Home Blog Soạn bài Lập luận trong văn nghị luận

Soạn bài Lập luận trong văn nghị luận

0
Soạn bài Lập luận trong văn nghị luận

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Lập luận trong văn nghị luận cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản nhất để củng cố và nâng cao hiểu biết về yêu cầu và cách thức xây dựng lập luận đã học ở THCS. Từ đó rèn luyện những kĩ năng xây dựng được lập luận trong bài văn nghị luận thông qua việc trả lời các câu hỏi bài tập trong SGK.

Cùng tham khảo chi tiết bài soạn…

Bạn đang xem: Soạn bài Lập luận trong văn nghị luận

Kiến thức cần nắm vững

I. Khái niệm về lập luận trong văn nghị luận

– Lập luận trong văn nghị luận là đưa ra các lý lẽ, bằng chứng nhằm dẫn dắt người đọc (nghe) đi đến một kết luận nào đó mà người viết (nói) muốn đạt tới.

II. Cách xây dựng lập luận

– Để xây dựng lập luận trong văn bản nghị luận, cần xác định được luận điểm chính xác, minh bạch; tìm các luận cứ (lí lẽ và bằng chứng) thuyết phục và vận dụng các phương pháp lập luận hợp lí (phương pháp quy nạp, phương pháp diễn dịch, phương pháp nêu phản đề,…).

+ Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm, thái độ của người viết trong bài văn nghị luận.

+ Luận cứ là những lí lẽ và bằng chứng thuyết phục dùng để thuyết minh cho luận điểm.

+ Phương pháp luận luận là cách thức lựa chọn sắp xếp luận điểm, luận cứ sao cho chặt chẽ, hợp lý và thuyết phục. Các phương pháp thường dùng: phương pháp diễn dịch và quan hệ nhân – quả, phương pháp quy nạp và so sánh đối lập, phương pháp nêu phản đề, phương pháp ngụy biện, loại suy,…

Tham khảo thêmBố cục và phương pháp lập luận trong bài văn nghị luận

Hướng dẫn soạn bài Lập luận trong văn nghị luận

I. Khái niệm về lập luận trong bài văn nghị luận

Đọc kĩ đoạn văn trong SGK trang 109 và trả lời các câu hỏi.

a) Kết luận (mục đích) của lập luận là gì?

b) Để dẫn tới kết luận đó, tác giả đã đưa ra những lí lẽ hoặc dẫn chứng (luận cứ) nào?

c) Hãy cho biết thế nào là một lập luận.

Trả lời:

a) Mục đích của lập luận là chỉ ra cho giặc thấy nếu không hiểu thời thế, lại dối trá (kẻ thất phu hèn kém) thì không thể “nói với binh”.

b) Các luận cứ đều là lí lẽ. Xuất phát từ một chân lí tổng quát “Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết xét thời thế…”, tác giả suy luận tới hai hệ quả: “được thời có thế thì biến mất thành còn, hóa nhỏ thành lớn” và “mất thời không thế thì mạnh quay thành yếu, yên chuyển thành nguy”. Đó chính là cơ sở để khẳng định bọn giặc không hiểu thời thế, lại dối trá nên chỉ là “kẻ thất phu hèn kém”, cầm chắc thất bại về sau.

c) Lập luận là đưa ra các lí lẽ, dẫn chứng nhằm dẫn dắt người đọc (người nghe) đến một kết luận nào đó mà người viết (người nói) muốn đạt tới.

II. Cách xây dựng lập luận

1. Xác định luận điểm

Đọc văn bản trong SGK trang 110 và trả lời câu hỏi.

a) Bài văn nghị luận trên bàn về vấn đề gì? Quan điểm của tác giả về vấn đề đó như thế nào ?

b) Bài văn có bao nhiêu luận điểm ? Tìm các luận điểm đó.

Trả lời:

a) Văn bản bàn về thái độ tự trọng trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ (chữ ta). Quan điểm của tác giả là chỉ khi nào thực cần thiết mới dùng tiếng nước ngoài, việc đó sẽ đảm bảo quyền lợi được thông tin của người người đọc, phê phán bệnh sính tiếng nước ngoài của người Việt.

b) Bài văn có hai luận điểm:

– Tiếng nước ngoài đang lấn lướt tiếng Việt trong các bảng liệu, quảng cáo ở nước ta.

