Home Văn nghị luận Phân tích bài thơ “Sóng” Xuân Quỳnh khổ 5,6,7.

Phân tích bài thơ “Sóng” Xuân Quỳnh khổ 5,6,7.

0

Thơ Xuân Quỳnh có nét rất riêng, trong số các nhà thơ nữ của Việt Nam, đó là: chân thật và đam mê mãnh liệt. Trong thơ chị cháy lên cái sắc màu của một thế giới lung linh, thế giới tình yêu. Thơ Xuân Quỳnh, thơ tình Xuân Quỳnh là niềm khao khát hạnh phúc. Thơ Xuân Quỳnh rất tình, rất đời và rất đàn bà bởi niềm khát khao ấy. Nói đến khát khao hạnh phúc trong thơ Xuân Quỳnh có nghĩa là nói đến “Sóng”. Trong bài thơ này, nỗi nhớ niềm thương của người đang yêu được Xuân Quỳnh diễn tả thật cảm động và đầy nghệ thuật. Nỗi nhớ như bao trùm cả không gian bao la. Nó chiếm cả tầng sâu, bề mặt của tâm hồn. Và nó khắc khoải da diết được thể hiện trong ba khổ thơ cuối 5, 6, 7 của bài thơ “Sóng”.

“Con sóng dưới lòng sâuCon sóng trên mặt nướcÔi con sóng nhớ bờNgày đêm không ngủ đượcLòng em nhớ đến anhCả trong mơ còn thức”

“Con sóng dưới lòng sâu;con sóng trên mặt nước” là những cung bậc, những biểu hiện phong phú đa dạng nỗi nhớ của “em”. “Sóng trên mặt nước” là biểu hiện nỗi nhớ khi thương. Còn “sóng dưới lòng sâu” là nỗi nhớ âm thầm lắng sâu trong cõi lòng và “cả những lúc giận anh mà lòng em vẫn nhớ”. Nỗi nhớ ấy mới khắc khoải, bồn chồn, thổn thức sâu thẳm biết nhường nào! Hai câu thơ “Lòng em nhớ đến anh; cả trong mơ còn thức” đã diễn tả được một cách thật xúc động và chân thực cõi lòng của người phụ nữ đang yêu bằng một tình yêu thật trong sáng và mãnh liệt. “Em” nhớ “anh” từ cõi thực đến cõi mơ. Cái thức trong giấc mơ mới là tình cảm thật nhất, sâu sắc nhất của cõi lòng. Bàn chân con người có thể “xuôi về phương Bắc” hay “ngược về phương Nam”, nhưng trái tim chỉ “hướng về anh một phương” như hoa hướng dương hướng về mặt trời vậy… Ở đây, một lần nữa, Xuân Quỳnh đã mượn kết cấu trùng điệp để tăng tiến nỗi nhớ của lòng mình. Với người phụ nữ ấy, không phải phương Bắc hay phương Nam mà chỉ là một phương duy nhất. Đó là phương của tâm trạng, của trái tim. Thành thật và cháy bỏng đến nhường ấy, da diết đến nhường ấy! Dù hơi táo bạo, nhưng sự đắm say của khát vọng tình yêu đã trở thành điểm tựa để thơ Xuân Quỳnh cất cánh. Đoạn thơ trên của Xuân Quỳnh vừa là tiếng nói tha thiết cháy bỏng của trái tim người phụ nữ trong nỗi nhớ, vừa được viết với thủ pháp nghệ thuật của bàn tay một thi sĩ tài hoa. Nỗi nhớ được thể hiện hằng hình tượng gián tiếp chưa đủ, nó còn được biểu hiện trực tiếp như trái tim không thể kìm nén nổi, tự thốt thành lời:

“Lòng em nhớ đến anhCả trong mơ còn thức”

Để nhấn mạnh tính đa dạng, sâu đằm của nỗi nhớ, tác giả còn sử dụng thủ pháp điệp “con sóng” (ba lần), nhân cách hoá “con sóng nhớ bờ”, biện pháp đối lập “dưới lòng sâu” – “trên mặt nước”. Nỗi nhớ ở đây đã trở thành tình cảm thường trực trong “trái tim bé nhỏ mà không bến bờ” của thi sĩ cứ trào dâng, cứ tầng tầng, lớp lớp tưởng chừng như tới tột độ, cứ nối tiếp nhau hối thúc trào ứ trong tâm hồn. Đã có biết bao câu ca dạo, biết bao bài thơ viết rất hay về nỗi nhớ của người phụ nữ trong tình yêu:

“Em nhớ anh không chỉ trong giấc ngủEm nhớ anh không chỉ lúc dạo chơiEm nhớ anh không chỉ khi trăng tỏEm nhớ anh không chỉ lúc mưa rơiÔi! Cái nhớ sao mà kì diệuÔi! Cái thương sao khéo mặn màCó phải lúc xa nhau ta mới hiểuHết lòng người trong mỗi phút giây qua”(Hoàng Thị Minh Khanh)Ở trong bài thơ này, Xuân Quỳnh đã có thêm một tiếng nói mới mẻ về tình cảm đó bằng những vần thơ giản dị mà sâu sắc và không kém phần độc đáo.

