Home Blog Soạn bài Mùa xuân của tôi

Soạn bài Mùa xuân của tôi

0
Soạn bài Mùa xuân của tôi

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Mùa xuân của tôi gồm nội dung tóm tắt về tác giả, tác phẩm và gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu, luyện tập trang 177, 178 SGK giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn về văn bản Mùa xuân của tôi (Vũ Bằng).

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của văn bản này.

Cùng tham khảo…

Bạn đang xem: Soạn bài Mùa xuân của tôi

Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

– Vũ Bằng (1913 – 1984) sinh tại Hà Nội, là nhà văn và nhà báo đã sáng tác từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, có sở trường về truyện ngắn, tùy bút, bút kí. Sau năm 1954, ông vào Sài Gòn vừa viết văn, làm báo, vừa hoạt động cách mạng. Năm 2007, Vũ Bằng được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

2. Tác phẩm

Mùa xuân của tôi trích từ thiên tuỳ bút Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọt trong tập tùy bút – bút kí Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng.

– Tác phẩm được viết trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, tác giả sống trong vùng kiểm soát của Mĩ – ngụy, xa cách quê hương đất Bắc. Nhà văn đã gửi vào những trang sách nỗi niềm thương nhớ da diết về quê hương, gia đình và lòng mong mỏi đất nước hoà bình, thống nhất. Những tình cảm ấy được thể hiện qua nỗi nhớ mọi cảnh sắc thiên nhiên, phố xá và cuộc sống hằng ngày của Hà Nội. Những cảnh vật ấy mang vẻ đẹp riêng biệt và bản sắc văn hoá tinh tế, độc đáo của một vùng đất nước và cũng là của dân tộc.

Hướng dẫn soạn bài Mùa xuân của tôi chi tiết nhất

Gợi ý trả lời các câu hỏi đọc hiểu và luyện tập soạn bài Mùa xuân của tôi trang 177, 178 SGK Ngữ văn 7 tập 1.

Đọc – hiểu

1 – Trang 177 SGK

Bài văn viết về cảnh sắc và không khí mùa xuân ở đâu? Hoàn cảnh và tâm trạng của tác giả khi viết bài này?

Trả lời:

Bài văn cảnh sắc và không khí mùa xuân ở Hà Nội.

– Hoàn cảnh và tâm trạng của tác giả.

+ Tác giả viết bài này khi đang ở Sài Gòn trước 1975 trong sự kiểm soát của Mĩ ngụy, sống xa quê hương, xa Hà Nội.

+ Tâm trạng nhớ thương da diết của người con sống ở phương Nam nhớ về đất Bắc.

2 – Trang 177 SGK

Bài văn có thể chia thành mấy đoạn? Nêu nội dung chính của mỗi đoạn và sự liên kết giữa các đoạn.

Trả lời:

– Đoạn 1 (Từ đầu đến “mê luyến mùa xuân”): Những cảm nhận về quy luật tình cảm của con người với mùa xuân.

– Đoạn 2 (tiếp theo đến “mở hội liên hoan”): Cảm nhận về cảnh sắc, không khí chung của mùa xuân ở Hà Nội và miền Bắc.

– Đoạn 3 (phần còn lại): Cảnh sắc và không khí mùa xuân sau ngày rằm tháng Giêng.

Ba đoạn liên kết với nhau bằng mạch cảm xúc: từ những quy luật tình cảm chung của con người đến những cảm nhận riêng về mùa xuân. Cuối cùng là những cảm nhận sâu sắc về tháng Giêng. Đây là mạch cảm xúc được phát triển rất tự nhiên, hợp lôgíc.

3 – Trang 177 SGK

Đọc lại đoạn văn “tôi yêu sông xanh, núi tím” đến “mở hội liên hoan” và cho biết:

a. Cảnh sắc mùa xuân Hà Nội và miền Bắc đã được gợi tả như thế nào, qua những chi tiết nào?

b. Mùa xuân đã khơi dậy sức sống trong thiên nhiên và con người như thế nào? Những tình cảm gì trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng tác giả khi mùa xuân đến.

c. Em có nhận xét gì về giọng điệu và ngôn ngữ của đoạn văn này.

