Home Blog Đề cương bài dự thi tìm hiểu Biên giới và Bộ đội biên phòng năm 2018

Đề cương bài dự thi tìm hiểu Biên giới và Bộ đội biên phòng năm 2018

0
Đề cương bài dự thi tìm hiểu Biên giới và Bộ đội biên phòng năm 2018

Đề cương bài dự thi tìm hiểu Biên giới và Bộ đội biên phòng năm 2018

Cuộc thi tìm hiểu Biên giới và Bộ đội biên phòng năm 2018 nhằm chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống BĐBP (03/3/1959 – 03/3/2019) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989 – 03/3/2019). Mời các bạn tham khảo đề cương trả lời chi tiết sau đây để hoàn thành bài dự thi đúng thời hạn.

BÀI DỰ THI TÌM HIỂU BIÊN GIỚI VÀ BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG

CHÀO MỪNG KỈ NIỆM 60 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG

BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG VÀ 30 NĂM NGÀY BIÊN PHÒNG TOÀN DÂN

Câu 1: Công an nhân dân vũ trang (Bộ đội Biên phòng ngày nay) được thành lập ngày, tháng, năm nào? Ý nghĩa của việc ra đời lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia?

Trả lời

Bạn đang xem: Đề cương bài dự thi tìm hiểu Biên giới và Bộ đội biên phòng năm 2018

Ngày 19 tháng 11 năm 1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trng ương Đảng ra Nghị quyết 58/TW quyết định: “Thống nhất các đơn vị bộ đội quốc phòng đang làm nhiệm vụ bảo vệ nội địa, biên giới, bờ bể, giới tuyến và các đơn vị công an vũ trang thành một lực lượng vũ trang của Đảng và Nhà nước chuyên trách công tác bảo vệ nội địa và biên phòng giao cho ngành Công an trực tiếp chỉ đạo”. Nghị quyết cũng chỉ rõ nhiệm vụ của lực lượng này là: “Trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an ninh biên giới, bờ bể, giới tuyến và nội địa, bảo vệ an toàn cho các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng”.

Ngày 3 tháng 3 năm 1959, thực hiện chủ trương đó, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg để: “Thống nhất các đơn vị bộ đội đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến, các đơn vị Công an Biên phòng và cảnh sát vũ trang, thành lực lượng chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang”.

Từ đó, ngày 3 tháng 3 hằng năm được chọn làm Ngày truyền thống của lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Ngày 28 tháng 3 năm 1959, tại Thủ đô Hà Nội, lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang được tổ chức trọng thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đến dự lễ. Tại đây, Người đã trao nhiệm vụ cho lực lượng. Người nói: “Công an và quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính”. Bác ân cần dặn dò: “Công an và bộ đội phải cảnh giác, phải biết trấn áp kẻ thù bên trong và kẻ địch bên ngoài. Kẻ địch bên trong là bọn phản động, bọn phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; kẻ địch bên ngoài là bọn đế quốc, bọn xâm lược. Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của quân đội và công an nói riêng, của nhân dân nói chung, quân đội và công an phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được”.

Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tích cực chủ động làm tham mưu và cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá- xã hội, xoá đói giảm nghèo, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân” thật sự vững chắc. Các đồn biên phòng đã cử 438 sỹ quan tăng cường cho hơn 400 xã biên giới đặc biệt khó khăn; tham mưu cho địa phương kiện toàn hàng nghìn tổ chức cơ sở đảng, uỷ ban nhân dân, tổ chức mặt trận, công an, dân quân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ và hội cựu chiến binh. Triển khai thực hiện 124 dự án kinh tế- xã hội với tổng số vốn gần 800 tỷ đồng; tổ chức định canh, định cư bền vững cho hàng ngàn hộ dân, hướng dẫn nhân dân làm ruộng nước, đổi mới cây trồng, chăn nuôi tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở biên giới.

Câu 2: Từ khi ra đời đến nay, Công an nhân dân vũ trang (BĐBP) có bao nhiêu đơn vị, cá nhân được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND? Toàn lực lượng mấy lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng? Có bao nhiêu tập thể, cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND lần thứ 2?

Trả lời

Trải qua 58 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân vũ trang trước đây, BĐBP ngày nay đã vinh dự có 154 lượt tập thể và 67 cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND, cùng nhiều phần thưởng cao quý.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam hai lần được tuyên dương Anh Hùng LLVTND (vào tháng 12 năm 1979 và tháng 2 năm 2009).

