Home Blog Nghị luận Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả – Văn mẫu 10 hay nhất

Nghị luận Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả – Văn mẫu 10 hay nhất

0
Nghị luận Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả – Văn mẫu 10 hay nhất

Nghị luận Việc học như việc trồng cây – Sưu tầm chọn lọc những bài nghị luận hay nhất bàn về quan điểm “Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả”.

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của mình về câu nói: “Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả

”.

Bạn đang xem: Nghị luận Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả – Văn mẫu 10 hay nhất

***

2 bài văn đạt điểm cao nghị luận bàn về việc học như việc trồng cây

Bài số 1:

Bàn về phép học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã viết: “Ngọc không mài không thành đồ vật; người không học không biết rõ đạo”. Từ xa xưa việc học đối với mỗi người đã luôn được đề cao thì trong thời đại xã hội phát triển ngày nay việc học còn quan trọng hơn rất nhiều. Học tập giúp ta thành người biết suy nghĩ, có nhận thức, có hiểu biết để trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, học không phải là một quá trình dễ dàng mà phải trải qua nhiều chông gai, thử thách, cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ thì mới có thể đạt được kết quả giống như câu nói: “Việc học như trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả”.

Chúng ta đều biết, học là quá trình tiếp thu, bổ sung, trau dồi các kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm. Nhờ vào việc học, chúng ta có thêm nhiều kiến thức và hoàn thiện nhân cách góp phần xây dựng cho xã hội phát triển. Học là còn để khẳng định bản thân hướng tới sự chân thiện mỹ.

Câu nói trên mượn quá trình trồng cây để nói về quá trình học tập không phải tự nhiên mà được hưởng hoa thơm quả ngọt mà cần biết bao công chăm sóc vun trồng cũng giống như con người muốn có thành quả tri thức thì cũng phải trải quả muôn vàn khó khăn trắc trở. Như ta đã biết trước khi trở thành cây to cứng cáp, tốt tươi xanh lá cho hoa thơm trái ngọt thì nó cũng bắt đầu từ những hạt mầm bé tí. Hạt mầm được gieo xuống đất người trồng cây sớm hôm tưới nước, hạt nảy mầm đâm qua mặt đất thành cây non. Lúc này cây non cần được chăm sóc cẩn thận sẽ dần dần lớn lên thích nghi với nắng gió. Cũng giống như vậy quá trình học tập cũng bắt đầu từ những kiến thức cơ bản, bài học đầu đời từ chính gia đình và cuộc sống xung quanh đó là những lời bi bô tập nói hay những bài hát… lớn thêm chút nữa khi đi mẫu giáo ta tập làm quen với mặt chữ con số. Cây muốn phát triển thì gốc rễ phải tốt, con người muốn chinh phục được đỉnh cao tri thức thì cũng phải học tốt cái gốc rễ kiến thức cơ bản. Những kiến thức đầu đời đơn sơ đó cũng chính là cội nguồn của quá trình học tập. Để một cái cây lớn lên tỏa bóng xanh tốt thì sẽ mất rất nhiều thời gian và quá trình học tập cũng vậy ta sẽ phải dành rất nhiều thời gian cùng với đó phải nỗ lực hết mình, luôn luôn kiên trì không nản lòng thì mới làm xanh tốt cây tri thức của bản thân.

Một cái cây khi bắt đầu hành trình sống sẽ đối mặt với bao phong ba, bão táp của thiên nhiên. Đầu tiên nó phải chọc thủng được lớp đất khô cứng mạnh mẽ vươn lên đón ánh nắng mặt trời để sinh tồn dưới những ngày nắng cháy rồi mưa bão, cùng với đó là lũ sâu bọ luôn rình rập hút đi nhựa sống của cây. Trong việc học chúng ta cũng sẽ phải trải qua nhiều thử thách, đắng cay và chắc chắn cũng sẽ có không dưới một lần vấp ngã, thất bại. Trong suốt quá trình đó, chắc chắn có lần ta bị điểm kém hay thi trượt, những ánh mắt thất vọng của người thân nhưng quan trọng nhất là ta phải biết đứng lên từ thất bại đừng chìm đắm trong sự chán nản thất vọng thì: “Có công mài sắt có ngày nên kim” cũng như cây sau mỗi trận mưa giông, bão táp sẽ gẫy mất đôi ba cành, lá rụng xác xơ nhưng nó không bị quật ngã và rồi mùa xuân đến hoa thơm đua nở tỏa hương rực rỡ để đến thu trái ngọt trĩu cành. Nếu ta cố gắng, quyết tâm kiên trì luôn giữ vững niềm tin trên con đường học tập sẽ có ngày ta được hưởng những trái ngọt tri thức đó là những điều quý giá mà chỉ chính chúng ta mới có thể gieo trồng và thu hoạch.

