Home Blog Soạn bài Viết bài làm văn số 3 : Văn tự sự

Soạn bài Viết bài làm văn số 3 : Văn tự sự

0
Soạn bài Viết bài làm văn số 3 : Văn tự sự

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Viết bài làm văn số 3: Văn tự sự được biên soạn chi tiết giúp các em dễ dàng nắm được cách triển khai bài văn tự sự theo các đề bài gợi ý trang 123 SGK Ngữ văn 10 tập 1.

Cùng tham khảo …

Bạn đang xem: Soạn bài Viết bài làm văn số 3 : Văn tự sự

Hướng dẫn chung

* Cách lập dàn ý một bài văn tự sự:

– Bước 1: Trước khi lập dàn ý, cần suy nghĩ để chọn đề tài, chọn một chủ đề hoặc vấn đề sau đó phác thảo qua cốt truyện.

– Bước 2: Từ đề tài, chủ đề của câu chuyện, người viết phải tưởng tượng, sáng tạo ra những nét chính hình thành nên cốt truyện. Cốt truyện có thể dựa vào cuộc đời và số phận của nhân vật chính hay dựa theo diễn biến của sự việc chính.

– Bước 3: Dựa vào mô hình dàn ý (3 phần), tìm các yếu tố cấu thành tác phẩm: Lí do, không gian xảy ra câu chuyện, các tình tiết của truyện, các nhân vật và quan hệ của chúng, các cảnh thiên nhiên, các đối thoại chính, tâm trạng của nhân vật…

– Bước 4: Hệ thống hóa các khâu trên bằng một dàn ý chi tiết.

* Mẫu dàn ý chung cho một bài văn tự sự:

+ Mở bài: Giới thiệu câu chuyện (hoàn cảnh, không gian, thời gian, nhân vật)

+ Thân bài: Những sự việc và chi tiết chính trong câu chuyện

+ Kết bài: Kết thúc câu chuyện (có thể nêu cảm nghĩ hoặc một chi tiết thật đặc sắc, ý nghĩa).

Soạn bài Viết bài làm văn số 3: Văn tự sự ngắn gọn

Đề 1:

Cây lau chứng kiến việc nàng Vũ Nương ngồi bên bờ Hoàng Giang than thở một mình rồi tự vẫn. Viết lại câu chuyện đó theo ngôi kể thứ nhất hoặc ngôi kể thứ ba.

Dàn ý tham khảo:

a) Mở bài: Cây lau – xưng tôi – tự giới thiệu

b) Thân bài: Có thể kể một số sự việc:

– Đang vui đùa theo gió, tôi bỗng thấy một người đàn bà thẫn thờ đi đến, ngồi sát bờ sông cạnh tôi.

– Nhìn khuôn mặt tôi nhận ngay ra Vũ Nương, người phụ nữ hiền thục, thường ra sông gánh nước. Tiếng nàng than thở ai oán, não nùng, ….

– Sau những lời than thở, nàng lao mình xuống sông tự tử. Tôi giật mình, hoảng sợ, cố vươn cành lá để cứu nàng mà không được.

– Cảm xúc suy nghĩ của cây lau về Vũ Nương và sự việc nàng tự tử.

c) Kết bài: Tổng kết vấn đề.

Đề 2:

    Hãy hoá thân vào những que diêm để kể lại câu chuyện theo diễn biến và kết thúc truyện ngắn Cô bé bán diêm của An-đéc-xen (hoặc diễn biến sự việc tương tự nhưng có kết thúc khác).

Dàn bài gợi ý:

a) Mở bài: Que diêm – xưng tôi – tự giới thiệu

b) Thân bài:

– Kể lại diễn biến câu chuyện theo diễn biến của truyện Cô bé bán diêm.

– Cảm xúc suy nghĩ của que diêm về số phận của cô bé, và vẻ đẹp tâm hồn của cô.

– Cái chết của cô bé, khiến que diêm có suy nghĩ gì?

c) Kết bài: Tổng kết vấn đề.

Đề 3:

    “Tôi tên là Oanh Liệt. Cái tên này cậu chủ đặt cho tôi nhờ những trận đấu oanh liệt của tôi trên các sới chọi trong làng. Vậy mà giờ đây, cậu chủ bỏ rơi tôi để chạy theo những trò chơi mới…”

Dựa theo những lời tâm sự trên, anh (chị) hãy viết một truyện ngắn theo ngôi kể thứ nhất kể về số phận và nỗi niềm của một con gà chọi bị bỏ rơi.