Có 8 tập thể được tuyên dương lần thứ 2, gồm: Lực lượng BĐBP; Đồn Biên phòng CKQT Hữu Nghị – BĐBP Lạng Sơn; Đồn Biên phòng Cù Bai – BĐBP Quảng Trị; Trạm kiểm soát Cửa Hội thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò – BĐBP Nghệ An; Đồn Biên phòng Pha Long – BĐBP Lào Cai; Đồn Biên phòng Pò Hèn – BĐBP Quảng Ninh; Đồn Biên phòng Cầu Ván – BĐBP Đồng Tháp; Đồn Biên phòng CKQT Cầu Treo – BĐBP Hà Tĩnh.

Câu 3: Luật Biên giới Quốc gia được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua vào ngày, tháng, năm nào? Có bao nhiêu Chương, Điều? Nội dung Điều nào quy định về nhiệm vụ chung của BĐBP?

Trả lời

Ngày 17/6/2013, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI đã thông qua Luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về biên giới quốc gia (gọi tắt là Luật Biên giới quốc gia). Luật Biên giới quốc gia có 6 chương, 41 điều. Bộ luật này mang số 06/2003/QH11, quy định về biên giới Quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 01/01/2004.

Khoản 2 điều 31 quy định về nhiệm vụ chung của Bộ đội Biên phòng:

“Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật. Nhà nước xây dựng Bộ đội biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững mạnh về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ.”

Câu 4: Văn bản nào quy định về “Ngày Biên phòng”? “Ngày Biên phòng” có những nội dung gì ? Đến khi nào được xác định là “Ngày Biên phòng toàn dân”?

Trả lời

Văn bản quy định “Ngày Biên phòng”:

Để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của các ngành, các cấp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới, ngày 22 tháng 2 năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 16/HĐBT lấy ngày 03/03 hàng năm là ngày Biên phòng trong cả nước. Quyết định trên đã mở ra một giai đoạn mới, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng và tạo ra nguồn lực mạnh mẽ của toàn dân, toàn diện vào công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới.

Nội dung của “Ngày Biên phòng”:

1) Nâng cao ý thức cảnh giác tinh thần trách nhiệm của nhân dân các dân tộc, của cán bộ, nhân viên các cơ quan, đoàn thể ở biên giới làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

2) Tăng cường đoàn kết hợp đồng chiến đấu và giúp đỡ lẫn nhau giữa lực lượng biên phòng và nhân dân, giữa lực lượng biên phòng và các lực lượng khác.

3) Không ngừng củng cố và phát triển tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới chống mọi hành vi xâm phạm biên giới của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

4) Đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ trung tâm, đột xuất của địa phương.

5) Khen thưởng bằng các hình thức thích hợp các xã và đồng bào có công trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ biên giới.

“Ngày Biên phòng toàn dân”:

Để xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc, khẳng định trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân trong xây dựng và quản lý bảo vệ biên giới quốc gia. Ngày 20 tháng 5 năm 2003, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Biên giới quốc gia.

Tại Điều 28 Luật Biên giới quốc gia năm 2003 quy định: Ngày 3 tháng 3 hằng năm là “Ngày Biên phòng toàn dân”. Tại Điều 14 Nghị định số 140/2004/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia quy định nội dung hoạt động của “Ngày Biên phòng toàn dân” là:

Thứ nhất, giáo dục ý thức pháp luật về biên giới quốc gia, tôn trọng biên giới, chủ quyền lãnh thổ, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, nhân viên, cơ quan, tổ chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và của toàn dân đặc biệt là cán bộ, nhân viên cơ quan, tổ chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

Thứ hai, huy động các ngành, các địa phương hướng về biên giới, tích cực tham gia xây dựng tiềm lực về mọi mặt ở khu vực biên giới, tạo ra sức mạnh của toàn dân, giúp đỡ Bộ đội Biên phòng và các đơn vị khác thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan chức năng ở khu vực biên giới trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Thứ ba, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng, phối hợp hai bên biên giới trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và phòng, chống tội phạm.

Thứ tư, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

Thứ năm, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân.

Câu 5: Anh hùng liệt sỹ Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) Trần Văn Thọ hy sinh năm nào? Ở đâu? Trần Văn Thọ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm nào? Về thành tích gì?

Trả lời

Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ, người con ưu tú của Trấn Yên, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, đại diện ưu tú của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng), người đầu tiên của lực lượng Bộ đội biên phòng được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân sinh năm 1935 hy sinh ngày 8/8/1961. Nguyên quán: xã Nỗ Lực, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Trú quán: xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Bố mất năm 1945, lúc đó Thọ mới 10 tuổi, đi làm thuê mò cua bắt ốc giúp đỡ gia đình, 15 tuổi anh vào du kích, tham gia chiến đấu và bị thương trong một trận chống càn. Nhà có 4 anh em: người anh cả đã chết năm 1948, người anh thứ hai là công an xã, sau này là Uỷ viên Ban quản trị Hợp tác xã và Đội trưởng sản xuất, em trai đi công trường. Mẹ buôn thúng bán mẹt tần tảo nuôi con, sau già yếu không làm được gì.

