được thêu dệt ra một cách ly kỳ nhưng vẫn hiện rõ thế giới thực của cuộc đời mà ở đó có những kẻ quyền thế, độc ác, hung tàn. Một trong số những truyện đó là CCPSDTV.

CCPSDTV là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Dữ. Truyện kể về nhân vật Ngô Tử Văn – người vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được. Mọi người vẫn thường khen chàng là người cương trực. Ở làng Tử Văn sống trước có một ngôi đền linh nghiệm nhưng giờ đã thành ngôi đền có hồn tên tướng giặc xâm lược tử trận gần đó làm yêu quái trong dân gian. Trước sự việc ngôi làng bị y tác yêu tác quái, Tử Văn rất tức giận.

Một hôm, chằng tắm gội sạch sẽ, khấn trời đất rồi châm lửa đốt đền. Sự khảng khái, nóng nảy của Tử Văn đã dẫn đến một hành động dũng cảm vì dân trừ hại. Chàng không phải tức giận cho riêng mình mà là tức giận cho mọi người đang bị yêu quái quấy nhiễu. Vì thế việc đốt đền của Ngô Tử Văn là đáng ca ngợi.

Sau khi đốt đến, Tử Văn ốm nặng, sốt nóng, sốt rét rồi chàng bị hồn ma tên tướng giặc mắng mỏ, đe dọa, quyết kiện Tử Văn ở âm phủ nhưng chàng coi thường, tự tin vào việc làm chính nghĩa của mình. Tiếp đó, Tử Văn gặp ông già Thổ công giúp chàng thấy rõ bản chất giả mạo, xảo trá của tên tướng giặc.

Kế tiếp, chàng bị quỷ sứ bắt đem giải xuống âm phủ. Lúc ở âm phủ, do chỉ nghe lời tên tướng giặc, Diêm Vương – vị quan tòa xử kiện – người cầm cán cân công lý đã có lúc tỏ ra mơ hồ. Khi đứng trước công đường, Ngô Tử Văn càng tỏ ra mình là người có khí phách. Chàng không chỉ khẳng định: “Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian” mà còn dũng cảm vạch mặt tên tướng giặc gian tà với lời lẽ rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào.

Chàng chiến đấu đến cùng vì lẽ phải. Cứ từng bước, Ngô Tử Văn đã đánh lui tất cả sự phản công, kháng cự của kẻ thù, cuối cùng đã hoàn toàn hạ gục tên tướng giặc.

Sau khi được minh oan ở âm phủ, Tử Văn trở về nhà chưa được một tháng thì Thổ công đến báo Tử Văn nhận chức phán sự ở đền Tản Viên. Thổ công nói: “Người ta sống ở đời, xưa nay ai chẳng phải chết, miễn là chết đi còn được tiếng về sau” và khuyên Tử Văn nên nhận. Thế rồi, chàng vui vẻ nhận lời.

Việc đi nhận chức ở đền Tản Viên nói lên thắng lợi của chàng trong cuộc đấu tranh với tên tướng giặc xảo quyệt. Sự thắng lợi này đã khẳng định chàng là người tốt, chính nghĩa, dám đấu tranh để thực hiện công lí. Con người của chính nghĩa đã được đứng ra để thực hiện công lý là một thắng lợi có ý nghĩa sâu sắc, khẳng định niềm tin chính nghĩa nhất định thắng gian tà.

Trong CCPSDTV, tác giả đã vạch trần bộ mặt gian tà của không ít kẻ đương quyền “quen dùng chước dối lừa, trò thám ngược”. Truyện phê phán hồn ma tên tướng giặc giả mạo. Lúc sống cũng như khi y đã chết, y đều hung ác, xảo quyệt nên đã bị Diêm Vương – đại diện cho công lý trừng trị thích đáng.

Ngòi bút của Nguyễn Dữ không chỉ lên án một số quan lại mà còn tố cáo mạnh mẽ hiện thực: “rễ ác mọc lan, khó lòng lay động” mà bênh vực cho kẻ gian tà. Trong câu nói của Tử Văn: “Sao mà nhiều thần quá vậy” cũng cho ta thấy một hiện thực của xã hội phong kiến lúc bấy giờ, Xã hội có nhiều kẻ hữu danh vô thực, lợi dụng địa vị, quyền thế làm điều bất chính. Kết thúc câu chuyện là một cái kết có hậu, thể hiện đúng truyền thống nhân đạo của dân tộc ta: “Chính nghĩa nhất định sẽ thắng gian tà”.

