Hướng dẫn phân tích 4 câu thơ cuối bài Tương tư của Nguyễn Bính để hiểu sâu sắc hơn những tâm tư cũng như tình cảm của chàng trai dành cho cô gái thôn bên, qua đó thấy được vẻ đẹp riêng trong thơ tình của Nguyễn Bính.
I. Khái quát về 4 câu thơ cuối bài Tương tư
1. Xuất xứ, vị trí đoạn thơ
– Đoạn thơ được trích trong bài thơ “Tương tư”, rút trong tập thơ “Lỡ bước sang ngang” (1940) của thi sĩ Nguyễn Bính.
Bạn đang xem: Phân tích 4 câu thơ cuối bài thơ Tương tư
– Đoạn thơ gồm 4 câu cuối bài.
2. Nội dung đoạn thơ
“Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài, nhớ giầu không thôn nào?”
=> Niềm mong ước của chàng trai đa tình về một tình yêu hạnh phúc với một thiếu nữ khác thôn chung làng.
3. Biện pháp tu từ trong khổ cuối bài Tương tư
– Hoán dụ: Thôn Đoài – Thôn Đông -> Hai nỗi nhớ song hành, chuyển hóa
– Điệp ngữ: “Nhà em có một” -> Khẳng định về một sự sóng đôi tồn tại (“giàn giầu” nhà em và “hàng cau liên phòng” nhà anh)
– Câu hỏi tu từ “Cau thôn Đoài, nhớ giầu không thôn nào?” -> Chàng trai tự hỏi mình, và cũng là thổ lộ cùng cô gái
II. Hướng dẫn phân tích 4 câu thơ cuối bài thơ Tương tư
1. Xác định yêu cầu đề bài
– Nội dung: phân tích nội dung nghệ thuật 4 câu thơ cuối bài Tương tư
– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng: các chi tiết, hình ảnh, từ ngữ trong 4 câu thơ cuối bài Tương tư (Nguyễn Bính)
– Phương pháp lập luận chính: phân tích
2. Xác lập luận điểm
– Luận điểm 1: Nỗi nhớ và khát vọng lứa đôi thầm kín, e ấp của chàng trai
– Luận điểm 2: Vẻ đẹp dân gian, dân giã trong hồn thơ Nguyễn Bính.
3. Lập dàn ý chi tiết phân tích 4 câu thơ cuối Tương tư
a) Mở bài
– Giới thiệu khái quát về bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính.
– Khái quát về nội dung chính của bốn câu thơ cuối: nỗi nhớ mong khắc khoải của kẻ đang yêu.
b) Thân bài
– Bốn câu thơ cuối thể hiện nỗi nhớ và khát vọng lứa đôi thầm kín, e ấp của chàng trai
+ Bốn câu thơ cuối là sự nối tiếp mạch cảm xúc “tương tư” ở những câu thơ trước.
+ Tác giả đã trực tiếp giãi bày, bộc bạch tình cảm thông qua đại từ nhân xưng “anh” và “em”.
+ Khát vọng lứa đôi được thể hiện thông qua hình ảnh “giàn giầu” và “hàng cau”.
+ Nỗi nhớ e ấp, thầm kín nhưng khắc khoải khôn nguôi được thể hiện qua hai miền không gian “thôn Đoài”, “thôn Đông”.
+ Câu hỏi tu từ vang lên như một lời bỏ lửng vấn vương về mơ ước và hi vọng vào một tình yêu không được hồi đáp, qua đó thể hiện tình yêu giản dị, chân thành của tác giả.
– Bốn câu thơ cuối thể hiện vẻ đẹp dân gian, dân dã trong hồn thơ Nguyễn Bính
+ Lớp ngôn từ giản dị, mộc mạc.
+ Giọng thơ mang âm hưởng của sự ngọt ngào, ngân vang êm dịu như những khúc hát dân ca sâu lắng tâm tình.