Ngày 11/11/1952, Trần Văn Thọ nhập ngũ, được kết nạp vào Đảng tháng 12/1956, đã qua chi uỷ viên. Cấp bậc Thiếu uý.

Do làm việc quá sức trên địa bàn khó khăn Leng Su Sìn, Thọ bị ốm nặng nhưng vẫn cố gắng bám dân công tác. Ngày 8/8/1961, anh em đến cáng đưa về, vừa tới đơn vị thì anh trút hơi thở cuối cùng tại bản Leng Su Sìn, xã Sính Phình, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (nay là bản Leng Su Sìn, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Nghe tin anh hy sinh, cán bộ và đồng bào địa phương vô cùng thương tiếc, già cũng như trẻ đều kéo nhau về Đồn 5 dự lễ an táng rất đông. Ngày chôn cất anh, bà con dân bản Leng Su Sìn đã bày tỏ lòng thành bằng cách mỗi người bê một hòn đá từ suối Păng Pơi cách đó gần 2 km về xếp quanh mộ anh và tự mình dựng bia kỷ niệm để tưởng nhớ người đồng chí, người con yêu quý của dân bản.

Liệt sĩ Trần Văn Thọ được an táng trên một cánh rừng ngay tại bản Leng Su Sìn, xã Sính Phình, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (nay là bản Leng Su Sìn, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), hàng năm vẫn được cán bộ, chiến sĩ Đồn 5 Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu (nay là Đồn 405 Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên) cùng nhân dân trong bản, trong huyện đến chăm sóc, phúng viếng. Ngày 14/1/1979, hài cốt của anh đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Lai Hà ở huyện Mường Nhé, tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên), số mộ: 101.

Đồng chí Trần Văn Thọ đã nhiều lần được biểu dương khen thưởng, được đơn vị bình bầu là chiến sĩ thi đua cấp đại đội, tiểu đoàn và Khu các năm 1953, 1954, 1955, 1956, 1957, 1958. Đồng chí còn được các cấp tặng 6 Bằng khen, Quốc hội tặng thưởng 1 Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, 1 Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 1/1/1967 Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 118/LCT tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Trần Văn Thọ vì “đã có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước”, vào sổ vàng số 37.

Ngày 24/7/2008 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 984/QĐ- TTg tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho anh “đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”, Bằng số HI419.

Câu 6: Những năm gần đây, cán bộ, chiến sĩ BĐBP có nhiều chương trình, việc làm có ý nghĩa đối với nhân dân các dân tộc nơi biên giới, hải đảo. Đồng chí (anh, chị) hãy kể tên và suy nghĩ của mình về việc làm đó?

Trả lời

Trải qua gần 30 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” (1989 – 2018) các phong trào, chương trình được Bộ đội Biên phòng tổ chức đã được hình thành và phát triển sâu rộng. Cán bộ, chiến sỹ BĐBP trên các tuyến biên giới, biển đảo đã thực sự là những cán bộ dân vận giỏi; trở thành những “Thầy giáo quân hàm xanh’, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Chiến sỹ tuyên truyền văn hóa quân hàm xanh” và “Cán bộ xã quân hàm xanh”, giữ các chức danh: bí thư, phó bí thư đảng ủy xã hoặc cán bộ ủy ban nhân dân xã… được nhân dân tin yêu.

Trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo những năm gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả như: Phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm bản khu vực biên giới”, phong trào “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”, phong trào “Người phụ nữ vì biên giới”, phong trào “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”, phong trào “Già làng, trưởng bản gương mẫu”, phong trào “Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, phong trào “Phủ xanh đất trống đồi trọc”, phong trào “Xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho con em các dân tộc”, phong trào “Tổ tàu thuyền an toàn, bến bãi văn hóa”, phong trào “Họ đạo gương mẫu”, phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, Chương trình bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, “Mái ấm biên cương”, “Chương trình nâng bước em tới trường”, “ Chương trình Xuân Biên phòng – Ấm lòng dân bản”…

Câu 7: Đồng chí (anh, chị) hãy viết một đoạn văn (không quá 2000 từ) nói lên cảm xúc của mình về người chiến sĩ Biên phòng hoặc viết về một tấm gương người tốt việc tốt ở đơn vị, địa phương mình trong xây dựng, quản lí và bảo vệ biên giới?

Đăng bởi: THPT Sóc Trăng

Chuyên mục: Giáo dục

Rate this post