Home Blog Cảm nhận về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

Cảm nhận về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

0
Cảm nhận về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

Đề bài: Trình bày cảm nhận của em về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều của Nguyễn Du.

***

Bài phân tích hay nhất cảm nhận về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

Mở đầu tác phẩm Truyện Kiều, tác giả Nguyễn Du có viết: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Truyện Kiều viết về nhân vật chính Thúy Kiều, nàng là người con gái tài sắc vẹn toàn, nhưng sống trong xã hội đen tối bị chi phối bởi thế lực của đồng tiền đã gây nên số phận đầy bi kịch cho nàng. Qua tác phẩm, Nguyễn Du thể hiện sự cảm thông sâu sắc với nàng Kiều cũng như thân phận người phụ nữ nói chung trong xã hội phong kiến. Có thể nói, bước ngoặt đau đớn đã thay đổi cuộc Thúy Kiều từ một tiểu thư khuê các sang cuộc sống tủi nhục của người kĩ nữ, đó chính là khi Kiều quyết định bán mình cứu cha. Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều miêu tả cảnh mua bán đầy xót xa ấy.

Bạn đang xem: Cảm nhận về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

“Gần miền có một mụ nào

Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh

Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh

Hỏi quê, rằng huyện Lâm Thanh cũng gần”

Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Du đã nói về việc mụ mối dẫn dắt một người viễn khách đến hỏi Thúy Kiều về làm vợ, tuy hình thức là hỏi vợ nhưng thực chất đây lại là cuộc mua bán người vô nhân tính. Người được mụ mối dẫn dắt là Mã Giám Sinh, quê ở huyện Lâm Thanh, nghe lời giới thiệu của hắn, ấn tượng ban đầu của người đọc đó chính là một người thư sinh trường Quốc Tử Giám. Cách giới thiệu rõ ràng đến mức sành sỏi lại khiến ta nghi ngờ về nhân vật này.

“Quá niên trạc tuổi tứ tuần

Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao

Trước thầy sau tớ lao xao

Nhà băng dẫn lối đưa vào vấn danh”

Trong lời giới thiệu của Mã Giám Sinh đã có sự chuẩn bị nên ta chỉ có thể nghi hoặc mà chưa thể đưa ra kết luận về nhân vật này. Nhưng trong cách miêu tả của Nguyễn Du ta lại có những cảm nhận vô cùng rõ nét. Trước hết, Mã Giám Sinh đã trạc tuổi tứ tuần, vào tuổi này người ta thường đã yên bề gia thất nhưng bây giờ hắn ta mới đi hỏi vợ.Với tuổi tác đã không còn trẻ nhưng hắn ta lại chải chuốt cầu kì, ăn mặc đỏm dáng đến mức lố lăng, kệch cỡm “Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”. Cảnh tượng chủ – tớ lao xao như cái chợ cũng khiến ta đặt nhiều nghi vấn cùng thiện cảm không tốt về nhân vật này.

“Ghế trên ngồi tót sỗ sàng

Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra

Nỗi mình thêm tức nỗi nhà

Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng”

Không chỉ tuổi tác, cách ăn mặc, cư xử với những người tôi tớ khiến ta nghi ngờ Mã Giám Sinh là còn người giả dối thì đến những câu thơ này ta có thể khẳng định hắn ta không chỉ giả dối mà còn là một kẻ vô học, không phép tắc tự đặt mình vào vị thế của người làm chủ cuộc mua bán nên hắn ta không coi ai ra gì “Ngồi tót sỗ sàng”. Vị trí của những bậc phụ mẫu mà hắn ta không hề suy nghĩ ngồi vào, cho thấy hắn ta là người vô học. Tâm trạng của nàng Kiều thì đau đớn, u sầu khiến mỗi bước đi những giọt lệ ngọc lại ướt đẫm khóe mắt.

