Home Blog Thuyết minh là gì? Văn thuyết minh là gì?

Thuyết minh là gì? Văn thuyết minh là gì?

0
Thuyết minh là gì? Văn thuyết minh là gì?

Các bạn đang muốn tìm hiểu về văn thuyết minh? Làm thể nào để đảm bảo tính chuẩn xác hấp dẫn của văn bản thuyết minh? Dưới đây chính là tài liệu hữu ích về những kiến thức mà bạn cần nắm được:

1. Các khái niệm cơ bản

1.1. Thuyết minh là gì?

– Thuyết minh nghĩa là nói rõ, giải thích, giới thiệu.

– Thuyết minh còn có nghĩa là hướng dẫn cách dùng.

Bạn đang xem: Thuyết minh là gì? Văn thuyết minh là gì?

(Theo từ điển từ Hán Việt – Phan Văn Các)

1.2. Văn thuyết minh là gì?

Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thường gặp trong mọi lĩnh vực của đời sống; có chức năng cung cấp tri thức về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân,…của các hiện tượng, sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng cách trình bày, giới thiệu, giải thích.

1.3. Mục đích của văn bản thuyết minh là gì?

Mục đích của văn bản thuyết minh nhằm cung cấp tri thức khách quan về những sự vật, hiện tượng, vấn đề,… được chọn làm đối tượng để thuyết minh.

1.4. Các dạng bài văn thuyết minh thường gặp

Trong chương trình học Ngữ văn từ lớp 8 – 12 thì có một số dạng bài văn thuyết minh thường gặp như:

– Thuyết minh về một đồ dùng.

– Thuyết minh về một loài vật.

– Thuyết minh về một phương pháp ( như thuyết minh về cách làm món ăn, dụng cụ…)

– Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh.

– Thuyết minh về một thể loại văn học hoặc một tác giả văn học.

– Thuyết minh về một phong tục, lễ hội dân gian…

– ….

2. Cách làm bài văn thuyết minh

2.1. Yêu cầu:

– Về nội dung: Những nội dung được nêu trong bài văn đòi hỏi phải khách quan, xác thực, thực dụng, hữu ích cho mọi người.

– Về hình thức: Ngôn ngữ trong văn bản thuyết minh cần được trình bày chính xác, rõ ràng, chặt chẽ và hấp dẫn.

2.2. Bố cục cơ bản của một bài văn thuyết minh:

– Mở bài: Giới thiệu về đối tượng cần thuyết minh.

– Thân bài: Trình bày các đặc điểm về đối tượng; (giải thích nguyên nhân, nguồn gốc, cấu tạo, liệt kê các bộ phận cấu thành, các chủng loại, công dụng, cách sử dụng, bảo quản… của đối tượng. )

– Kết bài: Đánh giá về đối tượng với khả năng, vai trò ứng dụng của nó trong thực tế.

Một số ví dụ minh họa:

Ví dụ 1: Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở địa phương em.

Gợi ý: Ta có thể giới thiệu vị trí, địa điểm, những đặc điểm nổi bật nhất của danh lam thắng cảnh đó. Những giá trị văn hóa và kinh tế mà thắng cảnh đó đã đem lại.

Ví dụ 2: Thuyết minh về một văn bản mà em đã học

Gợi ý: Ta có thể chọn bất kỳ một bài thơ, bài văn nào đã từng học trước đó: Ta cần giới thiệu về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, nội dung, nghệ thuật, thông điệp (ngụ ý, bài học) rút ra được, …

Ví dụ 3: Thuyết minh về một đồ dùng học tập mà em đang sử dụng

Gợi ý thuyết minh về cây bút bi: Ta cần giới thiệu về nguồn gốc, xuất xứ, cấu tạo, phân loại, cách dùng, công dụng, bảo quản…

2.3 Dàn ý văn thuyết minh mẫu

2.3.1. Thuyết minh về một tác giả văn học

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả thuyết minh.

2. Thân bài

a. Giới thiệu về cuộc đời tác giả

– Họ, tên thật, bút danh khác, năm (sinh – mất).

– Quê hương, gia đình, thời đại.

– Những yếu tố ảnh hưởng tới sự nghiệp văn chương (ảnh hưởng của gia đình, quê hương…).

– Những mốc lớn trong cuộc đời.

b. Sự nghiệp sáng tác

– Các sáng tác chính.

– Quan điểm nghệ thuật (sáng tác), đặc điểm phong cách (nếu có).

– Nội dung chính trong các sáng tác.

– Đặc sắc về nghệ thuật.