CCPSDTV đã sử dụng yếu tố kì ảo dày đặc, xen lẫn thế giới thực ảo đã tăng tính li kì, hấp dẫn của chuyện. Không chỉ vật, chuyện còn giàu kịch tính bởi cách dẫn người, dẫn việc cụ thể đến cả họ tên, quê quán và thời gian, địa điểm diễn ra sự việc làm tăng tính xác thực, làm chuyện tăng thêm ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Câu chuyện CCPSDTV đề cao nhân vật Ngô Tử Văn – đại diện cho tầng lớp trí thức nước Việt giàu tinh thần dân tộc, chuộng chính nghĩa, dũng cảm, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác trừ hại cho dân. Truyện còn thể hiện niềm tin vào công lý, chính nghĩa nhất định sẽ thắng gian tà.

Học sinh: Nguyễn Thị Giang – THPT Hàn Thuyên

Bài văn thuyết minh về tác giả Nguyễn Dữ và tác phẩm Truyền kì mạn lục

Nguyễn Dữ là người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương. Chưa rõ Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào. Tương truyền ông là học trò của Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn học của Phùng Khắc Khoan, tức là vào khoảng thế kỷ 16. Ông là con trai cả Tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu – khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496), được trao chức Thừa chánh sứ, sau khi mất được tặng phong Thượng thư.

Lúc nhỏ Nguyễn Dữ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Sau khi đậu Hương tiến (cử nhân), Nguyễn Dữ thi Hội nhiều lần, đạt trúng trường và từng giữ chức vụ Tri huyện Thanh Tuyền nhưng mới được một năm thì ông xin từ quan về nuôi dưỡng mẹ già. Trải mấy năm dư không đặt chân đến những nơi đô hội, ông miệt mài “ghi chép” để gửi gắm ý tưởng của mình và đã hoàn thành tập truyện chữ Hán nổi tiếng viết trong thời gian ở ẩn: Truyền kỳ mạn lục.

Truyền kỳ mạn lục, một tác phẩm được đánh giá là “thiên cổ kỳ bút”. Nó cũng là tác phẩm có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống văn học nước nhà đương thời cũng như các thế kỷ tiếp sau.

Là một tác phẩm được viết bằng tản văn, xen lẫn biền văn và thơ ca, cuối mỗi truyện thường có lời bình của tác giả, hoặc của một người cùng quan điểm với tác giả. Hầu hết các nhân vật, các sự việc kỳ lạ xảy ra ở đời Lý, đời Trần, đời Hồ hoặc đời Lê sơ từ Nghệ An trở ra Bắc. Cốt truyện chủ yếu lấy từ những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, nhiều trường hợp xuất phát từ truyền thuyết về các vị thần mà đền thờ hiện vẫn còn.

Lấy tên sách là Truyền kỳ mạn lục (Sao chép tản mạn những chuyện lạ), hình như tác giả muốn thể hiện thái độ khiêm tốn của một người chỉ ghi chép truyện cũ. Bằng trí tưởng tượng phong phú và bằng một bút pháp linh hoạt, tác giả Truyền kỳ mạn lục đưa người đọc vào một thế giới huyền bí vừa có người, vừa có thần, vừa hư, vừa thật nhưng xuyên qua các lớp mù linh o, ly kỳ được thêu dệt ra một cách tài giỏi ấy vẫn hiện rõ một thế giới thật của cuộc đời mà ở đó nhan nhản những kẻ có quyền thế độc ác, đồi bại.

Căn cứ vào tính chất của các truyện thì thấy Truyền kỳ mạn lục không phải là một công trình sưu tập như Lĩnh Nam chích quái, Thiên Nam vân lục… mà là một sáng tác văn học với ý nghĩa đầy đủ của từ này. Đó là một tập truyện phóng tác, đánh dấu bước phát triển quan trọng của thể loại tự sự hình tượng trong văn học chữ Hán. Và nguyên nhân chính của sự xuất hiện một tác phẩm có ý nghĩa thể loại này là nhu cầu phản ánh của văn học.

Trong thế kỷ XVI, tình hình xã hội không còn ổn định; mâu thuẫn giai cấp trở nên gay gắt, quan hệ xã hội bắt đầu phức tạp. Các tầng lớp xã hội dần phân hóa mạnh mẽ, trật tự phong kiến lung lay, chiến tranh phong kiến ác liệt và kéo dài, đất nước bị các tập đoàn phong kiến chia cắt, cuộc sống không yên ổn, nhân dân điêu đứng, cơ cực.

Muốn phản ánh thực tế phong phú, đa dạng ấy, muốn lý giải những vấn đề đặt ra trong cuộc sống đầy biến động ấy thì không thể chỉ dừng lại ở chỗ ghi chép sự tích đời trước. Nhu cầu phản ánh quyết định sự đổi mới của thể loại văn học. Và Nguyễn Dữ đã dựa vào những sự tích có sẵn, tổ chức lại kết cấu, xây dựng lại nhân vật, thêm bớt tình tiết, tu sức ngôn từ… tái tạo thành những thiên truyện mới.