“Đắn đo cân sắc cân tài

Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ

Mặn nồng một vẻ một ưa

Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu”

Đến đây, bản chất của tên buôn người được bộc lộ không thể rõ ràng hơn. Hắn bắt Thúy Kiều thể hiện hết tài năng làm thơ, đàn hát “Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ”, sau khi có vẻ hài lòng với tài sắc của nàng Kiều hắn ta mới quyết định ra giá, kì kèo thêm bớt về giá cả. Việc hỏi vợ của Mã Giám Sinh đã chính thức trở thành cuộc mua bán của những người dân buôn lọc lõi, sành đời. Thúy Kiều không còn là đối tượng hỏi vợ mà đã trở thành một thứ hàng hóa đầy xót xa, đau đớn.

Xem thêm: Sơ đồ tư duy Mã Giám Sinh mua Kiều

Một số bài văn hay khác nêu suy nghĩ về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

Bài số 1:

Nàng Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được biết đến là một người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng lại chịu kiếp hồng nhan bạc phận, chịu kiếp truân chuyên chìm nổi suốt mười lăm năm. Vốn sinh ra trong một gia đình trung lưu nhưng vì biến cố bất ngờ Thúy Kiều đã quyết định bán mình cứu cha. Và quyết định này cũng đã tạo ra bước ngoặt lớn cho hành trình mười lăm năm lưu lạc của Kiều. Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều kể về việc bán mình cho Mã Giám Sinh cùng tâm trạng đầy đau đớn của nàng.

Mã Giám Sinh mua Kiều nằm trong phần thứ hai của Truyện Kiều: Gia biến và lưu lạc. Sau khi gia đình Kiều bị vu oan, Kiều quyết định bán mình để lấy tiền cứu cha và gia đình khỏi tai họa. Đoạn trích này nói về việc Mã Giám Sinh đến mua Kiều:

“Gần miền có một mụ nào

Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh

Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh

Hỏi quê, rằng huyện Lâm Thanh cũng gần”

Trước sự dẫn dắt của mụ mối, Mã Giám Sinh đã đến nhà Kiều và bắt đầu cuộc mua bán. Theo sự giới thiệu của bà mối, Mã Giám Sinh là một người khách ở xa đến “viễn khách”, thế nhưng trong lời giới thiệu của mình, hắn ta đã để lộ ra những mâu thuẫn, sơ hở. Hắn ta giới thiệu mình ở Huyện Lâm Thanh, cũng gần. Như vậy ngay trong lời nói ta đã thấy hắn là một con người có chút gian sảo. Ngay tên tuổi cũng được hắn ta đánh bóng với “mác” là thư sinh của trường Quốc Tử Giám, nghĩa là hắn là người có ăn có học.

“Quá niên trạc tuổi tứ tuần

Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao

Trước thầy sau tớ lao xao

Nhà băng dẫn lối đưa vào vấn danh”

Thế nhưng trong sự miêu tả của Nguyễn Du, ta lại có cảm nhận hoàn toàn khác biệt về nhân vật Mã Giám Sinh. Hắn ta nhận mình là thư sinh trường Quốc Tử Giám nhưng ngoại hình “quá niên trạc tuổi tứ tuần” của mình đã tạo ra sự mâu thuẫn trong lời nói. Hình dáng chải chuốt dị hợm, kệch cỡm không hợp tuổi cũng đã phần nào bóc trần được bộ mặt giả dối của hắn “Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”. Đoàn tôi tớ đi theo hầu cũng lộn xộn, huyên náo như những người đi thuê “trước thầy sau tớ lao xao”, nếu thực sự Mã Giám Sinh là một người có gia giáo, và những người đầy tớ kia là thực thì sẽ không có cảnh “lao xao”, vô phép tắc như vậy.