Từ xưa cha ông ta đã có câu: “Học thầy không tày học bạn”. Học những kiến thức cơ bản từ sách vở trong nhà trường được thầy cô truyền dạy chắc chắn là quan trọng nhưng như vậy chưa thể đủ vì kiến thức nhân loại là vô hạn và vô cùng sâu rộng. Nếu ta muốn lĩnh hội được nhiều nhất thì việc học từ bạn bè, từ cuộc sống và thế giới tự nhiên cũng quan trọng không kém. Nếu bạn bỏ qua thờ ơ với những điều đó thì cây tri thức của bạn sẽ chẳng thể sai cành trĩu quả. Cũng như cây sẽ luôn vươn lên không ngừng phát triển thì việc học cũng phải xuyên suốt: “Học, học nữa, học mãi”.

Cây càng lớn thì những loại sâu bọ càng tìm cách hút đi nhựa sống để cây dần chết thì trong học tập những con sâu chính là bao cám dỗ với mê lực hấp dẫn sẽ phá hủy con đường học tập. Trong cuộc sống hiện đại với biết bao thú vui phù phiếm, tầm thường như: trò chơi điện tử, văn hóa phẩm đồi trụy… có mê lực ghê gớm nếu ta không có bản lĩnh vững vàng thì quá trình học tập sẽ bị ảnh hưởng thậm chí là thất bại. Để rồi lẽ ra ta sẽ có thành quả tốt đẹp thì đổi lại ta nhận được những “trái đắng” rồi thất bại đau đớn trong đường đời. Vì vậy mỗi chúng ta phải chọn cái hay, cái tốt để học loại bỏ đi cái không đáng học, cái xấu để “cây tri thức” phát triển tốt tươi. Có được những trái thơm quả ngọt bên cạnh việc trau rồi tri thức khoa học, nâng cao trí tuệ thì chưa thể đủ mà còn cần phải xây dựng nhân cách, thái độ sống hợp lý, đạo đức tốt vì con người có tài mà thiếu đi đạo đức thì cũng sẽ không bao giờ là một công dân có ích cho xã hội giống như lời răn dạy của bác: “Có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Như cây tặng hoa thơm cho ong bướm và quả ngọt cho chim chóc con người mới là cây có ích. Con người có tài lại có đức mới là niềm tự hào của gia đình và là một công dân tốt của xã hội. Nhưng đáng buồn thay khi có biết bao con người đang ngày ngày cố gắng phấn đấu để vun trồng cây tri thức thêm xanh tốt thì cũng có biết bao bạn trẻ đã bỏ khô héo cây tri thức của mình mà lao vào ăn chơi hưởng thụ. Họ rồi sẽ thành những kẻ bên lề xã hội, nhận lại sự phê phán, chê trách để rồi mãi là những người thụt lùi, lạc hậu, chịu thất bại cay đắng do chính sự lười biếng, ỉ lại mang đến. Bản thân mỗi người phải luôn nhận thức và xác định mục tiêu học tập đúng đắn: Học để hoàn thiện bản thân để giúp ích cho đời. Như La Sơn Phu Tử đã viết: “Đạo học thành thì người tốt nhiều; người tốt nhiều thì triều đình ngay ngắn mà thiên hạ thịnh trị, nhà nước nhờ thế mà vững yên”.

Có thể khẳng định câu nói: “Việc học như trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu cho quả” là hoàn toàn chính xác. Hạnh phúc và thành công chỉ đạt được khi con người tự mình nỗ lực dựng xây nên và học tập chính là con đường ngắn nhất. Nhà bác học Đác – uyn đã nói: “Là bác học không có nghĩa là ngừng học” cho dù ở bất kỳ thời đại nào, địa vị nào việc học vẫn luôn vô cùng quan trọng. Chắc hẳn không ai muốn phải là kẻ thất bại và thụt lùi. Vậy nên những bạn trẻ, những chủ nhân tương lai phải luôn luôn cố gắng không mệt mỏi, không ngừng nghỉ trên con đường học tập, trên con đường trồng cây tri thức của mình.