Dàn ý tham khảo:

a) Mở bài:

Tôi tên là Oanh Liệt, cái tên do cậu chủ đặt cho tôi sau những chiến thắng vẻ vang.

b) Thân bài:

– Trưa nào tôi cũng theo cậu chủ đi đấu.

– Tất cả lũ gà trống khác đều thua tôi.

– Tôi được cậu chủ chăm lo kĩ lưỡng, chăm chút như người bạn thân tình.

– Nhưng dạo gần đây không hiểu sao trận đấu nào của tôi cũng thua, người đau ê ẩm. Tôi cố gắng chiến đấu hết sức nhưng lại đành chịu.

– Cậu chủ ngán ngẩm dần tôi, không chăm chút tôi như mọi ngày.

– Tôi tủi cực nhưng lại chỉ biết bất lực.

– Cậu đi tìm thú tiêu khiển mới với trò xóc đĩa không thèm để ý tới tôi.

c) Kết bài:

Những tháng ngày tuổi trẻ vàng son đã qua đi, lúc này tôi trở về nhưng lại được vỗ về bên mẹ của cậu chủ. Có lẽ bà đã thấu hiểu nỗi lòng của tôi.

Đề 4

Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay (tham khảo đề 2, phần Luyện tập, trong bài Lập dàn ý bài văn tự sự – trang 46)

Gợi ý

Một anh thợ học việc trong lò rèn suốt ngày ca thán về những khó khăn anh ta gặp phải trong cuộc sống. Anh ta cho rằng cuộc sống này quá u ám và ngột ngạt đến mức không thể chịu đựng nổi.

Một hôm, ông chủ lò rèn đã lớn tuổi bảo anh ta ra chợ mua về một ít muối. Khi anh thợ học việc đem muối về, ông chủ lấy ra một ly nước và bảo anh hãy bốc một nắm muối cho vào ly rồi uống.

– Anh thấy thế nào? – Ông chủ hỏi.

– Vị mặn chát! – Anh thợ thốt lên.

Ông chủ gật đầu đồng tình rồi bảo anh ta mang một nắm muối tương tự đi theo ông. Hai người lặng lẽ đến bên một bờ hồ gần đó. Ông chủ bảo anh thợ lấy nắm muối thả xuống hồ nước. Khi người thợ khuấy nắm muối vào nước hồ, ông chủ bảo anh ta:

– Giờ anh uống thử nước trong hồ xem sao.
Anh thợ làm theo lời ông chủ.

– Vị thế nào? – Ông hỏi sau khi chàng trai đã uống xong một ngụm nước hồ.

– Mát lắm ạ! – Chàng thợ học việc nhận xét.

– Thế anh có nếm thấy vị mặn chát của nắm muối không?

– Không ạ!

Ông chủ nhẹ vỗ vai chàng trai, hiền từ nhìn vào mắt anh và nói:

– Những phiền muộn cũng giống như những hạt muối mặn chát vậy. Ai trong chúng ta cũng đều gặp những điều không vừa lòng trong cuộc sống. Tuy nhiên, số lượng những đắng cay mỗi người cảm nhận được tùy thuộc vào nơi mà họ đặt nỗi phiền muộn ấy vào. Thế nên khi nào anh đau khổ, điều duy nhất anh nên làm là mở rộng nhận thức của anh về sự việc. Đừng tự biến mình thành cái cốc nước bé nhỏ để nỗi đau khổ ấy tạo thành vị mặn chát mà hãy trở thành hồ nước để hòa tan nỗi phiền muộn, sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều.

Soạn bài Viết bài làm văn số 3: Văn tự sự chi tiết

Đề 1 trang 123 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Cây lau chứng kiến việc nàng Vũ Nương ngồi bên bờ Hoàng Giang than thở một mình rồi tự vẫn. Viết lại câu chuyện đó theo ngôi kể thứ nhất hoặc ngôi kể thứ ba.