Truyền kỳ mạn lục chính là thi phẩm phản ánh sâu sắc hiện thực thế kỷ XVI. Trên thực tế thì đằng sau thái độ có phần dè dặt khiêm tốn, Nguyễn Dữ rất tự hào về tác phẩm của mình, qua đó ông bộc lộ tâm tư, thể hiện hoài bão. Ông đã phát biểu nhận thức, bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề lớn của xã hội, của con người trong khi chế độ phong kiến đang suy thoái.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tung hoành của cái xấu cái ác, tác giả Truyền kỳ mạn lục vẫn nhìn thấy những phẩm cách lương thiện, trung thực, những tâm hồn thanh cao, những tình người tình yêu của nhân dân, của cái thiện vĩnh hằng và Nguyễn Dữ đã mô tả nó thật đẹp đẽ, mỹ lệ.

Trong 20 truyện Nguyễn Dữ viết, truyện nào cũng thể hiện một quan điểm chính trị, một thái độ nhân sinh, một ý tưởng đạo đức của ông. Đó là những mong muốn của Nguyễn Dữ về một xã hội mọi người được sống yên bình trong nền đức trị, trong sự công bằng, trong tình cảm yêu thương nhân ái giữa con người với con người… Giá trị lớn của tác phẩm Truyền kỳ mạn lục chính là ở những nội dung nhân văn sâu sắc.

Bài văn thuyết minh về Nguyễn Dữ và Chuyện người con gái Nam Xương

“Bài văn mẫu thuyết minh về tác giả Nguyễn Dữ và Chuyện người con gái Nam Xương khá hay và được nhiều thầy cô ra đề trong chương trình Ngữ văn 9, dưới đây là 1 bài thuyết minh ngắn gọn dành cho bạn”.

Nguyễn Dữ là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XVI. Đây là thời kì xã hội phong kiến Việt Nam có nhiều biến động và khủng hoảng. Giống như nhiều trí thức khác của thời đại mình, Nguyễn Dữ chán nản và bi phẫn trước thời cuộc. Vì thế, sau khi đỗ Hương Cống, ông chỉ làm quan một năm rồi cáo quan về ở ẩn.

Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ là tác phẩm tiêu biểu cho thể loại truyền kì ở Việt Nam. Tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương là một trong 20 tác phẩm của Truyền kì mạn lục. Qua cuộc đời của Vũ Nương, Nguyễn Dữ tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa đã làm tan vỡ hạnh phúc lứa đôi, đồng thời thể hiện sự cảm thông sâu sắc với khát vọng hạnh phúc cũng như bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa.

Tác phẩm cũng là sự suy ngẫm, day dứt trước sự mong manh của hạnh phúc trong kiếp người đầy bất trắc. Tác phẩm cho thấy nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật già dặn. Sự đan xen thực ảo một cách nghệ thuật, mang tính thẩm mĩ cao.

Chuyện người con gái Nam Xương là một truyện ngắn đặc sắc cả về nội dung lẫn nghệ thuật trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Truyện đã thể hiện được sự phối hợp hài hòa giữa chất hiện thực (câu chuyện được lưu truyền trong dân gian) với những nét nghệ thuật đặc trưng của thể loại truyền kì (yếu tố kì lạ hoang đường).

Giá trị nội dung của tác phẩm được thể hiện ở hai khía cạnh: Hiện thực và nhân đạo. Hiện thực thứ nhất trong tác phẩm là số phận bi kịch của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến thông qua hình tượng nhân vật Vũ Nương. Vốn là người con gái xuất thân từ tầng lớp bình dân nhưng thùy mị, nết na; tư dung tốt đẹp.

Khi chồng đi lính, Vũ Nương một mình vừa chăm sóc, thuốc thang ma chay cho mẹ chồng vừa nuôi con, đảm đang, tận tình, chu đáo. Để rồi khi chàng Trương trở về, chỉ vì câu nói ngây thơ của bé Đản mà Trương Sinh đã nghi ngờ lòng thủy chung của vợ. Từ chỗ nói bóng gió xa xôi, rồi mắng chửi, hắt hủi và cuối cùng là đuổi Vũ Nương ra khỏi nhà, Trương Sinh đã đẩy Vũ Nương tới bước đường cùng, bế tắc, phải chọn cái chết để tự minh oan cho mình.