  • Bình luận câu: Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào

Bài số 2:

Ai cũng muốn bản thân mình sau này trở thành những con người thành công có ích cho đất nước, nhưng đây không phải là một việc dễ dàng làm trong một thời gian ngắn mà nó là cả một quá trình dài đòi hỏi chúng ta phải có nền tảng kiến thức vững chắc. Từ đó chúng ta mới có những kiến thức về cuộc sống mới biết được cuộc sống đang cần gì và chúng ta có ước mơ gì để giúp ích cho đất nước phát triển. Như vậy có câu: “Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả”.

Chúng ta cũng thấy rằng học là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với mỗi con người. Bởi chỉ có học chúng ta mới biết được cuộc sống đang diễn ra như thế nào và chúng ta cần làm gì để sinh tồn trong cuộc sống. “Học” là một quá trình tiếp thu những cái mới mẻ, bổ sung trau dồi kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm trong xã hội. Việc học không chỉ là học những kiến thức ở trường về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội mà chúng ta còn phải học cách làm người trong cuộc sống.

Chính vì thế, mà tổ chức giáo dục, khoa học và nhân văn UNESCO từng đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mịnh”. Việc là việc quan trọng để con người biết được mình đang như thế nào. Từ đó mà có gắng học tập để hoàn thiện bản thân cho phù hợp với cuộc sống hơn.

Câu nói “Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả” ý nói quá trình học tập cũng giống như quá trình phát triển của cây, phải trải qua nhiều khó khăn của các hiện tượng tự nhiên mang lại và đồng thời phải có sức sống bền bỉ, ý chí kiên cường thì mới phát triển và đơm hoa kết trái được. Từ đây, ta thấy được quá trình học tập không hề dễ dàng mà vô cùng gian nan và vất vả chúng ta phải biết nỗ lực, có ý chí đương đầu và vượt qua thử thách, cần cù, chăm chỉ, sáng tạo thì mới có thể hái được trái thơm, quả ngọt của cuộc đời mình.

Lê – nin từng nói việc học là việc quan trọng và phải học suốt đời “Học nữa học mãi”. Như vậy, việc học là việc của suốt đời chứ không phải ngày một ngày hai. Trong xã hội hiện đại thì việc học lại đóng vai trò càng quan trọng do đó chúng ta phải trau dồi kiến thức và tích lũy kiến thức kinh nghiệm để từ đó áp dụng vào cuộc sống. Không chỉ vậy chúng ta còn có nhiều phương thức để học hỏi, mở rộng kiến thức từ bên ngoài các nước khác để sau này về phát triển đất nước mình. Để việc học tốt thì cần phải có “gốc rễ” hay còn gọi là nền tảng vững chắc để xây dựng kiến thức. Như cái cây mà không có rễ thì nó sẽ không bao giờ phát triển được.

Quá trình trồng cây giống như việc học, phải cần có thời gian để cây phát triển và học cũng phải biết thu từ từ. Một cái cây có thể phát triển được tốt thì nó phải trải qua biết bao khó khăn về cấc hiện tượng tự nhiên như bão, lũ lụt, hạn hán,…như vậy cần nó có một sức sống bền bỉ, có ý chí chống chọi dùng dễ đâm sâu vào lòng đất để vững chắc hơn. Việc học cũng vậy cũng phải trải qua nhiều khó khăn mới thành tài được. Không phải ai sinh ra đã giỏi mà do họ cố gắng học tập để trở thành những con người giỏi và sau mỗi lần gặp khó khăn chúng ta phải biết đứng dậy, ươm mầm lại cho cái cây của mình tiếp tục phát triển. Đừng để thất bại đánh bại chính con người bạn. Người ta thường nói “thất bại là mẹ thành công”. Do đó, hôm nay bạn đi học dù có bị điểm kém cũng không được nản lòng mà xem đó là một bài học để cố gắng làm tốt hơn vào lần sau. Như vậy chúng ta mới có ý chí và động lực để học tập tốt hơn. Và thành công trong cuộc sống mà chúng ta mong mỏi bấy lâu chính là quả ngọt mà chúng ta vun trồng cây cả một quá trình dài.