3. Kết bài: Khẳng định vị trí và đóng góp của tác giả trong nền văn học dân tộc.

Ví dụ minh họa

Đề bài: Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du.

* Bước 1: Tìm hiểu đề

– Đối tượng thuyết minh: Tác giả Nguyễn Du

– Phương pháp làm bài: Thuyết minh

– Tư liệu: Tham khảo các bài viết về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du.

* Bước 2: Lập dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Du.

2. Thân bài

a. Những nét chính về cuộc đời của tác giả Nguyễn Du

– Nguyễn Du (1765 – 1820), Tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên.

– Quê hương: quê cha ở Hà Tĩnh; quê mẹ ở Bắc Ninh, bản thân Nguyễn Du lại sinh ra và lớn lên ở kinh thành Thăng Long. Nhờ đó, Nguyễn Du có điều kiện tiếp nhận tinh hoa văn hóa của nhiều vùng miền khác nhau.

– Gia đình: Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều người đỗ đạt, làm quan và có truyền thống về văn học. Đây chính là cái nôi nuôi dưỡng tài năng văn học của Nguyễn Du.

– Thời đại: Nguyễn Du sống vào cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX, một giai đoạn lịch sử đầy biến động với hai đặc điểm nổi bật là chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng và phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, đỉnh cao là phong trào Tây Sơn. Yếu tố thời đại đã ảnh hưởng sâu sắc tới ngòi bút của Nguyễn Du khi viết về hiện thực đời sống.

– Những mốc lớn trong cuộc đời:

+ Thời thơ ấu và niên thiếu: Nguyễn Du sống tại Thăng Long trong một gia đình phong kiến quyền quý. Nhưng mười tuổi đã mồ côi cha và sau đó ba năm thì mẹ ông cũng qua đời. Từ đó, Nguyễn Du sống với người anh cùng cha khác mẹ với ông là Nguyễn Khản. Trong thời gian này Nguyễn Du có điều kiện thuận lợi để dùi mài kinh sử, có dịp hiểu biết về cuộc sống xa hoa của giới quý tộc phong kiến.

+ Năm 1783, Nguyễn Du thi Hương đỗ tam trường và được nhận một chức quan nhỏ.

+ Năm 1789, nhà Lê sụp đổ, Nguyễn Du phải lánh về sống ở quê vợ và bắt đầu cuộc sống “mười năm gió bụi”.

+ Năm 1802, sau quãng thời gian sống chật vật, khó khăn ở các vùng quê khác nhau, Nguyễn Du ra làm quan dưới triều Nguyễn và từng giữ nhiều chức quan khác nhau.

+ Năm 1820, ông một lần nữa được cử đi sứ sang Trung Quốc nhưng chưa kịp đi thì qua đời.

b. Sự nghiệp sáng tác

* Các sáng tác chính

– Sáng tác bằng chữ Hán: Gồm có ba tập thơ “Thanh Hiên thi tập”; “Nam trung tạp ngâm”; “Bắc hành tạp lục”.

– Sáng tác bằng chữ Nôm: Văn chiêu hồn, Truyện Kiều

* Đặc điểm về nội dung và nghệ thuật trong thơ văn của Nguyễn Du

– Nội dung: Tác phẩm của Nguyễn Du chứa chan tinh thần nhân đạo – một chủ nghĩa nhân đạo thống thiết, luôn hướng tới đồng cảm, bênh vực, ngợi ca và đòi quyền sống cho con người, đặc biệt là người phụ nữ tài hoa mà bạc mệnh.

– Nghệ thuật:

+ Thơ chữ Hán của ông đạt đến độ tài hoa, uyên bác.

+ Sáng tác bằng chữ Nôm của ông đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ đã góp phần trau dồi, làm giàu ngôn ngữ dân tộc và thể thơ truyền thống.

+ Về ngôn ngữ: Nguyễn Du đã có đóng góp to lớn, làm cho ngôn ngữ Tiếng Việt trở nên trong sáng, tinh tế và giàu có.

3. Kết bài: Đánh giá khái quát về tác giả Nguyễn Du.

2.3.2 Thuyết minh về một tác phẩm văn học

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác phẩm thuyết minh.

2. Thân bài:

a. Giới thiệu đôi nét về tác giả.

b. Giới thiệu về hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, thể loại của tác phẩm.

c. Bố cục và nội dung chính của từng phần.

– Chú ý đi sâu vào nội dung chính của từng phần

d. Giá trị của tác phẩm

– Giá trị nội dung

– Giá trị nghệ thuật

3. Kết bài: Khẳng định lại vị trí của tác phẩm trong nền văn học dân tộc.

Ví dụ minh họa:

Đề 1: Thuyết minh về tác phẩm “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi.

