Thị phần máy ảnh thế giới đang chứng kiến một pha “cắm mốc đặt chủ quyền” một cách lặng lẽ. Và nó đến từ một dòng máy ảnh có cảm biến có diện tích bằng ¼ cảm biến 35mm. Không ai khác đó chính là dòng máy ảnh Micro Four Thirds, hay còn gọi là M4/3.
Nhỏ nhưng có võ
Micro Four Thirds (M4/3) là hệ cảm biến được Olympus và Panasonic đồng khởi xướng và nâng cấp, kể từ khi ra mắt cho đến này, dòng máy ảnh này đã gây ra rất nhiều tranh cãi về kích cỡ cảm biến. Phe bảo thủ luôn cho rằng cảm biến càng lớn thì ảnh càng chất lượng. Phe đổi mới thì ủng hộ quan điểm, chất lượng ảnh tùy thuộc vào chất lượng ống kính, thuật toán ghi và xử lí hình ảnh. Có lẽ vì vậy mà Olympus và Panasonic dùng hệ cảm biến hoàn toàn mới có tên là LiveMOS cho sản phẩm của mình.
Nhưng trước hết hãy xem tương quan về kích cỡ cảm biến M4/3 và phần còn lại của thế giới đã nhé!
Về mặt kích thước thì rõ như ban ngày rồi nhé? Vậy LiveMOS là gì và có thể làm được gì?
LiveMOS là một công nghệ cảm biến đầy hứa hẹn, nó được kì vọng sẽ cho chất lượng ảnh tương đương cảm biến CCD, công nghệ dễ áp dụng và tiết kiệm điện năng như CMOS. Bằng chứng là trong thời gian gần đây, Olympus với những sản phẩm đẳng cấp của mình như E-M1 Mark II hay E-M10 Mark III đã khẳng định chất lượng của dòng máy ảnh Micro Four Thirds này.
Và Panasonic cũng không phải kẻ ngoài cuộc, nổi lên từ những chiếc máy quay “trá hình trong form máy ảnh”, những GH3, GH4 và mới đây nhất là GH5, hãng điện tử này luôn biết cách làm cho những công ty sản xuất máy quay chuyên nghiệp phải ngoái nhìn. Có thể nói, Olympus và Panasonic đã giúp thế giới định hình một loại máy ảnh mới.
Nói đi cũng phải nói lại, chất lượng hình ảnh tuyệt vời của những chiếc máy ảnh M4/3 còn có một phần đóng góp không hề nhỏ của hệ ống kính. Với Olympus ta có hệ Zuiko, một cái tên được mệnh danh là “Leica của Châu Á” do chất lượng vượt thời gian. Còn Panasonic thì sao, không kém phần long trọng, hãng đã rất khôn ngoan khi kết hợp với huyền thoại Leica để sản xuất ống kính, từ đó, người dùng có thể tiếp cận gần hơn với Leica với một mức giá phải chăng hơn rất nhiều.
Khả năng quay phim bá đạo
Như đã nói ở trên, việc quay phim bằng hệ cảm biến M4/3 của Panasonic đang được nhiều người trong giới quay phim chuyên nghiệp ưa chuộng. Lí do vì đâu? Đơn giản đó chính là lợi thế từ cảm biến nhỏ. Thông thường, cảm biến hình ảnh là một trong những bộ phần dùng nhiều năng lượng nhất trong một chiếc máy ảnh. Cảm biến càng lớn, lượng điện tiêu thụ càng cao. Chính vì lẽ đó, việc quay phim bằng máy ảnh là một việc hút pin cực kì nhanh.
Diện tích sử dụng của cảm biến Full-frame là 864mm2 , cảm biến APS-C thường thấy của các máy ảnh Nikon, Pentax, Sony là khoảng 365mm2, đối với Canon thì nhỏ hơn một chút, khoảng 332mm2. Tuy nhiên đối với cảm biến M4/3, diện tích này chỉ còn khoảng 220mm2 , như vậy diện tích sử dụng chỉ bằng ¼ so với cảm biến Full-frame, suy ra khả năng hút điện cũng được giảm đi đáng kể. Ngoài ra, khi quay, cảm biến lớn sinh ra nhiệt nhiều hơn, nhanh nóng máy và càng về lâu, các điểm ảnh sẽ từ từ dẫn đến mất khả năng sử dụng (dead pixel)
Diện tích nhỏ không có nghĩa là hình ảnh được ghi lại sẽ kém hẳn đi! Đã có những clip so sánh giữa Panasonic GH5, Sony A7SII, chất lượng video từ hai chiếc máy ảnh này ra cơ bản không khác nhau quá nhiều, có chăng là A7SII với cảm biến to hơn của mình sẽ phù hợp với những điều kiện thiếu sáng hơn. Hiện tại cả hai dòng máy này đều được hỗ trợ LOG, giúp lưu giữ lại nhiều chi tiết do cảm biến thu lại hơn, người dùng có thể tinh chỉnh video, hậu kì dễ dàng hơn.