+ Vận dụng thành công những thi liệu về địa danh, cỏ cây thấm đẫm hương vị của làng quê Việt Nam: “thôn Đoài”, “thôn Đông”, “giàn giầu”, “hàng cau”,…
c) Kết bài
– Khái quát lại giá trị của 4 câu thơ cuối Tương tư :
Ví dụ: Phân tích 4 câu thơ cuối bài Tương tư đã cho thấy vẻ đẹp riêng trong thơ tình của Nguyễn Bính, sự vận dụng sáng tạo các chất liệu văn học dân gian, câu thơ lục bát giàu vần điệu nhạc điệu đã nói lên nỗi khát khao tình yêu hạnh phúc của lứa đôi.
III. Những bài văn được đánh giá cao phân tích 4 câu cuối bài Tương tư
Dưới đây là những bài văn phân tích nội dung 4 câu thơ cuối bài Tương tư hay do THPT Sóc Trăng sưu tầm tuyển chọn dành cho các em tham khảo mở rộng vốn từ khi làm bài.
1. Mẫu bài phân tích 4 câu cuối Tương tư số 1
Nguyễn Bính là nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới trước Cách mạng tháng Tám. Giữa những giọng điệu mới lạ, thơ Nguyễn Bính vẫn giữ được âm hưởng gần gũi với ca dao dân ca, giản dị hồn nhiên mà ngọt ngào, thắm thiết. Tương tư in trong tập Lỡ bước sang ngang, xuất bản năm 1940 tại Hà Nội. Tập thơ này đã mang lại tiếng vang cho tác giả và dấy lên trong đông đảo người đọc một phong trào thuộc thơ, yêu thơ Nguyễn Bính. Bài thơ Tương tư nói lên tâm trạng khắc khoải chờ mong của một chàng trai đang yêu với tình yêu đơn phương không được đáp đền. Mối tương tư ấy được đặt vào khung cảnh nông thôn với dáng dấp một mối tình chân chất như trong ca dao và mang hương vị đồng quê mộc mạc…
Tâm lí của những kẻ đang yêu là luôn muốn được gần gũi bên nhau. Bởi vậy, một ngày không gặp dài bằng ba thu. Những người đang yêu nhớ nhau mà không gặp được nhau thì sinh ra tương tư. Thường là một người thương nhớ một người mà không được đền đáp lại, trường hợp này trong văn chương mới gọi là tương tư. Lịch sử tình yêu xưa nay đã ghi nhận bao trái tim Trương Chi tan nát bởi mối hận tình. Chàng trai trong bài thơ này cũng tương tư nhưng có phần nhẹ nhàng hơn bởi tình yêu chưa đặt được cơ sở rạch ròi.
“Cái tôi” trong thơ Nguyễn Bính xuất hiện cùng với những “cái tôi” khác trong Thơ mới lúc bấy giờ; có điều nó mang màu sắc độc đáo bởi nó thiết tha, chân thành, gần gũi với cuộc đời bình dị của người dân quê. Nó có thôn Đông, thôn Đoài, có chín nhớ mười mong, có giầu, có cau… Tưởng như một đôi trai gái đồng quê mới bén duyên nhau bên hàng rào dâm bụt, bên giậu mùng tơi, vừa rõ ràng mà vừa mơ hồ. Nhân vật tôi thì đã rõ, còn nhân vật nàng thì vẫn thấp thoáng, vu vơ.
Yêu người mà chẳng được người yêu, nhớ mong mà chẳng gặp. Một mối tình như thế sẽ kết thúc ra sao? Chàng trai trở lại với ước mơ thầm kín về một cuộc hôn nhân tốt đẹp cùng nỗi băn khoăn, khắc khoải của lòng mình:
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào ?