– Một số trường hợp tiếng nước ngoài được đưa vào báo chí một cách không cần thiết, gây thiệt thòi cho người đọc.

2. Tìm luận cứ

Đọc lại đoạn văn ở mục trước (Thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi) và văn bản “Chữ ta” ở trên để trả lời câu hỏi.

a) Tìm các luận cứ cho mỗi luận điểm.

b) Cho biết đâu là luận cứ lí lẽ, đâu là bằng chứng thực tế.

Trả lời:

a)

Trong đoạn trích Thư lại dụ Vương Thông, các luận cứ trong lập luận của Nguyễn Trãi chính là lí lẽ:

– Lí lẽ 1: Được thời, có thế → Biến mất thành còn; nhỏ thành lớn.

– Lí lẽ 2: Mất thời, không thế → Mạnh thành yếu; yếu thành nguy như trở bàn tay.

Trong “Chữ ta” gồm có 2 luận điểm và 6 luận cứ là:

* Luận điểm 1: “Khắp nơi đều có quảng cáo, nhưng… danh lam thắng cảnh“.

Các luận cứ:

+ “Chữ nước ngoài… ở phía trên”

+ “Đi đâu, nhìn đâu… chữ Triều Tiên”

+ “Trong khi đó… lạc sang một nước khác”

* Luận điểm 2: ”Phải chăng… mà ta nên suy ngẫm

Các luận cứ:

+ “Tôi không biết chữ… in rất đẹp”.

+ “Nhưng các tờ báo… bài cần đọc”.

+ “Trong khi đó… trang thông tin”.

b)

– Luận cứ trong đoạn trích Thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi đều là các lí lẽ.

– Luận cứ của cả hai luận điểm trong bài Chữ ta đều là bằng chứng thực tế “mắt thấy tai nghe” của chính người viết khi tác giả sang Xơ-un (Hàn Quốc) và quay về Việt Nam.

3. Lựa chọn phương pháp lập luận

a) Hãy đọc lại hai ngữ liệu trên, xác định và phân tích các phương pháp lập luận được vận dụng.

b) Kể tên một số phương pháp lập luận thường được sử dụng trong văn bản nghị luận.

Trả lời:

a. Hai ngữ liệu trên sử dụng hai phương pháp lập luận khác nhau.

– Đoạn văn của Nguyễn Trãi lập luận theo phương pháp diễn dịch và quan hệ nhân – quả

– Bài văn của Hữu Thọ lập luận theo phương pháp quy nạp và so sánh đối lập.

b.

– Các phương pháp lập luận đã học là: Phương pháp diễn dịch, phương pháp quy nạp; phương pháp so sánh đối lập; phương pháp quan hệ nhân – quả;…

– Có thể kể thêm ba phương pháp lập luận thường gặp trong văn bản nghị luận:

+ Phương pháp loại suy

+ Phương pháp phản đề

+ Phương pháp nguỵ biện

III. Soạn bài Lập luận trong văn nghị luận phần Luyện tập

1 – Trang 111 SGK

Tìm và phân tích các luận điểm, luận cứ và phương pháp lập luận trong đoạn trích ở bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX (SGK).

Trả lời:

– Luận điểm: Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại rất phong phú, đa dạng.

– Luận cứ lí lẽ: Chủ nghĩa nhân đạo biểu hiện ở lòng thương người, lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người; khẳng định, đề cao con người…

– Luận cứ thực tế: Các tác phẩm cụ thể giàu tinh thần nhân đạo trong văn học trung đại Việt Nam từ văn học Phật giáo thời Lý đến văn học giai đoạn thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX (Cáo bệnh bảo mọi người của thiền sư Mãn Giác; Tỏ lòng của thiền sư Không Lộ; Đại cáo bình Ngô, Tùng, Cảnh ngày hè… của Nguyễn Trãi; Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều; Truyện Kiều của Nguyễn Du…).

– Phương pháp lập luận: Chủ yếu là phương pháp quy nạp.

