Trong những ngày gần đây, từ khóa Nokia Edge bỗng trở nên rất hot – thu hút đông đảo tín đồ công nghệ Việt. Nếu chiếc smartphone mang tên Nokia Edge chính thức được gia công và xuất xưởng, liệu bạn có đặt mua ngay khi có hàng?
Nokia Edge chính là câu trả lời của người dùng với gã khổng lồ Phần Lan về chiếc di động sắp tới của hãng. Người dùng rất mong đợi một sản phẩm mang tính cách mạng trong thiết kế như thế, chứ không phải chỉ nâng cấp cấu hình và tính năng như trào lưu của các thương hiệu đình đám hiện nay: Apple, Samsung, Sony,…
Người dùng rất hào hứng về concept Nokia Edge và mong đợi một thiết kế tương tự từ chính nhà sản xuất Phần Lan
Tại sao mọi người lại đặt kỳ vọng quá nhiều ở Nokia Edge cũng như Nokia – Một thương hiệu đã thất bại và buộc phải bán mình cho Microsoft? Dưới đây là những gì đã làm nên tên tuổi của đế chế Nokia.
1. Di động Nokia là tượng đài của độ bền… vô đối!
Trước khi bán Bộ phận Thiết bị và Dịch vụ cho Microsoft, mỗi khi nhắc đến những chiếc điện thoại gắn mác Nokia, người ta đều nghĩ ngay đến sự bền bỉ theo thời gian, vì những máy do Nokia sản xuất đều đạt chuẩn chất lượng cao và xài rất lâu mới bị hư hỏng, thậm chí rơi rớt nhiều lần xuống nền gạch mà vẫn không hề hấn gì.
Những bức ảnh chế về độ bền của điện thoại Nokia xuất hiện khắp nơi trên internet, với câu nói bất hữu: “Điện thoại Nokia không thể bị phá hủy”
Bên cạnh đó, không ít người còn cho rằng Nokia chính là một trong những “Ông tổ” của ngành công nghiệp điện thoại di động. Bước ngoặt lớn đối với thương hiệu này là vào năm 1982, khi hãng giới thiệu chiếc điện thoại dành cho xe hơi đầu tiên. Từ đó, sau gần 20 năm, với nhiều dòng sản phẩm ra mắt, Nokia đã vươn lên trở thành hãng sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới.
Nokia cũng góp phần đưa quê hương Phần Lan trở thành một trong những trung tâm công nghệ lớn ở châu Âu. Năm 2000, Nokia là công ty đáng giá nhất châu Âu, với tổng vốn hóa thị trường lên đến 300 tỷ USD.
Đỉnh điểm của thời kỳ hoàng kim là năm 2008, khi Nokia dẫn đầu thị trường điện thoại toàn cầu, nắm giữ gần 40% thị phần. Với 129.746 nhân viên làm việc ở 120 quốc gia, hãng cung cấp sản phẩm cho 150 nước và thu về 41 tỷ Euro, tương đương khoảng 55 tỷ USD trong năm 2009.
Xem thêm: [Thương hiệu] Nokia: Từ công ty cao su đến sản xuất điện thoại và cái kết trở về cát bụi
2. Thiết kế độc đáo không đụng hàng
Không chỉ gây chú ý với người dùng bởi độ bền, mà điện thoại Nokia mỗi năm ra mắt đều trông rất khác và mới lạ, chứ không na ná nhau như thị trường smartphone đương đại. Theo đó, nếu Nokia vẫn duy trì quan điểm phá cách trong thiết kế, quyết chế tạo những dòng điện thoại không đụng hàng thì hình mẫu Nokia Edge rất đáng để hãng tham khảo và tu chỉnh lại cho hợp thời hơn.
Concept Nokia Edge với màn hình không viền – Niềm mơ ước của bao Fan hâm mộ Nokia
Xem thêm:
- Top 5 mẫu smartphone mang tính cách mạng của Nokia. Bạn còn nhớ hay đã quên?