Hiện thực thứ hai được phản ánh là xã hội phong kiến với những biểu hiện bất công vô lý. Đó là một xã hội dung túng cho quan niệm trọng nam khinh nữ, để cho Trương Sinh – một kẻ thất học, vũ phu ngang nhiên chà đạp lên giá trị nhân phẩm của người vợ hiền thục nết na. Hành động ghen tuông của Trương Sinh là hệ quả của một loại tính cách – sản phẩm của xã hội đương thời.

Giá trị nhân đạo thể hiện ở các khía cạnh: ngợi ca, tôn trọng vẻ đẹp của người phụ nữ thông qua hình tượng nhân vật Vũ Nương. Xuất thân từ tầng lớp bình dân nhưng ở Vũ Nương đã hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, theo quan điểm Nho giáo (tam tòng, tứ đức). Tác giả đã đặt nhân vật trong các mối quan hệ để làm toát lên vẻ đẹp ấy.

Với chồng: nàng là người vợ hiền thục. Với con: nàng là người mẹ dịu dàng, giàu tình yêu thương. Với mẹ chồng: nàng đã làm tròn bổn phận của một người con dâu hiếu thảo. Những phẩm chất tốt đẹp của Vũ Nương còn được thể hiện ngay cả khi nàng sống cuộc sống của một cung nữ dưới thủy cung: Sẵn sàng tha thứ cho Trương Sinh, một mực thương nhớ chồng con nhưng không thể trở về vì đã nặng ơn nghĩa đối với Linh Phi…

Nguyễn Dữ đã dành cho nhân vật một thái độ yêu mến, trân trọng, từ đó khắc họa thành công hình tượng nhân vật người phụ nữ với đầy đủ những phẩm chất đẹp. Câu chuyện còn đề cao triết lí nhân nghĩa ở hiền gặp lành qua phần kết thúc có hậu giống như rất nhiều những câu chuyện cổ tích Việt Nam.

Với đặc trưng riêng của thể loại truyện truyền kì, Nguyễn Dữ đã sáng tạo thêm phần cuối của câu chuyện. Vũ Nương đã không chết, hay nói đúng hơn, nàng được sống ở cõi khác bình yên và tốt đẹp hơn đó là chốn thủy cung. Qua đó có thể thấy rõ ước mơ của người xưa (cũng là của tác giả) về một xã hội công bằng, tốt đẹp mà ở đó con người sống và đối xử với nhau bằng lòng nhân ái, ở đó nhân phẩm của con người được tôn trọng. Oan thì phải được giải, người hiền lành lương thiện như Vũ Nương phải được hưởng hạnh phúc.

Bên cạnh giá trị nội dung, tác phẩm còn được đánh giá cao ở phương diện nghệ thuật. Đây là một tác phẩm được viết theo lối truyện truyền kì, tính chất truyền kỳ được thể hiện qua kết cấu hai phần: Vũ Nương ở trần gian, Vũ Nương ở thủy cung. Với kết cấu hai phần này, tác giả đã khắc họa được một cách hoàn thiện vẻ đẹp hình tượng nhân vật Vũ Nương.

Mặt khác, kết cấu hai phần ở “Chuyện người con gái Nam Xương” đã góp phần thể hiện khát vọng về lẽ công bằng trong cuộc đời (ở hiền gặp lành). Chất hoang đường kì ảo cuối truyện cũng làm tăng thêm ý nghĩa phê phán đối với hiện thực: dù oan đã được giải những người đã chết thì không thể sống lại được. Do đó, bài học giáo dục đối với những kẻ như Trương Sinh càng thêm sâu sắc hơn.

Ngoài ra còn phải kể đến nghệ thuật xây dựng tình huống bất ngờ, độc đáo nhưng hợp lý tạo tính kịch trong câu chuyện mà yếu tố thắt nút và gỡ nút của tấm kịch ấy chỉ là câu nói của một đứa trẻ lên ba với chi tiết cái bóng.

Chuyện người con gái Nam Xương thực sự là áng văn mẫu mực, tiêu biểu cho Truyền kì của Nguyễn Dữ. Nó sẽ sống mãi trong lòng người đọc bởi chất hiện thực sinh động và tấm lòng nhân đạo tha thiết của tác giả.

Hết

Vậy là Đọc tài liệu đã kết thúc bài làm thuyết minh về tác giả Nguyễn Dữ và những tác phẩm tiêu biểu của ông tại đây. Mong rằng với những nội dung đã cung cấp, các em có thể hoàn thành bài văn của mình tốt nhất. Chúc các em học tốt.

Top 3 bài văn thuyết minh về tác giả Nguyễn Dữ, Chuyện chức phán sự đền Tản Viên và Chuyện người con gái Nam Xương.

Đăng bởi: THPT Sóc Trăng

Chuyên mục: Giáo dục

Rate this post