Bài văn tham khảo

Lúc ấy trời chuẩn bị hừng đông, những giọt sương đêm qua vẫn còn đọng lại trên thân chúng tôi. Cũng như những cây Lau khác, tôi đang run rẩy bởi cái lạnh và hi vọng lát nữa mặt trời lên sẽ được sưởi ấm. Phía đằng kia, dòng Hoàng Giang chầm chậm trôi xuôi như còn đang chìm trong giấc ngủ sâu. Bỗng một cơn gió nhẹ lướt qua làm những giọt sương trên thân tôi rơi xuống, trong tiếng gió tôi nghe hình như có tiếng ai đó đang khóc. Khi cơn gió vừa dứt, chúng tôi – đám lau – lắng tai nghe, đúng là có tiếng người nào đó đang khóc ở phía xa đang dần tiến lại.

Tiếng khóc càng lúc càng gần, chỉ trong khoảnh khắc bóng của ai đó đã tiến lại gần hơn. Gương mặt của người ấy đã rõ hơn khi nàng ngồi bệt xuống bên cạnh đám lau chúng tôi. Không phải ai xa lạ, đó chính là Vũ Nương, người vẫn thường ra đây giặt giũ quần áo hằng ngày. Nhưng thật lạ, vì sao hôm nay nàng ấy chỉ đến một mình mà đứa con trai không lẽo đẽo đi sau? Vả lại, giờ này tại sao lại ra đây một mình và khóc nữa chứ?

Tiếng nấc cứ liên tục, đôi vai mỏng manh không áo ấm cứ run lên từng đợt, nàng ngồi bệt dưới đám cỏ ướt, tay bụm miệng khóc liên hồi. Tôi thấy nàng rất tội nghiệp, cố gắng hỏi han nhưng nàng không hề nghe thấy những gì chúng tôi đang bàn tán. Bỗng nàng vụt đứng dậy hướng về phía đông mà than rằng:

Cầu xin đấng trên cao hãy làm chứng cho tấm lòng sắc son của Vũ Nương này. Những ngày tháng qua tôi luôn mong ngóng người chồng nơi chiến trận sẽ sớm trở về, được sớm thấy ngày gia đình đoàn viên. Thế nhưng, mong ước ấy của tôi dường như tan biến chỉ trong chốc lát. Suốt ba năm trời, tôi không một ngày ngừng mong chờ đến ngày chồng trở về mà tần tảo không nề hà khó khăn để chăm sóc người mẹ già và đứa con thơ. Luôn giữ gìn tiết hạnh một lòng một dạ chờ chồng nào dám có ý nghĩ lang chạ với ai. Lời dỗ dành đứa con thơ đòi cha lúc chỉ bóng mình in trên vách dưới ánh đèn hiu hắt “Cha Đản về kìa!” mà thành ra nông nỗi như thế này. Mặc dù Trường Sinh rất yêu thương tôi nhưng tính chàng ấy rất đa nghi. Cho dù tôi có thanh minh, thề thốt như thế nào chàng ấy vẫn không tin, vì sao vậy? Mọi việc đều không thể cứu vãn được nữa, chỉ biết gieo mình xuống sông để mong rửa sạch những lời hàm oan.

Trước khi chết,tôi xin có một lời nguyền : “Nếu tôi đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con,dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”.

Nghe đến đây, tôi cảm thấy đau xót cho người thiếu phụ. Những ngày qua chúng tôi sống ở bờ sông đã chứng kiến bao cảnh éo le nhưng chưa bao giờ thấy một chuyện đau lòng đến thế này. Lời than vãn bị ngắt đoạn bởi những tiếng nấc oan ức, tôi cảm thấy nàng ấy thật tội nghiệp và biết rằng đằng sau nó là một bi kịch lớn. Nếu như có thể tôi chỉ muốn khuyên vài lời với người thiếu phụ. Trong lúc tôi và những người hàng xóm đang băn khoăn chưa kịp suy đoán điều gì thì nàng ấy lại khóc nức nở:

Đản! Con trai yêu quý của mẹ! Mẹ thật có lỗi với con khi bỏ đi giữa lúc này. Nhưng mẹ không còn sự lựa chọn nào khác khi cha con hoài nghi sự chung thủy của mẹ. Mẹ không thể sống thêm được nữa khi cha con luôn ngờ vực mẹ như vậy. Mẹ hi vọng rằng con sẽ được nuôi nấng trưởng thành như bao đứa trẻ khác. Mẹ có lỗi với con khi không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. Thiết nghĩ cái chết này có thể mang đến cho con nhiều nỗi bất hạnh nhưng chỉ có thể làm như vậy để rửa sạch nỗi oan này thôi con à.