Đến lúc này thì không cần vòng vo, ẩn giấu chi nữa, chàng trai không còn xưng tôi mà mạnh dạn xưng là anh và gọi nàng bằng em. Cũng chẳng cẩn bóng gió xa xôi: Bao giờ bến mới gặp đò… hay Tương tư thức mấy đêm rồi… mà nói thẳng đến chuyện hôn nhân:
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thử hình dung cau ấy, giàu này mà kết thành một mâm xinh đẹp thì thật tà đúng nghi lễ cưới xin. Nhưng trớ trêu làm sao: giàu thì ở nhà em, cau lại ở nhà anh. Em ở thôn Đông, anh ở thôn Đoài: Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông. Vậy: Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào ? Như vậy là tương tư chưa đi quá nỗi nhớ và nỗi nhớ vẫn chỉ là một bên, một chiều. Tuy có nhích lên một chút cho thân mật hơn trong cách xưng hô anh và em, nhưng rồi lại quay về nơi ẩn náu cũ:
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, nghĩa là chẳng tiến lên được một bước nào. Mon men tới chuyện trầu cau nhưng vẫn không thoát khỏi nỗi buồn bởi nhớ nhung người ta mà chẳng được người ta đền đáp lại. Cho nên đành chấm dứt nỗi sầu bằng một câu hỏi tu từ: “Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”.
“Cái tôi” hiện đại bộc lộ một cách tự nhiên dưới hình thức quen thuộc của ca dao xưa: thôn Đoài, thôn Đông… và nhờ đó mà nỗi đau dường như vợi bớt. Cho nên nỗi tương tư cũng mới chỉ đến mức chín nhớ mười mong hoặc thức mấy đêm rồi, kể cả sự vô vọng dường như kéo dài dằng dặc trong không gian và thời gian kia cũng chỉ là chuyện bến chưa gặp đò, hoa chưa gặp bướm mà thôi.
2. Mẫu bài phân tích 4 câu cuối Tương tư số 2
Tương tư rút trong tập thơ Lỡ bước sang ngang, tập thơ nổi tiếng và tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Bính trước cách mạng, là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới.
“Tương tư” có nghĩa là nhớ nhau, nhưng tâm trạng tương tư không chỉ đơn thuần là nhớ nhung. Nỗi tương tư trong bài thơ này là một phức hợp các cảm xúc khác nhau, với những diễn biến không hề xuôi chiều. Tất cả diễn biến theo lối xen lồng và chuyển hóa nhau rất tự nhiên, chân thực.
Trong bài thơ, chàng trai có ý trách móc cô gái: bề ngoài, điều này là vô lí. Trong tình yêu, người chủ động đi đến phải là người con trai, đằng này lại trong vai thụ động ngồi chờ đợi mới có thể bộc bạch được tâm trạng tâm tư của một người trai quê như thế. Nói khác đi, trách chỉ là một cách bộc bạch tình yêu. Người đời cũng gọi thế là “trách yêu”.
Người xưa nói:
“Nhất nhật bất kiến như tam thu hề”
(Một ngày không gặp mặt dài như ba mùa thu)
Nỗi tương tư của chàng trai và qua đó là mối nhân duyên của đôi trai gái này càng đậm nét chân quê hơn vì nó gắn liền với khung cảnh và cây cỏ chốn quê.
Trong nỗi nhớ nhung của chàng trai hiện lên những chi tiết về những địa danh, cảnh vật, cây cỏ… thuộc về chốn quê bao đời: thôn Đoài, thôn Đông, đò giang, bến đò, hoa bướm, giàn giầu, hàng cau…
Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
Những chi tiết này vừa tạo ra không gian quê kiểng cho nhân vật trữ tình bày tỏ mối tương tư, vừa là phương tiện, thậm chí, là ngôn ngữ nữa để nhân vật trữ tình diễn tả tâm trạng tương tư của mình một cách tự nhiên, kín đáo, ý nhị. Có như thế, tình và cảnh mới có thể hòa quyện vào nhau được. Trong bài thơ này, trước hết thể hiện ở cách tạo ảnh độc đáo: hình ảnh chàng trai thôn Đoài ngồi nhớ cô gái thôn Đông, đã khiến cho thi sĩ mở rộng ra và khái quát thành thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông.
Đây không chỉ đơn thuần là cách nói vòng, mà quan trọng hơn, nó tạo ra hai nỗi nhớ song hành và chuyển hóa, gắn với hai chủ thể và hai đối tượng: người nhớ người và thôn nhớ thôn, chính vì có người nhớ người mà có thôn nhớ thôn. Nó tạo ra cho thủ pháp nhân hóa: “Thôn Đông ngồi nhớ…”. Nhưng sâu xa hơn, nó còn biểu đạt được cả một quy luật tâm lí. Khi tương tư, thì cả không gian sinh tồn bao quanh chủ thể như cũng nhuốm mọi tương tư ấy, vì thế mà có hai miền không gian nhớ nhau. Tràn đầy cả bầu không gian tạo ra bởi hai thôn ấy là một nỗi nhớ nhung.