2 – Trang 111 SGK

Hãy tìm luận cứ làm sáng tỏ các luận điểm sau

a) Đọc sách đem lại cho ta nhiều bổ ích

b) Môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề

c) Văn học dân gian là những tác phẩm ngôn ngữ truyền miệng

Trả lời:

a) Đọc sách đem lại cho ta nhiều bổ ích

– Sách giúp ta nâng cao tầm hiểu biết về tự nhiên, xã hội, hiểu biết về cuộc sống mọi mặt.

– Đọc sách giúp ta khám phá chính bản thân mình.

– Đọc sách sẽ chắp cánh cho những ước mơ, khơi nguồn cho những sáng tạo

– Đọc sách giúp cho việc diễn đạt (nói, viết) tốt hơn.

b) Môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề

– Đất đai bị xói mòn, sạt lở, bị sa mạc hoá.

– Không khí bị ô nhiễm.

– Nước bị nhiễm bẩn không thể tưới cây, không thể ăn uống, tắm rửa.

– Môi sinh đang bị tàn phá, đang bị hủy diệt.

c) Văn học dân gian là những tác phẩm ngôn ngữ truyền miệng

– Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng.

– Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ.

– Văn học dân gian là những tác phẩm truyền miệng.

3 – Trang 111 SGK

Chọn một trong các lập luận vừa xây dựng ở bài tập 2 để viết thành một đoạn văn.

Gợi ý:

Học sinh tham khảo một số đoạn văn sau:

– Ví dụ 1: Sách đưa đến cho người đọc những hiểu biết mới mẻ về thế giới xung quanh, về vũ trụ bao la, về những đất nước và những dân tộc xa xôi. Những quyển sách khoa học có thể giúp người đọc khám phá ra vũ trụ vô tận với những quy luật của nó, hiểu được trái đất tròn mang trên mình nó bao nhiêu đất nước khác nhau với những hoàn cảnh thiên nhiên khác nhau. Những quyển sách xã hội lại giúp ta hiểu biết về đời sống con người trên các phần đất khác nhau đó với những đặc điểm về kinh tế, lịch sử, văn hoá, những truyền thống, những khát vọng.

 – Ví dụ 2: Môi trường sống của loài người hiện nay đang bị hủy hoại ngày càng nghiêm trọng. Hằng năm có hàng triệu tấn rác thải không phân hủy bị vứt bừa bãi khắp nơi làm tắc cống rãnh và giết chết các loài sinh vật. Những cánh rừng ở đầu nguồn cũng dần vắng bóng khiến cho nạn lũ lụt, lở đất ngày càng hoành hành dữ dội hơn. Ở trên cao, bầu không khí của chúng ta cũng chịu chung số phận. Khí thải từ các nhà máy, các khu công nghiệp xả ra quá mức làm cho tấm lá chắn bảo vệ trái đất của chúng ta (tầng ôzôn) cũng đứng trước nguy cơ bị phá hủy…

Ghi nhớ

  • Lập luận trong văn nghị luận là đưa ra các lý lẽ, bằng chứng nhằm dẫn dắt người đọc (nghe) đi đến một kết luận nào đó mà người viết (nói) muốn đạt tới.
  • Cách xây dựng lập luận trong văn bản nghị luận: Xác định luận điểm chính xác, minh bạch, tìm các luận cứ (lý lẽ và bằng chứng) thuyết phục, vận dụng các phương pháp lập luận hợp lý.

Các em vừa tham khảo nội dung chi tiết hướng dẫn soạn văn 10 bài Lập luận trong văn nghị luận đã được Học Tốt biên soạn giúp các em chuẩn bị bài tốt hơn trước khi đến lớp. Để hiểu sâu và nhớ lâu hơn, các em nên kết hợp tự soạn bài theo những kiến thức của bản thân. Chúc các em luôn đạt kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] – Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Lập luận trong văn nghị luận một cách tốt nhất. “Trong cách học, phải lấy tự học làm cố” – Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

Hướng dẫn soạn bài Lập luận trong văn nghị luận, gợi ý trả lời câu hỏi và bài tập trang 109 sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 10 tập 2.

Đăng bởi: THPT Sóc Trăng

Chuyên mục: Giáo dục

Rate this post