Vừa dứt lời, nàng leo nhanh lên mõm đá gần đấy quay mặt về phía sau nói câu cuối cùng:

Trường Sinh, thiếp có lỗi với chàng, với con trai chúng ta.

Chúng tôi giật mình và bàng hoàng khi nàng gieo mình xuống nước. Mặt nước đang yên tĩnh bị động và nổi sóng dâng cao. Cả đám lau chúng tôi chết lặng trước sự việc mà không thể làm gì hơn. Có lẽ lúc này, mọi đau khổ không còn giày vò người thiếu phụ đáng thương này nữa. Chúng tôi cảm thấy oán giận người chồng mù quáng kia vô cùng, nhưng biết làm gì đây khi chúng tôi chỉ là những cây lau bé nhỏ bên bờ Hoàng Giang. Lúc này không gian trở nên tĩnh mịch và lạnh lẽo đến ghê người. Không biết rồi người thiếu phụ khốn khổ kia sẽ trôi dạt theo dòng nước hay đã chìm vào không gian lạnh lẽo ảm đạm dưới đáy sông.

Ít ngày sau, đám lau chúng tôi nghe người dân trong làng đi ngang kể lại rằng đứa con của Vũ Nương trong những đêm sau đó đã chỉ lên tường nơi bóng của người cha mà nói “Cha Đản về kìa”. Trường Sinh đã thấu hiểu mọi chuyện và rất đau lòng bởi chính mình gây ra cái chết của người vợ đoan chính nết na.

Một buổi chiều tối kia, theo lời vợ báo mộng Trường Sinh lập đàn tế Vũ Nương ven bờ sông. Chúng tôi cũng được chứng kiến mọi việc khi một lát sau có một đoàn xe ngựa, võng lọng ẩn hiện thấp thoáng giữa dòng sông. Vũ Nương nói vọng vào những lời thương nhớ và căn dặn chồng săn sóc chu đáo đứa con thơ. Thoáng chốc,tất cả mờ dần rồi tan biến hẳn. Cảm thương tấm lòng của Vũ Nương, dân làng đã lập miếu thờ nàng ngay cạnh khóm lau, nơi nàng ngồi than thở trước khi trầm mình xuống Hoàng Giang.

Đề 2 trang 123 SGK Ngữ văn 10 tập 1

    Hãy hoá thân vào những que diêm để kể lại câu chuyện theo diễn biến và kết thúc truyện ngắn Cô bé bán diêm của An-đéc-xen (hoặc diễn biến sự việc tương tự nhưng có kết thúc khác).

Bài văn tham khảo

Đêm giáng sinh năm ấy trời thật lạnh. Đã mấy ngày liền tuyết rơi liên miên, như hối hả điểm trang cho thành phố vẻ thánh khiết để đón mừng ngày kỷ niệm Chúa Cứu Thế ra đời.

Em bé tay ôm bao giấy đầy những hộp diêm, vừa đi vừa cất giọng rao mời. Lạnh thế mà bé phải lê đôi chân trần trên hè phố. Đôi dép cũ rích của bé sáng nay bị lũ nhóc ngoài phố nghịch ngợm dấu đi mất. Trời lạnh như cắt. Hai bàn chân của bé sưng tím cả lên. Bé cố lê từng bước sát dưới mái hiên cho đỡ lạnh, thỉnh thoảng đôi mắt ngây thơ ngước nhìn đám đông hờ hững qua lại, nửa van xin, nửa ngại ngùng. Không hiểu sao bé chỉ bán có một xu một hộp diêm như mọi ngày mà đêm nay không ai thèm hỏi đến.