Thứ hai, nó được thể hiện nghệ thuật sử dụng các chất liệu ngôn từ chân quê, dân gian, địa danh “thôn Đoài”, “thôn Đông” dùng thành ngữ “chín nhớ mười mong”, dùng số từ “một”, “chín”, “mười”,… cách tổ chức lời thơ độc đáo: nhà thơ đã sử dụng bút pháp tài tình để tạo ra khoảng cách, “thôn Đoài… thôn Đông”, “một người… một người”. Nhất là ở câu sau, hai đối tượng ở hai đầu xa cách, giữa họ là nhịp cầu “chín nhớ mười mong”. Lối sử dụng ngôn từ này đã gợi được phong vị chân quê và thể hiện được giọng điệu kể lể rất phù hợp với việc bộc bạch nỗi tương tư của nhân vật trữ tình.
Khát vọng lứa đôi trong mối tương tư này còn được biểu hiện tinh vi bằng nhiều cặp đôi trong bài: thôn Đoài – thôn Đông, một người – một người, gió mưa – tương tư, tôi – nàng, bên ấy – bên này, hai thôn – một làng, bến – đò, hoa khuê các – bướm giang hồ, nhà anh – nhà em, giàn giầu – hàng cau, cau thôn Đoài – giàu thôn Đông.
Các cặp đôi trên xuất hiện theo trình tự từ xa đến gần, cuối cùng dừng lại ở cặp đôi giầu – cau. Điều ấy cho thấy rõ, bên dưới nỗi tương tư là niềm khát khao gần kề, khao khát chung tình, khao khát nhân duyên, tình yêu gắn với hôn nhân là một đặc điểm quan niệm tình yêu trong thơ Nguyễn Bính (cũng giống với ca dao). Điều này thêm một minh chứng để khẳng định thêm rằng chất truyền thống, chất chân quê đã thấm sâu vào hồn thơ Nguyễn Bính.
>>> Phân tích bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính để hiểu được tình trong bài thơ không chỉ là tình yêu mà còn là tình quê đậm đà.
3. Mẫu bài phân tích 4 câu cuối Tương tư số 3
Cùng với một số nhà thơ khác, Nguyễn Bính đã tạo nên trường phái thơ “chân quê” trong phong trào thơ Mới 1930 – 1945. Nguyễn Bính một lòng trở về với những con người đời thường chân chất, trải lòng cùng những mối duyên e ấp, vụng dại của một thời kì làng mạc yên bình. Thơ Nguyễn Bính đầy màu sắc ca dao dân ca và phong vị văn học dân gian, vừa quen vừa lạ. Bài thơ “Tương tư” mang những nội dung đó.
Bài thơ “Tương tư” là nỗi nhớ đơn phương của một chàng trai với người nào đó. Chàng trai thôn Đoài đang nhớ nhung một cô gái thôn Đông, nhưng không dám thổ lộ rõ ràng, chỉ dám nói thôn Đoài nhớ thôn Đông. Hai không gian được đẩy lên đầu và xuống cuối tạo khoảng cách đúng với khoảng cách lòng người.
Nỗi nhớ tương tư của chàng trai đang dần rơi vào nỗi khổ tâm, bởi có thương đi mà chẳng có thương lại. Sự trách móc nhẹ nhàng sao gần nhau chỉ cách nhau có “một đầu đình” mà bên ấy lại chẳng sang bên này, để cho bên này chờ mong mòn mỏi. Trách móc rồi lại tự bộc bạch rằng vì tương tư về người mình yêu mà đã thức trắng bao đêm, chỉ mong ước được gặp người mình yêu, thế nhưng càng nhớ, càng trách, càng hỏi thì người ta vẫn cứ hững hờ, xa xôi. Tình yêu như thế ở đời không phải ít, một bên thì yêu đến si tình, tương tư đến khổ tâm còn một bên lại mơ hồ, vô định.