Trả lời:

a. Cảnh sắc mùa xuân Hà Nội.

– Cảnh sắc của đất trời:

+ Màu sắc: Màu sông xanh, núi tím đắm say mộng ước.

+ Đường nét: Mưa riêu riêu, gió lành lạnh, đường sá không lầy lội, cái rét ngọt ngào.

+ Âm thanh: Tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, tiếng trống chèo, ấn tượng nhất là tiếng hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng.

– Cảnh xuân với con người:

+ Nghi lễ đón xuân: Nhang trầm, đèn nến trên bàn thờ Phật, bàn thờ Thánh, bàn thờ tổ tiên.

+ Không khí gia đình: Đoàn tụ êm đềm trên kính dưới nhường.

+ Lòng người ngày xuân: Thấy ấm lạ lùng, vui như mở hội liên hoan.

⟹ Đó là những nét đẹp trong cuộc sống nghĩa tình của con người là nét văn hóa truyền thống của thủ đô Hà Nội, của người Việt Nam.

b. Không chỉ miêu tả sức sống của mùa xuân từ bên ngoài, tác giả còn thể hiện được sức sống nổi bật của con người trong mùa xuân bằng những hình ảnh đầy gợi cảm và với những hình ảnh so sánh rất cụ thể: “Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống trong người căng lên như máu,… những cặp uyên ương đứng cạnh” và “tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá”. Đến như cảm nhận về cái rét thì cũng là: “…cái rét ngọt ngào, chứ không còn tê buốt căm căm nữa”.

c. Ngôn ngữ của đoạn văn này là những ngôn từ được chắt lọc tinh tế. Những hình ảnh so sánh vừa cụ thể vừa mới lạ, cùng với cách cảm, cách nghĩ sáng tạo, tất cả được kết hợp trong một thứ giọng điệu vừa sôi nổi, vừa thiết tha khiến cho đoạn văn để lại được nhiều ấn tượng và gợi ra nhiều dư ba.

4 – Trang 177 SGK

Đọc từ đoạn văn “Đẹp quá đi” đến hết và tìm hiểu:

a. Không khí và cảnh sắc  thiên nhiên từ sau ngày rằm tháng Giêng qua sự miêu tả của tác giả?

b. Qua việc tái hiện những cảnh sắc và không khí ấy, tác giả đã thể hiện sự tinh tế, nhạy cảm trước thiên nhiên như thế nào?

Trả lời:

a. Trong đoạn văn còn lại, tác giả tập trung miêu tả những nét riêng của trời đất, thiên nhiên và không khí mùa xuân sau ngày rằm tháng Giêng.

– Cảnh sắc thiên nhiên:

+ Đào: hơi phai nhưng nhụy hãy còn phong.

+ Cỏ: không mướt xanh nhưng nức một mùi hương man mác.

+ Mưa xuân: thay thế cho mưa phùn.

+ Bầu trời: hiện lên những làn sáng hồng hồng.

– Không khí sinh hoạt:

+ Bữa cơm: đã trở về giản dị, thịt mỡ dưa hành đã hết.

+ Cánh màn điều: treo ở bàn thờ ông vải đã hạ huống.

+ Các trò vui: tạm kết thúc nhường chỗ cho cuộc sống thường nhật.

⟹ Không khí sinh hoạt đã trở về nhịp sống êm đềm thường nhật nhưng cảnh vật thiên nhiên dù có thay đổi chút ít nhưng vẫn rất đẹp, vẫn làm say đắm lòng người bởi cái mới mẻ của nó.

b. Qua việc tái hiện những cảnh sắc và không khí ấy, có thể khẳng định: chính tình yêu và nỗi nhớ da diết đến cháy bỏng đã làm thức dậy bao nỗi niềm trong tâm hồn tác giả, khiến cho ngòi bút của nhà văn trở nên tinh tế và nhạy cảm hơn.

5 – Trang 178 SGK

Nêu cảm nhận của em về cảnh sắc mùa xuân qua ngòi bút tài hoa và tinh tế của tác giả.