Càng về đêm, trời càng lạnh. Tuyết vẫn cứ rơi đều trên hè phố. Bé bán diêm thấy người mệt lả. Đôi bàn chân bây giờ tê cứng, không còn chút cảm giác. Bé thèm được về nhà nằm cuộn mình trên chiếc giường tồi tàn trong góc để ngủ một giấc cho quên đói, quên lạnh. Nhưng nghĩ đến những lời đay nghiến, những lằn roi vun vút của người mẹ ghẻ, bé rùng mình hối hả bước mau. Được một lát, bé bắt đầu dán mắt vào những ngôi nhà hai bên đường. Nhà nào cũng vui vẻ, ấm cúng và trang hoàng rực rỡ. Chỗ thì đèn màu nhấp nháy, chỗ có cây giáng sinh với những quà bánh đầy mầu. Có nhà dọn lên bàn gà tây, rượu, bánh trái trông thật ngon lành. Bất giác bé nuốt nước miếng, mắt hoa lên, tay chân run bần bật, bé thấy mình lạnh và đói hơn bao giờ hết. Đưa tay lên ôm mặt, bé thất thểu bước đi trong tiếng nhạc giáng sinh văng vẳng khắp nơi và mọi người thản nhiên, vui vẻ, sung sướng mừng Chúa ra đời…

Càng về khuya, tuyết càng rơi nhiều. Bóng tối, cơn lạnh lẫn cơn đói như phủ lên, như quấn vào hình hài nhỏ bé ốm yếu. Bé vào núp bên vỉa hè giữa hai dẫy nhà cao để tránh cơn gió quái ác và tìm chút hơi ấm trong đêm. Ngồi nghỉ một lát, chợt nhớ ra bao diêm, bé lấy ra một cây, quẹt lên để sưởi cho mấy ngón tay bớt cóng. Cây diêm cháy bùng lên thật sáng, thật ấm, nhưng chỉ một lát thì tắt mất, làm bé càng bực mình hơn trước. Bé thử quẹt lên một cây diêm thứ hai. Khi cây diêm cháy bùng lên, bé thấy trước mặt mình một bàn đầy thức ăn, những món đặc biệt của ngày lễ giáng sinh. Bé mừng quá, đưa tay ra chụp lấy thì ngay lúc ấy cây diêm tắt, để lại bé trong bóng tối dầy đặc, với cái lạnh bây giờ càng khủng khiếp hơn. Bé sợ quá, sợ lạnh, sợ tối, vội vàng lấy bao giấy đổ diêm ra hết, rồi cứ quẹt lên từng cây một, hết cây này đến cây khác. Trong ánh sáng của mỗi cây diêm bé thấy mình được về nhà, được gặp lại người mẹ thân yêu. Mẹ âu yếm bế bé đến gần bên lò sưởi, mặc cho bé chiếc áo choàng dài thật ấm, thật đẹp, xong nhẹ nhàng đút cho bé từng miếng bánh ngon. Mẹ trìu mến ôm bé vào lòng, vuốt ve, hỏi han đủ chuyện. Mồi lần que diêm tắt, hình ảnh người mẹ thân yêu tan biến, bé hoảng sợ, vội vàng quẹt lên một que khác, mẹ lại hiện ra. Cứ như thế, tay bé cứ say sưa quẹt hết mớ diêm này đến mớ diêm khác. Rồi như người điên, bé lấy que diêm châm vào cả hộp diêm. Khi ánh lửa bùng lên, bé thấy mẹ cúi xuống bế bé lên, mang bé bay bổng về nơi đầy tiếng hát, đầy những người thân yêu, bé không còn thấy lạnh, thấy đói gì nữa.

Sáng hôm sau, mọi người vui vẻ kéo nhau ra đường đón mừng năm mới. Rồi vài người phát hiện ra một cô bé có đôi mắt hồng hào và đôi môi đang mỉm cười. Cô bé đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa. Họ bảo nhau : “Con bé đã đốt hết một bao diêm. Chắc nó muốn sưởi cho ấm”. Một ông khách nhặt que diêm còn sót lại rơi trên nắp giỏ,nói lớn : “Ô ! Nó bỏ sót một que diêm đây này !”. Vâng ! Que diêm đó chính là tôi. Vì thế mà tôi đã chứng kiến đầu đuôi câu chuyện về cô bé bán diêm vô cùng đáng thương ấy.

Đề 3 trang 123 SGK Ngữ văn 10 tập 1

    “Tôi tên là Oanh Liệt. Cái tên này cậu chủ đặt cho tôi nhờ những trận đấu oanh liệt của tôi trên các sới chọi trong làng. Vậy mà giờ đây, cậu chủ bỏ rơi tôi để chạy theo những trò chơi mới…”

Dựa theo những lời tâm sự trên, anh (chị) hãy viết một truyện ngắn theo ngôi kể thứ nhất kể về số phận và nỗi niềm của một con gà chọi bị bỏ rơi.