Vậy nên có trách móc hay tương tư cũng đều rơi vào khoảng không, không ai cảm thấu, càng khiến cho nỗi tương tư thêm xót xa, chua chát. Sự cách biệt giữa bên ấy bên này ngày càng xa xôi, thời gian đã dài đằng đẵng “ngày lại qua ngày” đến nỗi lá xanh nhuộm chuyển thành lá vàng, thế nhưng thời gian trôi lạnh lùng như chính sự lạnh lùng của bên ấy. Hỏi cứ như vậy làm sao bên này lại chẳng chờ đợi đến héo mòn, khô úa.
Yêu người nhưng chẳng được người yêu lai, nhớ mong nhưng chẳng được gặp gỡ, bởi người ta cũng chẳng muốn gặp mình, chàng trai lại đành quay lại với chính mình, trở lại với niềm mơ ước thầm kín của mình về một mối nhân duyên tốt đẹp:
Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
Chàng trai đã mạnh dạn xưng “anh” và gọi người mình yêu là “em”, chẳng cần bóng gió, vòng vo xa xôi nữa mà đi thẳng tới vấn đề muốn được kết tóc se duyên, muốn được ở bên cạnh người mình yêu thương. Thế nhưng thật trớ trêu thay chàng trai vẫn không thoát khỏi được nỗi nhớ mong chẳng được đền đáp, vẫn là câu hỏi không ai hồi đáp.
Qua bài thơ “Tương tư” chúng ta thấy được một mảnh hồn thơ của Nguyễn Bính trong đó, đó chính là cái giản dị, hồn nhiên mà dân giã, không kém phần thơ mộng, lãng mạn. Chỉ là nói chuyện tương tư nhưng sâu thẳm là nhà thơ đang nhắc tới khát khao tình yêu và hạnh phúc.
Bài thơ “Tương tư” đạt được nhiều đặc sắc về nghệ thuật, nhất là cách tác giả sáng tạo thi liệu và lối diễn đạt quen thuộc. Nguyễn Bính đã thể hiện những tình cảm thật chân thành, mộc mạc, đáng yêu, đáng quý. Trang thơ khép lại nhưng như vừa làm dậy lên bao tình cảm tốt đẹp trong lòng người thưởng thức thở.
>>> Tham khảo bài văn cảm nhận vẻ đẹp dân gian được thể hiện trong bài thơ Tương tư để thấy được những sáng tạo của Nguyễn Bính trong việc vận dụng các chất liệu văn học dân gian vào trong các tác phẩm của mình.
4. Bài văn phân tích 4 câu cuối Tương tư số 4
Trong phong trào Thơ mới giai đoạn 1930 – 1945, Nguyễn Bính được biết đến với hồn thơ mang bản sắc gần gũi với các khúc hát dân ca, ca dao cùng giọng thơ dịu nhẹ, ngọt ngào, thắm thiết. Bài thơ “Tương tư” in trong tập thơ “Lỡ bước sang ngang” là tác phẩm thể hiện rõ phong cách thơ Nguyễn Bính. Qua thi phẩm, chúng ta có thể thấy được mối tình đơn phương của chàng trai trong sự khắc khoải mong chờ mang dáng dấp mộc mạc, chân chất và thấm đượm “hồn quê”. Đặc biệt, ở bốn câu thơ cuối, bằng giọng thơ mang đậm phong vị của văn học dân gian, mối tình e ấp, vụng dại nơi làng mạc yên bình đã được tái hiện rõ nét:
“Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”
Ở những câu thơ trước của thi phẩm, tác giả đã khắc họa thành công tình yêu cùng các cung bậc nhớ thương và khắc khoải chờ mong trong sự đơn phương. Nối tiếp mạch cảm xúc đó, bốn câu thơ cuối đã xoáy sâu hơn nữa vào nỗi “tương tư” để thể hiện khát vọng lứa đôi một cách e ấp, thầm kín.