“Ghế trên ngồi tót sỗ sàng

Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra

Nỗi mình thêm tức nỗi nhà

Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng”

Mọi lời giới thiệu bóng bẩy về gia thế, học vấn của mình đều bị phá vỡ trước những hành động kệch cỡm, vô học của Mã Giám Sinh khi vào nhà của Kiều. “Ghế trên” là ghế dành cho những người bề trên, bậc phụ mẫu, nhưng với tư cách của một người đi hỏi vợ, Mã Giám Sinh đã không biết hoặc hắn ta không quan tâm mà lựa chọn cho mình chỗ thích hợp nhất cho cuộc mua bán. Chính hành động ấy đã bóc trần bản chất vô lại của một tên buôn người. Trái ngược với sự hỗn hào, vô học của Mã Giám Sinh, Thúy Kiều mang tâm trạng đau đớn, bất an, mỗi bước đi lệ rơi mấy hàng “Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng”.

“Ngại ngùng rợn gió e sương

Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày

Mối càng vén tóc bắt tay

Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai”

Trước cuộc sống đầy bất an phía trước, Thúy Kiều mang tâm trạng lo lắng, sợ hãi, đây cũng là nét tâm lí thông thường của con người khi đứng trước những biến cố. Trong khi mụ mối cố gắng chào mồi bằng những lời ngon ngọt thì Thúy Kiều trong vị thế của người bị bán thì u buồn “buồn như cúc, điệu gầy như mai”.

Bài số 2:

Ý nghĩa to lớn của Truyện Kiều là tố cáo xã hội thối nát chà đạp lên quyền sống của con người. Cảnh mua bán người thật thương tâm trong truyện. “Mã Giám Sinh mua Kiều” là đoạn trích minh chứng cho điều trên. Ở đoạn trích, nhà thơ đã tố cáo thế lực đồng tiền tàn bạo, phơi bày tình trạng con người bị biến thành hàng hóa; bày tỏ niềm đau đớn, căm phẫn trước tình cảnh con người bị hạ thấp và chà đạp.

Trong dịp thanh minh vào tiết tháng ba, Kiều cùng hai em đi du xuân tảo mộ. Trên đường về gặp một nấm mồ hoang, Vương Quan thuật lại tiểu sử của người đàn bà nằm dưới mồ. Đó là Đạm Tiên – xưa là ca nhi sống làm vợ khắp người ta nhưng nay thì không ai đoái thương thắp cho nàng một nén hương. Với bản chất đa cảm, Kiều đã xót xa, thương cảm với số phận của Đạm Tiên, và cũng từ đó Đạm Tiên như là một người bạn tri kỉ vô hình để báo cho nàng về số kiếp đoạn trường sẽ diễn ra và kết thúc như thế nào. Nhưng tiếp đó Thúy Kiều gặp Kim Trọng là bạn đồng môn của Vương Quan. Mới chỉ qua giao tiếp buổi đầu nhưng tình cảm nảy nở như tiếng sét ái tình tình trong như đã mặt ngoài còn e. Ra về, mỗi người đều nảy sinh mối tình vương vấn, luyến lưu. Kim Trọng nặng lòng tương tư nên đã tìm nơi trọ ngay mé sau nhà Kiều. Nhờ đó hai người gặp gỡ rồi thề non hẹn ước.

Hai người gặp gỡ hò hẹn được một thời gian không lâu thì Kim Trọng phải về quê thọ tang chú ba năm, và gia đình Thúy Kiều thì rơi vào cảnh bị bọn bán tơ vu oan, nên nhà cửa tan tác, Vương Ông và Vương Quan bị bắt, đánh đập. Lúc này trong nhà chỉ có Thúy Kiều là món hàng đắt giá nhất để bán lấy số bạc chuộc cha và em ra khỏi nơi giam cầm. Nàng quyết định bán mình, làm xa gần nôn nao nhưng lại không dễ dàng thực hiện vì bạn bè thân quen của gia đình không ai dám mua và không nỡ mua. Trong lúc đang cần cứu cha và em, chậm một ngày là thêm một ngày đau khổ, thời cơ đã đến với kẻ buôn người – Mã Giám Sinh.