- Top điện thoại Nokia có thiết kế cực khó hiểu
3. Cấu hình… không phải dạng vừa!
Còn nhớ hồi năm 2011, thị trường di động Việt chứng kiến sự bùng nổ của các dòng smartphone tên tuổi, trong số đó nổi bật nhất vẫn là Nokia N9, Samsung Galaxy S2, Apple iPhone 4 và Sony Ericsson Xperia Arc S. Tứ đại thiên vương này sở hữu cấu hình rất mạnh mẽ vào thời điểm bấy giờ.
Chắc chắn, lần quay trở lại này, Nokia sẽ tung ra thị trường một chiếc smartphone cao cấp sở hữu cấu hình đầu bảng hiện nay, hấp dẫn tương tự Nokia Edge, bao gồm: Dùng chip Snapdragon 820 hoặc Snapdragon 823, RAM 4 GB/ 6 GB, bộ nhớ trong thấp nhất 32 GB, chạy Android 7.0 Nougat và tính năng bảo mật sinh trắc học (cảm biến vân tay siêu âm hoặc mống mắt).
Nokia Edge được thiết kế với cảm biến vân tay ở mặt sau và nút home tích hợp bên trong màn hình
4. Camera chất lượng cao
Vào năm 2006 – 2007, Nokia trình làng N95 và N95-8GB được trang bị camera sau đúng “xịn”, với độ phân giải 5 MP cùng ống kính Carl Zeiss trứ danh, mang đến những bức ảnh chụp rõ nét và nổi bật hơn hẳn so với các dòng điện thoại cùng thời. Dĩ nhiên, Nokia N95 cũng có camera trước, để người dùng có thể chụp ảnh selfie và gọi video.
Đến năm 2014, Nokia Lumia 930 xuất hiện khuấy đảo sân chơi camera-phone. Máy có camera chính 20 MP, ống kính Carl Zeiss, đèn LED Flash kép, hỗ trợ OIS cùng khả năng quay phim 4K@30fps. Những thông số kỹ thuật hấp dẫn đáng có trên một chiếc camera-phone đầu bảng.
Nokia Lumia 930 đọ camera với Sony Xperia Z3
Với những thành tựu công nghệ vượt bật trong quá khứ sẽ củng cố thành công ở tương lai, và chiếc camera-phone trong năm 2017 của Nokia chắc chắn sẽ làm hài lòng tuyệt đối dân mê nhiếp ảnh trên di động. Như thông tin mà nhà thiết kế Michael Muleba cung cấp, Nokia Edge được tích hợp cụm camera sau 23 MP, ống kính Carl Zeiss cùng hệ thống chống rung quang học tân tiến.
5. Giá bán cạnh tranh
Giới quan sát cho biết, Nokia sẽ quay lại thị trường di động với những mẫu smartphone cao cấp có giá bán dao động từ 450 đến 500 USD (khoảng 9 đến 10,2 triệu đồng), mức giá rất hợp lý.
Dĩ nhiên, giá bán quốc tế lúc nào cũng rất hấp dẫn, còn khi lên kệ chính hãng tại Việt Nam thì cỡ nào cũng bị đội giá lên kha khá. Trường hợp này, có thể smartphone cao cấp của Nokia sẽ rơi vào mức 14 đến dưới 16 triệu đồng. Tương tự giá niêm yết ban đầu của bộ đôi Lumia 950 và 950 XL tại Việt Nam.
Trong khi đó, iPhone 7 hiện nay có giá từ 649 USD – còn hàng chính hãng tại Việt Nam khoảng 18.790.000 đồng (iPhone 7 32 GB). Về phía Samsung, Galaxy S7 và S7 Edge có giá dao động từ 16 đến 18,5 triệu đồng (chính hãng).
Nếu chiếc smartphone Nokia 2017 có thiết kế cùng các tính năng tương tự Nokia Edge và giá bán tầm 15 triệu đồng, liệu bạn sẽ đặt mua ngay khi có hàng chính hãng tại Việt Nam?
Xem thêm: Lý giải nguyên nhân Nokia Edge gây sốt cộng đồng công nghệ Việt