* Bước 1: Tìm hiểu đề

– Đối tượng thuyết minh: Tác phẩm “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi.

– Phương pháp làm bài: Thuyết minh

– Tư liệu: Tác phẩm “Đại cáo bình Ngô”

* Bước 2: Lập dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Đại cáo bình Ngô”.

2. Thân bài:

a. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi

– Nguyễn Trãi là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao lỗi lạc, bậc anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Đồng thời ông còn là một nhà văn kiệt xuất, nhà thơ trữ tình sâu sắc.

– Nguyễn Trãi để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ: gồm nhiều thể loại khác nhau bằng chữ Hán và chữ Nôm.

– Tác phẩm chính luận tiêu biểu nhất là “Đại cáo bình Ngô”

b. Hoàn cảnh ra đời, thể loại của tác phẩm “Đại cáo bình Ngô”

* Hoàn cảnh sáng tác

– Sau khi quân ta đại thắng, tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của giặc, Vương Thông buộc phải giảng hòa, rút quân về nước, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết “Đại cáo Bình Ngô”.

– “Đại cáo bình Ngô” có ý nghĩa trọng đại như một bản tuyên ngôn độc lập, được công bố vào thánh Chạp, năm Đinh Mùi (tức đầu năm 1428)

* Thể loại: “Đại cáo bình Ngô” được viết theo thể loại cáo.

– Cáo là thể văn nghị luận có từ thời cổ ở Trung Quốc, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương, một sự nghiệp, tuyên ngôn một sự kiện để mọi người cùng biết.

– Cáo có thể viết bằng văn xuôi hay văn vần nhưng phần lớn được viết bằng văn biền ngẫu, có vần hoặc không có vần, thường có đối, câu dài ngắn không gò bó, mỗi cặp hai vế đối nhau.

– Lời lẽ đanh thép, lí luận sắc bén, kết cấu chặt chẽ, mạch lạc.

c. Bố cục và nội dung chính từng phần

Bài cáo chia làm bốn phần:

* Phần 1: Nêu luận đề chính nghĩa làm cơ sở triển khai cho toàn bộ nội dung bài cáo. Cốt lõi nhân nghĩa chính là yên dân và trừ bạo. Bên cạnh đó, tác giả khẳng định chân lí về nền độc lập dân tộc dựa trên các yếu tố: Nền văn hiến lâu đời; cương vực lãnh thổ riêng; có phong tục tập quán và lịch sử, chế độ riêng

* Phần 2: Bản cáo trạng hùng hồn, đẫm máu về tội ác của kẻ thù

– Tố cáo âm mưu cướp nước ta của giặc Minh.

– Tố cáo chủ trương, chính sách cai trị vô nhân đạo của giặc Minh.

+ Tàn sát người vô tội: “Nướng dân đen… tai vạ”.

+ Bóc lột tàn tệ, dã man: “Nặng thuế… núi”.

+ Huỷ diệt môi trường sống: “Người bị ép… cây cỏ”.

– Tội ác của chúng không sao kể hết:

“Độc ác thay trúc Lam Sơn không ghi hết tội

Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa hết mùi”

* Phần 3: Bản hùng ca về cuộc khỏi nghĩa Lam Sơn:

– Giai đoạn đầu: Tác giả tập trung khắc họa hình tượng người anh hùng áo vải Lê Lợi xuất thân từ “chốn hoan dã nương mình” nhưng có lòng yêu nước thương dân và căm thù giặc sâu sắc, có lí tưởng cao cả:

“Ngẫm thù lớn há đội trời chung – Căm giặc nước thề không cùng sống”

– Giai đoạn sau: Bản hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:

+ Lúc đầu, nghĩa quân ta gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn:

“ Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần

Khi Khôi Huyện quân không một đội”

+ Nhưng nhờ có tấm lòng yêu nước, có chiến lược phù hợp nghĩa quân ta đã chuyển sang giai đoạn phản công và giành chiến thắng vang dội, giặc Minh thất bại thảm hại.

“Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế

Ngày hai mươi, Trận Mã An, Liễu Thăng cụt đầu

Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh bại trận tử vong

Ngày hăm tám, thượng thư Lí Khánh cùng kế tự vẫn.”

* Phần 4: Lời tuyên bố độc lập: Tuyên bố, khẳng định với toàn dân về nền độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước đã được lập lại.

d. Giá trị của tác phẩm

– Giá trị nội dung: Bản cáo trạng về tội ác của giặc Minh cũng là bản anh hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, bản tuyên ngôn độc lập lần thứ 2 của dân tộc.