Để hiểu hơn về sự “bá đạo” của GH5, các fan 50mm Vietnam có thể tham khảo thêm ở bài viết này nhé!
Có một cộng đồng đoàn kết
Nếu để ý kĩ càng, ta có thể thấy tại dòng máy ảnh sử dụng cảm biến M4/3, hai hãng Panasonic và Olympus phân chia khá rõ ràng thị trường. Nếu Olympus có khả năng chụp ảnh vượt trội, thì Panasonic lại có thể quay phim với chất lượng đáng lưu tâm. Có lẽ việc làm “đôi bạn cùng tiến” này là sự bắt tay giữa hai hãng giúp đi qua chặng đường chông gai mà những người ông lớn như Canon, Nikon để lại. Chặng đường bắt tay này đã có kết quả khi Olympus và Panasonic đang dần chiếm được tình cảm của người tiêu dùng trong khoảng thời gian vừa qua.
Câu chuyện “đôi bạn cùng tiến” này khiến ta nhớ về cặp đôi Ca-Ni một thời. Trong khoảng thời gian trước và sau thế chiến thứ I và II, Canon và Nikon đã phối hợp với nhau cùng tạo nên một đế chế mới của các Samurai Nhật Bản. Doanh thu tăng trưởng vượt trội từ sự kết hợp này giống như một cú chém sắc lẹm vào tượng đài của “máu và thép” – nước Đức với những cái tên đã làm mưa gió một thời như Leica, Carl Zeiss hay Meyer – Optiks.
Sự phát triển như vũ bão của những chàng trai Nhật Bản đã khiến cho những người lính Đức phải thu hẹp lại phạm vi hoạt động, chuyển hướng kinh doanh và định hình lại khuynh hướng phát triển. Học tập từ bước đi của những người tiền nhiệm, Olympus và Panasonic đã cùng phối hợp, có lẽ hai cai tên này sẽ tái lập lại lịch sự nhiếp ảnh thế giới chăng? Câu trả lời có lẽ phải đợi thời gian mang đến.
Ngoài ra, hệ máy ảnh sử dụng cảm biến Micro Four Thirds ra đời, đồng nghĩa việc sinh ra một hệ ngàm mới cùng tên. Có một điểm thú vị đó là những máy ảnh M4/3 hiện tại đều có thể lắp được lens chung cho nhau. Có nghĩa là, nếu bạn mua Olympus bạn có thể dùng hệ ống Leica và Lumix, nếu bạn mua Lumix thì sẽ có một dàn ống Zuiko cho bạn lựa chọn. Cả hai dòng ống kính này đều nổi danh từ xưa đến nay nhờ chất lượng quang học vượt trội, khả năng tái tạo màu sắc trung thực, hình ảnh sắc nét,… Đứng trên vai người khổng lồ cũng là một phần giúp bạn nhìn xa hơn.
Tạm kết
Từ khi ra mắt cho đến nay, những chiếc máy ảnh mang trong mình hệ cảm biến Micro Four Thirds tuy chưa thể gây ra một cơn địa chấn như dòng Mirrorless, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận là đã có những cú cắm mốc trên bản đồ thị phần thiết bị nhiếp ảnh ngày nay. Chất lượng hình ảnh tốt, cấu hình quay phim mạnh mẽ và không thua kém gì về mặt công nghệ, chưa kể tới là thiết kế siêu đẹp của những chiếc Olympus trong vài năm trở lại đây chắc chắn cũng sẽ làm bạn có thể “yêu-từ-cái-nhìn-đầu-tiên”. Đây chính là điều mà người dùng mong muốn: Đa dạng sự lựa chọn để có những sản phẩm phù hợp với mình.Lưu