Dàn ý tham khảo:

a) Mở bài:

Tôi tên là Oanh Liệt, cái tên do cậu chủ đặt cho tôi sau những chiến thắng vẻ vang.

b) Thân bài:

– Trưa nào tôi cũng theo cậu chủ đi đấu.

– Tất cả lũ gà trống khác đều thua tôi.

– Tôi được cậu chủ chăm lo kĩ lưỡng, chăm chút như người bạn thân tình.

– Nhưng dạo gần đây không hiểu sao trận đấu nào của tôi cũng thua, người đau ê ẩm. Tôi cố gắng chiến đấu hết sức nhưng lại đành chịu.

– Cậu chủ ngán ngẩm dần tôi, không chăm chút tôi như mọi ngày.

– Tôi tủi cực nhưng lại chỉ biết bất lực.

– Cậu đi tìm thú tiêu khiển mới với trò xóc đĩa không thèm để ý tới tôi.

c) Kết bài:

Những tháng ngày tuổi trẻ vàng son đã qua đi, lúc này tôi trở về nhưng lại được vỗ về bên mẹ của cậu chủ. Có lẽ bà đã thấu hiểu nỗi lòng của tôi.

Đề 4 trang 123 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay.

Gợi ý làm bài

Vở của các con đâu?

Năm tôi 13 tuổi, bố gọi tôi và hai cậu em trai vào phòng đọc sách. Tôi rất lấy làm hứng chí. Gọi là phòng đọc sách nhưng chúng tôi biết thừa nó là phòng trò chơi, nơi những “người đàn ông” thường cùng đua xe, câu cá nhựa hoặc xem phim.

– Mỗi đứa mang một cuốn vở và một cái bút tới đây! – Bố ra lệnh ngay khi chúng tôi vừa bước tới cửa phòng.

Chúng tôi đứng sững nhìn nhau lo lắng! Yêu cầu của bố nghe rất bất thường và đáng e ngại – cứ như là sắp làm bài tập ấy.

Khi đã tìm được vở và bút cho mình, quay lại “phòng chơi”, chúng tôi thấy bố đã bày sẵn bàn với ba cái ghế nhựa, kèm theo một tấm bảng lớn treo trên tường. Bố chỉ chúng tôi ngồi vào ghế nhựa, chứ không phải là cái ghế đệm bông êm ái, dù nó chỉ cách chúng tôi có một gang tay.

– Bố muốn các con phải tập trung hết sức, bố nói như một buổi kinh doanh – đó là lý do các con cần ngồi ghế nhựa, chứ không phải là ghế đệm bông!

Ngay lập tức chúng tôi rên lên:

– Mẹ đâu rồi ạ? Hay là chúng ta đợi mẹ! – cậu em út tính kế hoãn binh.

– Có lâu không ạ? – Cậu em kế tôi thở dài.

Tôi thì chỉ ngồi im lặng trên ghế nhựa cứng đơ.

– Mẹ đi chợ phải vài tiếng nữa mới về, và việc này không liên quan đến mẹ, bố nói. – Và việc này kéo dài bao lâu là tuỳ thuộc ở các con. Các con càng hợp tác thì chúng ta càng hoàn thành nhanh chóng. Hiểu không?

– Rồi ạ! Chúng tôi đáp lại uể oải.

– Từ bây giờ chúng ta sẽ có buổi học vào các sáng thứ bảy. Chỉ “những người đàn ông” chúng ta mà thôi. Bố sẽ dạy các con những gì bố đã học về cuộc sống. Đó là trách nhiệm của bố để chuẩn bị cho các con thành những người đàn ông – những người sẽ đóng góp cho cộng đồng và cho cả thế giới. Trách nhiệm này, bố thấy rất quan trọng và nghiêm túc.

Tôi ngắt lời:

– Bố sẽ dạy bọn con mọi điều về cuộc sống ạ?

– Tất cả những gì có thể.

– Nhưng như thế thì mãi mãi cũng không học hết!

– Có thể…- Bố nói nhỏ, vẻ suy nghĩ, rồi bắt đầu viết lên bảng – có thể lắm…

Trong suốt ba năm, dù khoẻ hay ốm, bố vẫn giữ đúng lịch dạy chúng tôi về kĩ năng và những ứng xử đời sống vào thứ bảy hàng tuần. Bố dạy rất nhiều: Vệ sinh cá nhân, tuổi dậy thì, các nghi thức xã giao, cách đối xử bình đẳng, sự kính trọng người già, tôn trọng những người phụ nữ, đạo đức nghề nghiệp, quản lý tiền nong, trách nhiệm với cộng đồng… Chúng tôi viết kín hết cuốn vở này đến cuốn vở khác.