Khi miêu tả cảnh Kiều gặp Kim Trọng và Kiều gặp Từ Hải, Nguyễn Du có hẳn những câu thơ giới thiệu chân dung nhân vật. Còn đối với Mã cũng là kẻ đến cưới nàng, nhưng hắn chỉ như một công cụ của số mệnh, của cái thế lực đen tối đến gieo tai họa. Tên lái buôn này chắc đang lùng sục khắp chợ cùng quê để mua người đẹp cho mẹ chủ chứa lầu xanh Tú Bà mà hắn cũng góp phần chung lưng.

Ta thấy nhà thơ diễn tả hàng loạt lời nói động tác và thái độ vừa của mụ mối và của hắn với những câu dấm dẳn nghe trào tiếu đến mức phải bật cười:

“Hỏi tên – rằng Mã Giám Sinh;

Hỏi quê – rằng – huyện Lâm Thanh cũng gần”

Cuối cùng thì nhà thơ cũng để cho hắn xuất hiện thực sự với những nét ngoại hình khá điển hình. Về ngoại hình, Mã Giám Sinh ăn mặt một cách trau chuốt, nhố nhăng: “Quá niên …bảnh bao” / “Trạc ngoại tứ tuần” là người đã lớn tuổi, không còn trẻ tuổi. Tuổi ấy lẽ ra phải để râu nhưng đây lại chẳng có dáng mày râu. Người xưa rất coi trọng hình thức mày râu. Hai chữ “bảnh bao” là chỉ áo quần tử tế, chải chuốt, phẳng phiu. Có người nói “bảnh bao” là từ dùng để chỉ quần áo trẻ em, nay dùng để khen người lớn do đó nó mang hàm ý mỉa mai. Vậy là ngay cả tư cách đàn ông, trượng phu của Mã Giám Sinh cũng bị phủ định. Tuy nhiên, câu thơ cũng có thể hiểu một cách khác: mày râu nhẵn nhụi là được cắt xén tỉa tót, trai lơ, đi đôi với bộ cách bảnh bao ra dáng một chú rể. Ở đây ta muốn đến với cái tài tình của nhà thơ là nói thật lại hóa giả, nói trắng lại hóa đen. Bởi vậy nghe những từ ấy ta không có hàm ý trang trọng, phản ánh đúng cái bản chất bên trong của hắn.

Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét: Nguyễn Du có cái tài lột tả cái thần của nhân vật chỉ bằng một từ, từ tót trong ngồi tót của họ Mã, cũng như từ lẻn tả Sở Khanh, từ ngây tả Hồ Tôn Hiến đã trở thành những nhãn từ trong ngôn ngữ Truyện Kiều. Ngoại hình, cử chỉ, hành động của Mã Giám Sinh, ngày tư khi chưa bước vào cuộc mua bán đã được miêu tả rất khách quan nhưng rất chính xác, đó là một kẻ vô giáo dục, một kẻ không đáng tin cậy, không lương thiện.

Phần tả cảnh mua người thật hiếm có, có kẻ mua người bán. Nhà thơ đã cực tả nỗi xót xa của Kiều khi đem ra làm món hàng “Nỗi mình …mặt dày” / “ Nỗi mình” là mối tình đối với Kim Trọng đành tan vỡ. “nỗi nhà” là việc cha, việc em bị hành hạ không thể không cứu. Hai nỗi đau chồng chéo đé nặng trong lòng. Cho nên mỗi bước đi của nàng làm rơi bao nhiêu hàng lệ: khóc cho mình, khóc cho tình, khóc cho cha và em. Ngoài nỗi đau và uất ức, Kiều còn có nỗi đau xót thẹn thùng. Một người con gái khuê các, nay ra chào khách, sao khỏi sượng sùng xấu hổ. Nhà thơ dùng hình ảnh bông hoa với biện pháp ẩn dụ thật tái tình. Kiều đi ra với Mã Giám Sinh ví như cành hoa sắp gặp bão tố. Cho nên “ngại ngùng..” vì sương gió làm cho hoa tàn hoa rụng. Vì tự ví mình là hoa nên Kiều nhìn hoa mà thấy thẹn, tự thấy mình không xứng với hoa. Đó là tình cảm là đạo đức cao đẹp, thầm kín của Kiều mà chỉ mình Kiều cảm thấy.