Điệp cấu trúc câu: “Nhà em có một… “, “Nhà anh có một…” đã gợi nên sự sóng đôi, cân xứng. Đồng thời, lời thơ đã không còn sự bóng gió xa xôi: “Bao giờ bến mới gặp đò” mà giãi bày, bộc bạch một cách trực tiếp thông qua đại từ nhân xưng “anh” và “em”. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là khát vọng của tác giả, bởi “giàn giầu” và “hàng cau” vẫn thuộc hai miền không gian khác nhau trong sự xa cách.
Hình ảnh “giàn giầu” và “hàng cau” còn góp phần làm cho khát vọng lứa đôi của mối tình đơn phương càng trở nên mong manh, e ấp. Trong tâm thức văn hóa của người Việt Nam, “trầu” và “cau” luôn là hình ảnh sóng đôi tượng trưng cho tình yêu đôi lứa son sắt, bền chặt, thủy chung. Tác giả đã vận dụng linh hoạt chất liệu quen thuộc của nền văn học dân gian để thể hiện khát vọng lứa đôi của mình.
Bằng việc sử dụng biện pháp hoán dụ và cụm từ phiếm chỉ về địa danh “thôn Đoài”, “thôn Đông” để bộc lộ một nỗi niềm e ấp; đồng thời thể hiện mối quan hệ giữa quy luật tình cảm của con người và cảnh vật. Sự nhớ nhung trong nỗi niềm “tương tư” của chàng trai đã lan tỏa và thấm vào tạo vật, tạo nên hai miền không gian: “thôn Đoài” và “thôn Đông” khắc khoải trong nỗi nhớ: “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông”.
Tình cảm mộc mạc, chân chất đầy tế nhị và tự nhiên đó được kết thúc bằng một câu hỏi tu từ: “Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”. Lời ướm hỏi vang lên như một lời bỏ lửng vấn vương mơ ước và hi vọng về một tình yêu không được hồi đáp, qua đó thể hiện tình yêu giản di, chân thành của tác giả.
Bốn câu thơ cuối của thi phẩm nói riêng và toàn bộ bài thơ “Tương tư” nói chung đã thể hiện vẻ đẹp dân gian, dân giã trong hồn thơ Nguyễn Bính. Màu sắc của sự mộc mạc, dân giã, chân chất được tô điểm bằng lớp ngôn từ giản dị, mộc mạc và giọng thơ mang âm hưởng của sự ngọt ngào. Tác giả còn vận dụng thành công những thi liệu về địa danh, cỏ cây thấm đẫm hương vị của làng quê Việt Nam từ bao đời nay. Đó là “thôn Đoài”, “thôn Đông”, “giàn giầu”, “hàng cau”,… Chính những điều này đã làm nên vẻ đẹp dân gian của bài thơ, khiến nỗi niềm “tương tư” ngân vang êm dịu như những khúc hát dân ca sâu lắng tâm tình.
Như vậy, thông qua phân tích bốn câu thơ cuối của bài thơ Tương tư, chúng ta đã thấy được tình cảm chân thành, giản dị, tự nhiên của nhân vật trữ tình trong sự nhớ nhung và khát vọng về hạnh phúc lứa đôi. Đồng thời, bốn câu thơ còn thể hiện những đặc trưng nghệ thuật tiêu biểu của hồn thơ Nguyễn Bính.
5. Bài văn phân tích 4 câu cuối Tương tư số 5
“Nắng mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”
Đó là thơ Nguyễn Bính – nhà thơ tự học mà thành tài. Hoài Thanh, trong “Thi nhân Việt Nam” cho biết, Nguyễn Bính vào tuổi hai mươi đã làm gần một nghìn bài thơ. Nguyễn Bính sử dụng nhiều thể thơ, điệu thơ, nhưng thành công nhất là thơ lục bát. Ở những bài thơ ấy, “ta bỗng thấy vườn cau bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta”, ta cảm thấy một điều đáng quý báu vô ngần, đó là “hồn xưa của đất nước”.
Những bài thơ tình của Nguyễn Bính có một giọng điệu riêng, đẹp như ca dao, mang tính cách ca dao… Nhiều câu thơ đoạn thơ với các biện pháp tu từ trong bài Tương tư cứ thấm vào hồn ta mãi:
“Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.”