– Giá trị nghệ thuật:

+ Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố chính luận và yếu tố văn chương.

+ Kết cấu mạch lạc, chặt chẽ; lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, sắc bén.

– Sử dụng kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật: liệt kê, phóng đại, so sánh, đối lập…

→ “Áng thiên cổ hùng văn”

3. Kết luận: Đánh giá vị trí của tác phẩm trong nền văn học dân tộc.

Trên đây là một số gợi ý cơ bản khi làm bài thuyết minh văn học. Hy vọng qua bài viết này, các em sẽ có kĩ năng cần thiết để làm bài văn thuyết minh đạt kết quả cao nhất.

Nguồn: Cô Trần Thị Hồng Tuyên – Tổ Văn – THPT Tiên Lữ

3. Các phương pháp thuyết minh:

Muốn có tri thức để làm tốt bài văn, người viết phải quan sát, tìm hiểu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nhất là phải nắm bắt được bản chất, đặc trưng của chúng, để tránh sa vào trình bày các biểu hiện không tiêu biểu, không quan trọng.

Để bài văn thuyết minh có tính thuyết phục, dễ hiểu, sáng tỏ, người ta có thể sử dụng nhiều phương pháp thuyết minh:

– Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích: Sử dụng kiểu câu trần thuật có từ “là” nhằm giới thiệu, giải thích hoặc định nghĩa về các vấn đề liên quan tới đối tượng thuyết minh.

– Phương pháp liệt kê: Liệt kê các đặc điểm, tính chất,… của đối tượng thuyết minh theo một trình tự nhất định nhằm cung cấp cho người đọc, người nghe cái nhìn toàn cảnh về đối tượng.

– Phương pháp nêu ví dụ: Đưa ra các ví dụ thực tiễn, sinh động chính xác và cụ thể, có tác dụng thuyết phục cao, làm cho người đọc tin cậy.

– Phương pháp dùng số liệu (con số): Dùng những con số xác thực, có tác dụng làm sáng tỏ vấn đề nhanh nhất, thực tế nhất mà lại có sức thuyết phục nhất.

– Phương pháp so sánh: Sự so sánh đối tượng thuyết minh với những đối tượng khác theo từng khía cạnh giúp bài văn trở nên cụ thể hơn.

– Phương pháp phân loại, phân tích: Đối với những loại sự vật, đối tượng thuyết minh đa dạng thì ta có thể chia đối tượng ra từng loại, từng phần theo đặc điểm riêng của đối tượng thuyết minh để trình bày sẽ đảm bảo tính khách quan.

4. Các yếu tố đan xen của phương thức biểu đạt khác:

4.1. Sử dụng một số biện pháp nghệ thuật:

Để bài văn thuyết minh được sinh động, hấp dẫn hơn thì chúng ta có thể sử dụng thêm một số biện pháp nghệ thuật. Một số biện pháp nghệ thuật thường dùng trong văn bản thuyết minh là: kể chuyện, tự thuật, đối thoại theo lối ẩn dụ, nhân hoá, các hình thức vè và diễn ca,…

Các biện pháp nghệ thuật cần được sử dụng thích hợp, góp phần làm nổi bật đặc điểm của đối tượng thuyết minh và gây hứng thú cho người đọc.

4.2. Sử dụng yếu tố miêu tả:

Yếu tố miêu tả là những yếu tố của hiện thực khách quan trong đời sống. Chúng có hình ảnh, đường nét, màu sắc, âm thanh, hình khối, hương vị,… rất cụ thể mà giác quan con người có thể cảm nhận được. Yếu tố miêu tả thường được sử dụng trong văn bản nghệ thuật để xây dựng hình tượng nghệ thuật.

Để một bài văn thuyết minh cụ thể sinh động hơn thì việc kết hợp và sử dụng yếu tố miêu tả là vô cùng cần thiết. Nó có tác dụng làm cho đối tượng cần thuyết minh được nổi bật, ấn tượng.

Trên đây là những thông tin cơ bản mà bạn cần phải ghi nhớ khi áp dùng vào làm một bài văn thuyết minh, chúc các bạn sẽ có cho mình những bài văn hay cho mình!

Thuyết minh là gì? Văn thuyết minh là gì? Hướng dẫn cách viết một bài văn thuyết minh với bố cục rõ ràng, sử dụng các phương thức biểu đạt.

Đăng bởi: THPT Sóc Trăng

Chuyên mục: Giáo dục

Rate this post