Trong cuộc sống chúng ta thấy rất nhiều tấm gương sáng cho chúng ta học tập như Nick Vujicic một con người khuyết tật nhưng anh không đầu hàng trước số phận nghiệt ngã của chính mình. Sau đó anh đã cố gắng học tập và tốt nghiệp đại học với một tấm bằng kép và trở thành nhà diễn thuyết, tuyên truyền cảm hứng, động lực cho người khác và từ đây anh được cả thế giới biết đến. Anh có một gia đình nhỏ với hai người con cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Hay Adam Khoo từng bị gọi là đần độn nhưng sau đó cậu đã cố gắng học tập và đã trở thành “thiên tài”, chính cậu là tác giả của cuốn sách “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế”, cuốn sách này đã giúp cho biết bao con người đi đến thành công và cuốn sách này có ở khắp thế giới.

Nhưng trong xã hội ngày càng phát triển, thì số lượng con người bỏ bê học tập rất là nhiều. Có những người chỉ học để biết chữ rồi thôi. Khi học sống cũng không muốn học hỏi mà bằng lòng với những gì mình đang có. Đặc biệt tình trạng học tập ở một số bộ phận học sinh ngày càng sa sút. Bởi ảnh hưởng từ cuộc sống như mải mê chơi bời quên rằng mình đang đi học. Đây là một điều rất đáng buồn bởi có những người muốn đi học nhưng vì hoàn cảnh lên không được đi học.

Như vậy, mỗi người chúng ta hãy tự nhìn nhận về ý thức của bản thân, từ đó thay đổi bản thân cố gắng học tập để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đối với các bạn học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì cần chăm chỉ học hỏi tích lũy kiến thức để bước vào một ngôi trường đại học học cho mình một cái nghề để an hưởng cho cuộc sống sau này.

“Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả” là một ý kiến vô cùng chính xác nhằm giúp con người nhận ra vai trò quan trọng của việc học tập. Mỗi con người cần xác định rõ mục tiêu học tập và làm việc của mình, kiên trì theo đuổi và không ngừng học hỏi tích lũy kiến thức để hoàn thiện bản thân hơn và vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Top 3 bài nghị luận hay về ý kiến: Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả

Bài số 1:

Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa UNESCO từng đề xướng mục đích của việc học: Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình. Trong thời đại xã hội phát triển, việc học là một điều vô cùng cần thiết đối với tất cả mọi người ngày nay, đặc biệt là với học sinh, sinh viên – chủ nhân tương lai của đất nước. Muốn đi được trên con đường thành công trong cuộc sống, mỗi người chúng ta cần phải có một nền tảng kiến thức vững chắc. Tuy nhiên, điều đó là không hề dễ dàng chút nào, nó đòi hỏi con người phải trả qua một quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ. Như có câu nói cho rằng: “Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả”.