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”
Đoạn thơ trên đây trích trong bài thơ “Tương tư“, rút trong tập thơ “Lỡ bước sang ngang” (1940) của thi sĩ Nguyễn Bính. Bài thơ gồm có 20 câu lục bát; 16 câu đầu nói về nỗi buồn nhớ tương tư, trách móc tủi hờn: “Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?”. Bốn câu cuối nói lên niềm mong ước của chàng trai đa tình về một tình yêu hạnh phúc với một thiếu nữ khác thôn chung làng.
Cấu trúc song hành đối xứng, bốn câu thơ liên kết thành hai cặp, gắn bó với nhau rất hồn nhiên,tự nhiên như duyên trời đã định giữa nhà em và nhà anh, giữa em và anh, giữa thôn Đoài với thôn Đông, giữa cau với trầu vậy. Giọng thơ thì thầm ngọt ngào như một lời cầu mong, ước ao khao khát. Từ chỗ gọi “nàng”: “Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” đã chuyển thành một tiếng “em” gần gũi, thân thiết yêu thương: “Nhà em có một giàn giầu…”. Cách xưng hô từ “tôi” – “nàng” dẫn đến “em” – “anh” thân thiết hơn, phong tình và yêu thương hơn.
Trầu với cau đã có kết bền đẹp từ ngàn xưa, nên bây giờ mới có sự tương giao tương hợp như một thiên duyên đẹp kì lạ:
“Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.”
Điệp ngữ “nhà có một” làm cho ý thơ vang lên khẳng định về một sự sóng đôi tồn tại. Tuy rằng “hai thôn chung lại một làng”, chẳng xa xôi mấy, nhưng “giàn giầu” nhà em và “hàng cau liên phòng” của nhà anh vẫn còn ở về hai phía không gian. Nhà em và nhà anh mới chỉ “có một” chứ chưa có đôi. Chữ một trong hai câu thơ rất ý vị, nó đã nói lên ước mong về hạnh phúc lứa đôi: duyên giầu – cau cũng là duyên lứa đôi bền chặt, sắt son, thủy chung.
Trong bài “Tương tư“, Nguyễn Bính sử dụng nhiều câu hỏi tu từ để diễn tả nỗi buồn tương tư “gỡ mãi chẳng ra”:
– Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
– Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?
– Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?
– Bao giờ bến mới gặp đò?
Và khép lại bài thơ, chàng trai tự hỏi mình trong mơ ước và hi vọng:
“Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”
Cả một trời thương nhớ, đâu chỉ tôi nhớ nàng, anh nhớ em, mà còn có “Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông”. Cảnh vật cũng dan díu nhớ mong: “Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”. Một lối nói bỏ lửng, rất tế nhị, duyên dáng, đậm đà. Anh tự hỏi mình, và cũng là thổ lộ cùng em. Câu hỏi tu từ với cấu trúc bỏ lửng đã thể hiện một tình yêu chân thành về một ước mơ hạnh phúc tốt đẹp. Ước mơ ấy thật nhân văn.
Đoạn thơ cho thấy vẻ đẹp riêng trong thơ tình của Nguyễn Bính. Tác giả đã vận dụng sáng tạo các chất liệu văn học dân gian như giầu – cau, thôn Đoài – thôn Đông, câu thơ lục bát giàu vần điệu nhạc điệu để nói lên nỗi khát khao tình yêu hạnh phúc của lứa đôi. Một tình yêu đằm thắm, chân quê. “Tương tư” thấm một nỗi buồn, nhưng đoạn kết đã mở ra một chân trời hi vọng.
Qua nội dung chi tiết hướng dẫn phân tích 4 câu cuối bài Tương tư kèm tuyển chọn những bài văn được đánh giá cao trên đây, hi vọng các em sẽ có đủ tri thức cần thiết để viết được một bài văn phân tích hay cho riêng mình. Chúc các em học tốt !
[Văn mẫu 11] Phân tích 4 câu thơ cuối bài thơ Tương tư, bài văn mẫu phân tích khổ thơ cuối bài thơ Tương tư của nhà thơ Nguyễn Bính
Đăng bởi: THPT Sóc Trăng
Chuyên mục: Giáo dục