Năm nay, tôi đã 16 tuổi và đã trở thành một học sinh Trung học phổ thông, những bài học đã bớt dần đi. Tôi và các em cũng đã lớn lên dần. Chúng tôi bắt đầu bận rộn và cũng bắt đầu vấp váp với những khó khăn. Những lúc ấy, chúng tôi thường ngồi lại, nghĩ tới những điều bố cho ghi trong vở ngày xa, vì những điều ấy trước đây bố đã từng nhắc tới.

Mới đây, bố gọi riêng tôi ra và nói:

– Bố sẽ dạy con đến khi con 18 tuổi, phần còn lại của “bài học” con bắt đầu phải tự gom nhặt trong cuộc sống mà thôi!

Tôi khoanh tay lễ phép:

– Thưa bố! Giờ đây con đã hiểu những việc làm của bố từ trước đến nay. Con chỉ mong sau này mỗi khi đi xa trở về, bố lại chữa những bài tập về cuộc sống hết sức phong phú này cho con.

5- Đề 5 (Mở rộng)

Em hãy kể lại một chuyến dã ngoại mà em ấn tượng nhất.

Gợi ý lập dàn ý:

a) Mở bài: Giới thiệu chuyến đi chơi xa

Năm học vừa rồi em được thành tích tốt trong học tập nên ba mẹ thưởng cho em một chuyến đi chơi xa. Em rất phấn khởi và hứng thú cho chuyến đi của mình. Em đã chọn một chuyến đi Đà Lạt thơ mộng, em đã được nghe nhiều về nơi này nhưng chưa một lần đặt chân đến. Em đã có một chuyến đi thật thú vị và bổ ích.

b) Thân bài: Kể về chuyến đi xa

* Cảnh dọc đường:

– Trên đường đi rất nhiều cây lá

– Hai bên đường rậm rạp

– Những đường đèo quanh co và uốn khúc

– Em đi trên những vực đèo sâu thẳm

– Mọi người trên xe nói chuyện rôm rả, có những người say xe nên đã ngủ thiếp đi

– Tâm trạng em lúc đó rất hồi hộp và chờ mong.

* Khi đến nơi:

– Trước mắt em là muôn vàn cảnh đẹp và hoa lá

– Bầu trời se lạnh và nên thơ

– Một thành phố rất đáng để đến

– Em đã ở lại chơi một tuần và đi khám phá khắp Đà Lạt: vườn hoa, thác, hồ Xuân Hương,….

– Con người ở đây rất hiền hòa và tận tình

* Lúc ra về:

– Kết thúc một tuần em lại về

– Tâm trạng luyến tiết và không muốn rời xa

c) Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về chuyến đi xa

– Em cảm thấy rất vui

– Em sẽ quay trở lại đây vào một ngày không xa.

Ghi nhớ

  • Tự sự là phương thức trình bày, kể một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia. Tự sự giúp người kể giải thích sự việc, tìm hiểu con người, nêu vấn đề và trình bày thái độ khen chê.
  • Một văn bản tự sự thường có: nhân vật, ngôi kể, cốt truyện, tình tiết, chi tiết, các yếu tố biểu cảm, các yếu tố miêu tả ….

// Trên đây là những nội dung hướng dẫn soạn bài Viết bài làm văn số 3: Văn tự sự đã được biên soạn chi tiết. Nội dung này không chỉ giúp bạn tham khảo để soạn bài mà còn giúp bạn nắm vững các kiến thức quan trọng để hoàn thành tốt các đề văn tự sự.

[ĐỪNG SAO CHÉP] – Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Viết bài làm văn số 3: Văn tự sự một cách tốt nhất. “Trong cách học, phải lấy tự học làm cố” – Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

Hướng dẫn soạn bài Viết bài làm văn số 3 : Văn tự sự (Bài làm ở nhà), cách làm các đề bài gợi ý trang 123 sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 10 tập 1 .

Đăng bởi: THPT Sóc Trăng

Chuyên mục: Giáo dục

Rate this post