Chúng ta đều biết rằng, “học” là quá trình tiếp thu những cái mới, bổ sung, trau dồi các kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm. Nhờ vào việc học, chúng ta có thêm nhiều kiến thức về thế giới bên ngoài, làm những việc đóng góp ích lợi cho xã hội và hơn hết học là để tự khẳng định chính bản thân mình. Nói việc học như việc trồng cây nghĩa rằng quá trình học tập cũng như quá trình phát triển của một cái cây, phải trải qua nhiều khó khăn, cay đắng nhưng chỉ cần chúng ta kiên trì, bền bỉ chúng ta sẽ thu được hoa thơm, quả ngọt. Bằng cách nói ngắn gọn và khúc triết, câu nói “Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả” đã giúp chúng ta nhận thức rõ được rằng quá trình học tập vô cùng gian lao, vất vả và chúng ta cần phải nỗ lực không ngừng nghỉ, cần cù, miệt mài, sáng tạo thì mới có thể gặp hái được hoa thơm, quả ngọt.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc trau dồi và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm sống là điều không thể thiếu. Cũng giống như việc trồng cây, việc học cần có cái “gốc”, “rễ” của nó. Mọi loại cây đều bắt nguồn từ rễ và mọi loại kiến thức cũng đề bắt nguồn từ cái gốc của nó. “Gốc”, “rễ” đó là nền tảng để cho cây phát triển khỏe mạnh. Quá trình trồng cây cũng như việc học đều tốn khá nhiều thời gian. Không chỉ tốn nhiều thời gian mà nó còn đòi hỏi cả sự nỗ lực, kiên trì, không chịu khuất phục. Cũng giống như loài cây phải chịu nhiều phong ba, bão táp của thiên nhiên thì việc học chúng ta phải chịu nhiều cay đắng. Không ít lần, chúng ta đã bị vấp ngã, thất bại. Vấp ngã, thất bại trong cuộc sống cũng như việc cái cây bị gãy, đổ do giông tố của thiên nhiên là điều khó tránh khỏi. Nhưng điều quan trọng là chúng ta biết đứng dậy, ươm mầm lại cho cái cây của mình. Nếu chúng ta chịu kiên trì, cố gắng, quyết tâm bền bỉ, có ý chí kiên cường, niềm tin son sắt thì chắc chắn, khi mùa xuân tới sẽ mang theo bao hoa thơm, mùa thu đến sẽ đem theo bao quả ngọt. Đó chính là những thành quả mà chúng đạt được. Như nhành cây vươn lên đón tia nắng mặt trời, chúng cần ta cần cố gắng, chủ động trau dồi và tích lũy kiến thức. Trong cuộc sống, đã có biết bao nhiêu những tấm gương cần cù, vượt khó vươn tới thành công. Điển hình là anh Adam Khoo – một con người đã từ “đần độn” trở thành “thiên tài”, tác giả của cuốn sách bán chạy Tôi tài giỏi, bạn cũng thế. Ban đầu, Adam Khoo là một cậu bé tầm thường, ngỗ nghịch, thậm chỉ bị coi là “đần độn”. Nhưng nhờ vào việc thay đổi nhận thức, cố gắng không ngừng trong học tập, cậu đã trở thành “thiên tài”. Tự mình vươn lên thành triệu phú, Adam sở hữu và quản lí bốn ngành kinh doanh với tổng thu nhập 20 triệu đôla. Trong vòng hơn 5 năm qua, anh đã động viên, thúc đẩy, đào tạo hơn 20.000 học sinh, sinh viên, giáo viên, quản lí cách thức học tập và kĩ năng thay đổi hành động.

Đối với việc trồng một cái cây, chúng ta cần bón phân, chăm sóc, tưới nước,… Đối với việc học cũng vậy, chúng ta cần thời gian chăm sóc cho cái cây kiến thức của mình. Nếu ta không thường xuyên chăm sóc cái cây chu đáo cũng như không chăm lo cho việc học hành, thì cuối cùng, dù mùa xuân, mùa thu có đến cũng chẩng có hoa thơm, quả ngọt nào cả. Không những vậy, trong quá trình học hỏi và tích lũy kiến thức, chúng ta chỉ nên tiếp thu điều tốt và loại bỏ những điều xấu. Những điều xấu xa cũng giống như những con sâu, con bọ sẽ làm hỏng cây của chúng ta. Bởi vậy, chúng ta cần phải diệt trừ, loại bỏ nó để tránh hưởng tác động tiêu cực đến cây của chúng ta. Thành quả mà chúng ta đạt được phụ thuộc vào chính bàn tay mà ta chăm sóc nên.

Bài số 2:

Xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi trình độ của con người ngày càng cao, kiến thức phải sâu rộng mới đáp ứng được xu thế của thời đại. Con người muốn có một chỗ đứng, một vị thế trong xã hội thì phải xây dựng được cho mình một nền tảng kiến thức kiên cố. Mà con đường chủ yếu để đi tới kho tàng kiến thức chỉ có thể là học tập. Con đường ấy không rải thảm đầy hoa hồng mà vô vàn sỏi đá, đòi hỏi con người phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài mới có được. Có câu nói cho rằng: “Việc học cũng như trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả”.

Như chúng ta đã biết quá trình trồng cây, bắt đầu từ những hạt mầm bé tí người ta gieo xuống đất, qua bao năm tháng, qua sự siêng năng chăm sóc của người trồng đã trở nên xanh tươi và phát triển mạnh mẽ, vươn mình đón ánh nắng mặt trời. Mùa xuân đến, chúng cho ta những bông hoa rực rỡ, thơm mát điểm tô cho sức sống và vẻ đẹp của mùa xuân ấm áp. Từ những bông hoa đó, chúng kết trái, đậu quả và cho ta những quả ngon, quả ngọt vào mùa thu. Đó là thành quả mà bao người trồng cây đều mong muốn có được.