Trả lời:

Bằng ngòi bút tài hoa, tinh tế, nhà văn Vũ Bằng đã mang lại cho người đọc một bức tranh thiên nhiên với những cảnh sắc rất đặc trưng của mùa xuân đất Bắc. Ở đó có vẻ đẹp của thiên nhiên tràn đầy sức sống và hương sắc mùa xuân tràn ngập khắp cả không gian đất trời; có niềm vui của con người khi được sống trong bầu không khí đoàn tụ ấm áp của gia đình vào những giờ phút vô cùng ý nghĩa: khép lại một năm cũ và đón chào một năm mới.

Soạn bài Mùa xuân của tôi phần Luyện tập

1 – Trang 178 SGK

Tập đọc diễn cảm bài văn. (Học sinh tự làm)

2 – Trang 178 SGK

Sưu tầm và chép lại một số đoạn văn, câu thơ hay về mùa xuân.

Trả lời:

Có thể sưu tầm và chép lại một số đoạn văn, câu thơ hay về mùa xuân mà em yêu thích. Các em có thể tham khảo một số câu thơ sau:

1.

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi! Con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai muơi

Dù là khi tóc bạc

(Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)

2.

Ôi tiếng hót say mê con chim chiền chiện.

Trên đồng lúa chiêm xuân nó chao mình bay liệng

Xuân ơi xuân vui tới mênh mông 

Biển vui dâng sóng trắng đầu ghềnh

(Bài ca xuân 61 – Tố Hữu)

3.

Mùa Xuân Đến

Xuân sang tết đến mọi nhà

Con chúc ông bà sức khỏe, an khang

Chúc cô chú bác giàu sang

Một năm sung túc cười vang mỗi ngày

Chúc anh chúc chị học hay

Con ngoan trò giỏi đợi ngày công danh

Chúc cho vạn sự tốt lành

Kỷ Hợi năm mới bức tranh xuân ngời.

Xuân đến với mọi gia đình

(Thơ thiếu nhi)

3 – Trang 178 SGK

Viết một đoạn văn diễn tả cảm xúc của em về một mùa trong năm ở quê hương hay nơi mình đang sống.

Gợi ý:

Có thể tham khảo đoạn văn sau:

Đất nước ta nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa nên một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông tương đối rõ. Mỗi mùa đều có những nét hấp dẫn riêng nhưng em yêu nhất là mùa thu. Không sôi động, nóng bức như mùa hè, không trầm lặng, lạnh lẽo như mùa đông. Mùa thu là sự giao hoà tuyệt vời của thiên nhiên, đất trời và lòng người. Bầu trời thu trong trẻo, sáng sủa với hương hoa sữa thơm nồng trên những con phố vắng để khó có ai có thể làm ngơ; không gian mùa thu quyến rũ bởi nắng nhạt, gió nhẹ đi qua cánh đồng xa đưa phảng phất cái mùi thơm mát của lúa non. Mùa thu với ngày tết trung thu rộn rã mang bao niềm vui cho tuổi thơ, nào đèn lồng, đèn ông sao, nào là cốm, nào là bánh trung thu… Ôi! yêu biết mấy mùa thu tháng Tám! Yêu biết mấy mùa thu của quê hương!… Tất cả như một dư vị sâu xa dâng lên trong lòng người vào mỗi độ thu sang.

Xem thêm bài văn mẫu: Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm Mùa xuân của tôi

Soạn bài Mùa xuân của tôi

Trên đây là nội dung soạn bài Mùa xuân của tôi – Ngữ văn 7 tập 1 chi tiết nhất với các yêu cầu của phần Đọc – hiểu và Luyện tập trang 177, 178 mà các em cần soạn trước khi tới lớp. Nếu như thời gian soạn bài không đủ thì các em có thể tham khảo thêm phần soạn bài Mùa xuân của tôi ngắn nhất dưới đây:

Soạn bài Mùa xuân của tôi ngắn nhất

Đọc – hiểu

Câu 1

Bài văn viết về cảnh sắc, không khí mùa xuân ở miền Bắc (Hà Nội). Bài được viết khi tác giả ở Sài Gòn trước 1975 trong sự kiểm soát của Mĩ ngụy, tâm trạng nhớ thương da diết.

Câu 2

Bố cục bài văn được chia như ở trên. Các đoạn được liên kết với nhau bằng mạch cảm xúc chặt chẽ.