Tình yêu chân chính là như vậy: vừa sôi nổi thiết tha, mãnh liệt, vừa trong sáng, thuỷ chung. Vì tình yêu mà thi sĩ suy tư ở đây không phải là một thứ tình cảm phiêu diêu, huyền ảo nào mà là tình yêu trần thế gắn với đời thường. Mà đời thường không hoàn toàn bình yên, phẳng lặng; trái lại, lắm khi gặp giông tố, bão bùng. Vì vậy, trong tình yêu cần phẩm chất thuỷ chung, ý chí, nghị lực, sức mạnh của tình cảm để vượt qua mọi không gian, thời gian, mọi trắc trở để tìm đến bến bờ của hạnh phúc lứa đôi:

“Ở ngoài kia đại dươngTrăm ngàn con sóng đóCon nào chẳng tới bờDù muôn vời cách trở”

Hãy quan sát cái hiện tượng gần như trở thành quy luật có vẻ nghịch lý của đại dương. Dù gió từ bờ thổi ra thì sóng ở ngoài xa vẫn hướng vào bờ. “Em” cũng thế, cho dù gặp biết bao trở ngại, “em” cũng sẽ vượt qua hết để đến với “anh”, đến với một mái ấm hạnh phúc gia đình… (như Chế Lan Viên đã viết:

“Cây nối đầu cây chạy đến emĐếm cây hoài lại mọc cây thêmTình anh làm cái cây sau chótVề tới quê em mọc tận thềm”Khi đã yêu thực lòng thì dù muôn vời cách trở, chúng ta vẫn đến được với nhau. Ca dao xưa đã từng viết:“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèoNgũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua”Tình yêu là như vậy, luôn luôn gắn liền với lòng tin, tin ở cuộc đời, tin ở người mình yêu, tin ở chính sức mạnh của tình yêu. Chả thế mà qua bấy nhiêu năm tháng sống dưới cảnh đạn bom tàn phá những gì quý giá do chính bàn tay mình xây dựng nên, vậy mà trong tâm hồn người con gái bé nhỏ “Nguyệt vẫn có tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy dù cho bao nhiêu bom đạn dội xuống cũng không thể đứt, không thể tàn phá nổi” (Mảnh trăng cuối rừng). Bài thơ thoáng một chút khắc khoải, lo âu về sự chảy trôi của thời gian, cái ngắn ngủi của cuộc đời mình và tình yêu cuả bản thân. Giữa lúc trái tim đang yêu nồng nàn, yêu hết mình vẫn thấp thoáng một dự cảm day dứt rất chính đáng:

“Cuộc đời tuy dài thếNăm tháng vẫn đi quaNhư biển kia dẫu rộngMây vẫn bay về xa”

Biển dù rộng tới đâu rồi cũng có bờ, có giới hạn và những đám mây không thể dừng lại mãi mãi trên biển, mà chúng tiếp tục cuộc hành trình trên bầu trời để đi đến cõi vô tận xa xăm. Cũng thế, cuộc đời con người tuy dài nhưng không phải vĩnh hằng, dù con người không mong đợi nhưng năm tháng vẫn bình thản trôi qua đời người theo quy luật tất yếu khắc nghiệt của thời gian. Không gian và thời gian là vô hạn. Ở một chỗ khác, Xuân Quỳnh cũng đã có một câu thơ tương tự “Thời gian như là gió; Mùa đi theo tháng năm; Tuổi theo mùa đi mãi”.

Vì thế, đứng trước biển, con người càng có cảm giác về cái nhỏ nhoi, hữu hạn của kiếp người trước cái vĩnh hằng của vũ trụ. Do đó, con người luôn luôn có khát vọng được sống trọn vẹn trong tình yêu, khát khao được gắn bó mãi mãi với cuộc sống này, hoà nhập với cuộc đời vĩnh hằng bằng tình yêu của mình. Niềm khát khao ấy, Xuân Quỳnh lại gửi vào hình tượng “sóng”: Những con sóng tan ra không phải để biến mất trên đại dương mà là để hóa thân, để tồn tại vĩnh viễn trong vô tận các con sóng khác. Cũng thế, con người sẽ ra đi nhưng tình yêu thì ở lại, một tình yêu vô tận, vĩnh hằng như sóng giữa biển khơi. Đây là một khát vọng rất con người:

“Làm sao được tan raThành trăm con sóng nhỏGiữa biển lớn tình yêuĐể ngàn năm còn vỗ”

Tình yêu của bản thân thì hữu hạn với đời người. Muốn nó đi vào vĩnh hằng, chỉ còn một cách là hoà tan tình yêu vào những con sóng tình yêu của biển đời để ngàn vạn năm sau, con sóng đó “Vẫn hát mãi bên ghềnh; Một tình chung không hết” (Xuân Diệu). Ở đây, tình yêu dường như đã lớn hơn cả bản thân, dài hơn cả cuộc dời. Trong bài thơ “Tự hát”, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh cũng đã khẳng định:

“Em trở về đúng nghĩa trái tim emLà máu thịt đời thường ai chẳng cóVẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữaNhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”

Như vậy, bằng trái tim phụ nữ đằm thắm, thiết tha, bằng bút pháp thơ giản dị mà hàm súc, hồn nhiên mà đầy nghệ thuật, Xuân Quỳnh qua bài thơ “Sóng” đã làm nổi bật được vẻ đẹp và sức sống của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu – một tình yêu giàu nữ tính, rất truyền thống mà cũng rất hiện đại.

 

Các từ khóa trọng tâm ” cần nhớ ” của bài viết trên hoặc ” cách đặt đề bài ” khác của bài viết trên:van nghi luanphân tích khổ 5 6 7 bài thơ Sóng,

Nguồn vanmau.vn

Rate this post