Quá trình học tập của con người cũng giống như việc trồng cây vậy. Bắt đầu từ những hạt mầm đầu tiên chính là môi trường từ gia đình và mầm non. Vậy “việc học” là sự tìm hiểu, ghi nhớ tạo nên vốn kiến thức, hiểu biết của mỗi chúng ta. Nhờ có việc học, chúng ta mới trở thành người biết suy nghĩ, có nhận thức và hiểu biết; mới có thể thành công, trở thành người có ích. Chúng ta đi tìm hiểu rõ hơn tại sao việc trồng cây và việc học gắn liền với nhau, hai vấn đề này có mối quan hệ như thế nào?

Đối với trồng cây, thời gian và công sức dành để chăm cây như: tưới nước, nhổ cỏ, bắt sâu, bón phân… Còn đối với việc học, chúng ta phải dành thời gian và công sức để học tập, nghiên cứu, tìm tòi học hỏi… Nếu chúng ta không chăm sóc cây chu đáo cũng như không chăm lo việc học, thì cuối cùng thành quả mà chúng ta thu được là con số không. Bởi thành quả của chúng ta sau quá trình học giống như thứ quả kết ra từ cây chúng ta trồng vậy. Quả đó có tốt, có chất lượng là phụ thuộc hoàn toàn vào chúng ta.

Nhưng nếu trong giai đoạn đầu, khi mầm vẫn còn non và yếu, người trồng không chăm chút thì chắc chắn cây không thể lớn, không thể cho ta hoa đẹp, quả ngon. Việc học của chúng ta cũng vậy, ta không thể biết hết mọi điều chỉ trong một sớm, một chiều, mà đó là cả một thời gian dài miệt mài học tập. Nếu chúng ta siêng năng, chăm chỉ tiếp thu kiến thức hằng ngày thì lợi ích đầu tiên mà chúng ta nhận được là kết quả học tập và kiến thức, những hiểu biết chúng ta có được. Và khi kho tàng kiến thức mà chúng ta tích luỹ được ngày càng nhiều thì bằng cách áp dụng những kiến thức ấy vào đời sống, vào công việc, chúng ta sẽ có những thành quả, thành công hơn trong cuộc sống.

Thế nhưng kiến thức cơ bản, ban đầu của chúng ta được coi là cái “gốc”. Mỗi loại cây và kiến thức hiểu biết đều bắt nguồn từ cái “gốc” của nó, và để kết quả chúng ta nhận được như mong muốn thì trước hết chúng ta phải xác định mục đích, động cơ học tập một cách đúng đắn với thái độ nghiêm túc và phương pháp học tập khoa học, phù hợp. Như vậy thôi cũng vẫn chưa đủ, chúng ta cần phải cần cù, chịu khó vượt mọi khó khăn, không lùi bước trước những trở ngại, kiên trì, chủ động vươn lên nắm bắt lấy tri thức như cây vươn lên đón lấy ánh sáng mặt trời. Đã có biết bao những tấm gương tự học, tự rèn luyện vượt lên thử thách để có được thành công.

Ngoài ra việc học không thể bị dừng lại, bó hẹp trong bất cứ thời gian, không gian nào. Cũng giống như chăm sóc cây vậy, ta cũng phải chăm bón thường xuyên không thể ngắt quãng, bỏ bê khâu chăm sóc. Nếu chịu khó để ý chúng ta sẽ thấy càng lớn lên, cây sẽ bị sâu bọ làm hại. Những loài sâu bọ sẽ đục thân cây hoặc ăn lá cây làm cho cây mất dần chất dinh dưỡng và chết dần đi. Những con sâu đó cũng giống như những cám dỗ ngoài cuộc sống khiến chúng ta lơ là học tập. Chúng ta chỉ cần mải mê chạy theo trò chơi điện tử, cờ bạc, rượu chè,… dần dần chúng ta sẽ bị những thứ đó hủy hoại, ta sẽ không còn là ta nữa. Chểnh mảng học tập để chạy theo những thú vui sẽ làm chúng ta bị rỗng kiến thức và rồi sẽ thất bại từng ngày. Trong quá trình học phải học cách chọn những điều hay, điều tốt, loại bỏ những gì không đáng học. Vì vậy, ta phải loại trừ để chúng không làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây hay chính việc học của chúng ta.