Câu 3

a. Cảnh sắc mùa xuân Hà Nội và miền Bắc được gợi tả: cảnh sắc đất trời (sông xanh núi tím, mưa riêu, gió, đường không lầy lội, tiếng nhạn trong đêm, tiếng trống chèo, tiếng hát huê tình) và con người (nghi lễ đón xuân, không khí gia đình êm đềm, ấm áp).

b. Mùa xuân khơi gợi sức sống thiên nhiên và con người: thời tiết, khí hậu đặc trưng, âm thanh…nhang trầm, đèn nến, gia đình. Xuân đến, trong lòng tác giả trỗi dậy sức sống mới “nhựa sống trong người căng lên như…” và “tim người ta như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá”, suy nghĩ cũng tích cực hơn “cái rét ngọt ngào”.

c. Giọng điệu trữ tình vừa sôi nổi vừa tha thiết, ngôn ngữ thiên về gợi cảm.

Câu 4

a. Không khí, cảnh sắc thiên nhiên sau ngày rằm tháng giêng :

– Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong.

– Cỏ không mướt xanh nhưng nức một mùi hương man mác.

– Trời hết nồm, mưa xuân thay thế mưa phùn.

– Con người trở về bữa cơm giản dị.

– Các trò vui ngày tết tạm kết thúc nhường chỗ cho cuộc sống thường nhật.

b. Qua việc tái hiện cảnh sắc, không khí thiên nhiên, ta thấy tác giả vô cùng tinh tế, nhạy cảm, rất am hiểu phong tục tập quán người Việt và rất yêu thiên nhiên.

Câu 5* 

Cảnh sắc mùa xuân miền Bắc qua ngòi bút Vũ Bằng thật đẹp, là sự giao hòa đất trời, xuân xây mộng ước mơ, đầy sức sống, đằm thắm yêu thương, đoàn tụ sum vầy, đậm bản sắc dân tộc.

Luyện tập

Câu 1

Tập đọc diễn cảm bài văn. (Học sinh tự làm)

Câu 2

Một số đoạn văn, câu thơ hay về mùa xuân:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ.

(Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

(Vội vàng – Xuân Diệu)

Câu 3

Đoạn văn tham khảo:

Tôi yêu mùa thu quê tôi, mùa lá rụng, mùa đất trời chuyển hạ sang đông. Trời đã bớt đi cái nắng hè oi ả, xoa dịu tiếng ve râm ran bằng chất hanh khô đặc trưng của mùa thu. Gió man mác, không lạnh như mùa đông, không nóng ẩm như mùa hè, mà nhè nhẹ, khô hanh, mát dịu. Cây cối, chim muông cũng thay đổi, lá rụng khắp đường, khắp phố, mặc cho các cô lao công ngày ngày quét dọn. Có những con đường ngập lá vàng bởi những cây xà cừ, cây sấu to ộ. Mùa thu thật đẹp.

Ghi nhớ

Mùa xuân của tôi là tác phẩm nói về cảnh sắc thiên nhiên, không khí mùa xuân ở Hà Nội và miền Bắc được cảm nhận, tái hiện trong nỗi nhớ thương da diết của một người xa quê. Bài tuỳ bút đã biểu lộ chân thực và cụ thể tình quê hương, đất nước, lòng yêu cuộc sống và tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, ngòi bút tài hoa của tác giả.

Vậy là bài viết đã hướng dẫn các em trả lời tất cả câu hỏi bài tập cần giải đáp trong SGK bài học Mùa xuân của tôi. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 7 bài Mùa xuân của tôi này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] – Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Mùa xuân của tôi một cách tốt nhất. “Trong cách học, phải lấy tự học làm cố” – Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

Xem thêm:

  • Soạn bài Sài Gòn tôi yêu
  • Soạn bài Luyện tập sử dụng từ

Hướng dẫn soạn bài Mùa xuân của tôi được biên soạn và tổng hợp chi tiết giúp các em nắm vững kiến thức và trả lời câu hỏi đọc hiểu, luyện tập trang 177, 178 SGK Ngữ văn 7 tập 1.

Đăng bởi: THPT Sóc Trăng

Chuyên mục: Giáo dục

Rate this post