Tốt nhất là học đến đâu, thực hành đến đó tránh rỗng kiến thức lâu sẽ không thể bù đắp. Nếu chúng ta chăm sóc cây chu đáo thì cây sẽ tốt tươi, ra hoa, kết trái cũng giống như việc chúng ta học tập chăm chỉ thì chúng ta sẽ đạt được những thành tích cao trong học tập, sẽ thành công và khẳng định được mình trước cuộc sống.

Cũng có những loài cây dễ sống, chỉ cần trồng xuống đất không cần tưới nước, chăm sóc mà vẫn tự lớn lên khỏe mạnh đó là những cây dễ thích nghi như các loài thủy sinh. Những cây đó giống như những người thông minh bẩm sinh, sinh ra đã có trí tuệ hơn người, họ không cần học nhiều và vẫn giỏi, vẫn thành công. Nhưng thực tế thì số lượng đó không nhiều, và bạn cũng không phải nằm trong số những người đấy thì bạn nên chọn cho mình cách học tập chăm chỉ, kiến thức phải được bạn bồi đắp dần dần qua từng ngày, từng tháng.

Có hai câu nói nổi tiếng của cả nhân loại “Học, học nữa, học mãi” của Lê-nin và câu nói “Là bác học không có nghĩa là ngừng học” của Đác-uyn, cũng là những quan điểm tích cực vô cùng quý giá về việc học tập. Thứ quả mà chính những con người vĩ đại ấy tạo nên thật đáng khâm phục, ngưỡng mộ và là những tấm gương để chúng ta học tập noi theo.

Mỗi chúng ta hãy trang bị cho mình ý thức rèn luyện, chấp nhận khó khăn, gian khổ để có một nền tảng tri thức vững vàng và trở thành hành trang vững chắc cho tương lai sau này. Hạnh phúc và thành công chỉ đến khi con người biết cách tạo nên và nắm bắt nó.

Có thể bạn quan tâm: Top 3 bài nghị luận hay về ý nghĩa của việc không ngừng học hỏi

Bài số 3:

Trong thời kì xã hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá như hiện nay, con người muốn có một chỗ đứng, một vị thế trong xã hội thì phải xây dựng được cho mình một nền tảng kiến thức kiên cố. Mà con đường chủ yếu để đi tới kho tàng kiến thức chỉ có thể là học tập. Nhung con đường ấy không rải đầy hoa hồng mà vô vàn sỏi đá, đòi hỏi con người phải trải qua một quá trình rèn luyện vất vả mới có thể gặt hái được thành công. Như có câu nói cho rằng: “Việc học cũng như trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả”.

“Việc học” là sự tìm hiểu, ghi nhớ tạo nên vốn kiến thức, hiểu biết của mỗi chúng ta. Nhờ có việc học, chúng ta mới trở thành người biết suy nghĩ, có nhận thức và hiểu biết; mới có thể thành công, trở thành người có ích. Quá trình học ấy cũng như việc trồng cây vậy. Chúng ta trồng cây, chăm sóc cây để thu được hoa thơm, quả ngọt. Quá trình trồng cây hay việc học đều cần nhiều thời gian và công sức. Đối với trồng cây, thời gian và công sức ấy là để chăm bẵm cây: tưới nước, nhổ cỏ, bắt sâu, bón phân… Còn đối với việc học, chúng ta phải dành thời gian và công sức để học tập, nghiên cứu, học hỏi… Nếu chúng ta không chăm sóc cây chu đáo cũng như không chăm lo việc học, thì cuối cùng thành quả mà chúng ta thu được là con số không. Bởi thành quả của chúng ta sau quá trình học giống như thứ quả kết ra từ cây chúng ta trồng vậy. Trái quả đó có tốt, có chất lượng là phụ thuộc hoàn toàn vào chúng ta.

Loài cây đơm ra những trái quả thành công là cây tri thức. Kiến thức cơ bản, ban đầu của chúng ta được coi là cái “gốc”. Mỗi loại cây và kiến thức hiểu biết đều bắt nguồn từ cái “gốc” của nó, và để kết quả chúng ta nhận được như mong muốn thì trước hết chúng ta phải xác định mục đích, động cơ học tập một cách đúng đắn với thái độ nghiêm túc và phương pháp học tập khoa học, phù hợp. Không chỉ vậy, chúng ta cần phải cần cù, chịu khó vượt mọi khó khăn, không lùi bước trước những trở ngại, kiên trì, chủ động vươn lên nắm bắt lấy tri thức như cây vươn lên đón lấy ánh sáng mặt trời. Đã có biết bao những tấm gương tự học, tự rèn luyện vượt lên thử thách để có thành công. Trước hết phải kể đến tấm gương học tập của Bác Hồ. Bác đã phải vượt qua bao nhiêu gian nan trên con đường giải phóng dân tộc. Năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước, tìm nước phát triển: Anh, Pháp, Mĩ… Người đã làm biết bao nhiêu việc: phụ bếp, viết báo… để kiếm tiền mua sách vở, tự học. Ngày ngày Bác đều phải dậy sớm để làm việc, đêm đến lại phải tự học, gian khổ vất vả vô cùng. Nhưng thành công luôn chào đón những người cố gắng, Người đã tìm ra con đường đưa đất nước ta thoát khỏi vòng kìm kẹp, đô hộ của bọn thực dân và đế quốc. Nhà khoa học Michael Faraday (1791 – 1867) sinh ra trong một gia đình thường dân, với nghị lực sẵn có, M.Faraday được cha dẫn đến nhà người quen làm nghề đóng sách. Ông xin ông chủ của mình cho đọc sách mỗi buổi tối để tự tìm tòi, khám phá các kiến thức khoa học. Vì cha ông đột ngột qua đời, M.Faraday đã phải vất vả hơn để lao động nuôi sống gia đình. Nhưng thành công đã đến khi ông chế tạo ra chiếc máy phát điện đầu tiên, là cơ sở để tạo ra động cơ điện được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. M.Faraday đã nhanh chóng trở thành một viện sĩ có uy tín nhất trong hội khoa học Hoàng gia Anh. Điều đó cho thấy, không phải tất cả những người tài giỏi, nổi tiếng và thành công đều nhờ vào những kiến thức được học ở trường, lớp. Mà họ thành công còn nhờ vào sự chủ động vươn lên, từ chính những trải nghiệm cuộc sống.

Việc học không thể bị dừng lại, bó hẹp trong bất cứ thời gian, không gian nào. Chúng ta phải học chọn những điều hay, điều tốt, loại bỏ những gì không đáng học. Những điều không hay cũng như những con sâu bọ, côn trùng gây hại hay cỏ dại làm hại đến cây. Vì vậy, ta phải loại trừ để chúng không làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây hay chính việc học của chúng ta vậy.

Câu nói “Học, học nữa, học mãi” của Lê-nin và câu nói “Là bác học không có nghĩa là ngừng học” của Đác-uyn, cũng là những quan điểm tích cực vô cùng quý giá về việc học tập. Thứ quả mà chính những con người vĩ đại ấy tạo nên thật đáng để chúng ta khâm phục và noi theo.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng chỉ cần trồng cây xuống đất rồi cây lớn lên tự nhiên, không cần sự chăm bẵm. Nhưng trong thực tế, dù đó là loài cây dễ thích nghi, có sức sống mãnh liệt thì muốn có những trái quả tốt vẫn cần có công sức chăm sóc của con người. Việc học cũng vậy, dù là người thông minh, thiên bẩm thì cũng cần đến sự chăm chỉ, cần mẫn. Nếu đã có sự thông minh, chúng ta càng không nên chủ quan mà lười nhác. Vì “Số người cao quý nhờ học vấn nhiều hơn số người cao quý nhờ thiên bẩm” – Ciceron đã nói “Học tập cũng như trồng cây đều phải bỏ ra nhiều công sức và trải qua sự vất vả, khó khăn… Vậy nên, mỗi chúng ta hãy trang bị cho mình ý thức rèn luyện, chấp nhận khó khăn, gian khổ để tri thức trở nên vững vàng và trơ thành hành trang vững chắc cho tương lai sau này. Hạnh phúc chỉ đến khi con người ta biết cách tạo nên.

Các bạn vừa tham khảo một số bài văn mẫu hay nghị luận xã hội bàn về quan điểm: Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả. Truy cập kho tài liệu Văn mẫu lớp 10 để cập nhật thêm nhiều bài văn hay khác giúp bạn rèn luyện kỹ năng làm văn, chuẩn bị tốt cho các bài thi và kiểm tra môn Văn. Chúc các bạn học tốt !

Những bài nghị luận xã hội bàn về quan điểm: Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả.

Đăng bởi: THPT Sóc Trăng

Chuyên mục: Giáo dục

Rate this post