Khi phải rơi vào tình cảnh bi đát của cuộc đời, Kiều đang tiều tụy đến cùng cực thì bà mối cứ giới thiệu Kiều như một món hàng một đồ vật. Mụ vén tóc bắt tay cho khách xem; ép nàng làm thơ đánh đàn cho khách thấy mà không hề biết gì đến nỗi đau bên trong đang giày vò nàng: “Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai” / Quả đúng là cảnh “cành hoa đem bán cho phường lái buôn” hết sức đau xót. Khách xem xong hàng thì ngã giá “cò kè…bốn trăm” / Giá mua bốn trăm là một con số không lớn mà người mua còn cò kè thêm bớt mất nhiều thời giờ. Từ đó người đọc cảm nhận được sự mua bán róng riết, chi li biết chừng nào! Câu thơ “cò kè…hai” bộc lộ rõ nhất bản chất con buôn của Mã Giám Sinh chứ không phải là người đi kiếm vợ lẽ, nàng hầu. Tính toán của hắn hoàn toàn đặt ở tiền, chứ không đặt ở người.

Nguyễn Du đã tiếp tục khắc họa nhân vật họ Mã, bằng bút pháp tả thực còn sinh động hơn nữa qua cử chỉ, hành động buôn người của hắn:

“Đắn đo cân sắc cân tài 

Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ”

Như vậy, dưới con mắt của hắn Thúy Kiều là một món hàng phải ép cái này thử cái kia, phải nhấc lên, đặt xuống xoay sở đủ cách như cân, đong, đo, đếm như hàng hóa vậy. Cuối cùng cái đích của sự mua bán là giá cả, hắn phải hỏi dù với cái giọng ngọt xớt giả nhân, giả nghĩa, nhưng kệch cỡm, vụng về:

“Hắn khai: Rằng mua ngọc đến Lam Kiều.

Hắn hỏi: Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường.” 

Sau khi mụ mối định giá, hắn cò kè bớt một thêm hai từ một ngàn lạng, hắn chỉ ngã giá có ngoài bốn trăm. Vì hoàn cảnh đã đến bước đường cùng, Kiều buộc phải bán mình với giá ngoài 400 lượng vàng. Thế là cuộc mua bán bẩn thỉu được ngụy trang là lễ vấn danh và hàng loạt từ mĩ miều như cánh thiếp, nạp thái, vu quy đều là sự bôi đen lên tấm thân nghiêng nước, nghiêng thành.

Kết thúc tấn bi hài kịch này, Nguyễn Du hạ hai câu thơ như chẳng ăn nhập gì với nhau và có lẽ khách quan nhưng thực ra là đáng sợ như hàm răng của con cá sấu, là cái nanh vuốt của xã hội bắt đầu thò ra lấy con mồi của nó:

“Định ngày nạp thái vu quy 

Tiền lưng đã có, việc gì chẳng xong…” 

Nghĩa là đến đây số phận nàng Kiều đã được định đoạt bước sang một chặng đường đầy chông gai, gian khổ, lưu ly… Nàng đã rứt ra khỏi vòng tay êm ái của gia đình để vấp vào những hang ổ miệng hùm, nọc rắn. Ai có thể lường trước thân phận tài sắc của người con gái họ Vương. Mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

“Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh 

Bốn phương lẳng lặng, hai kinh vững vàng”

Ta có cảm nghĩ đó là cái xã hội êm ấm, thế là giữa thanh thiên bạch nhật gia đình họ Vương mắc oan, gỡ cái oan nghiệt này bằng cách bán đứa con đầu lòng tài hoa. Đang là cô gái lá ngọc cành vàng, tiết sạch giá trong, bước chân vừa mới chạm vào ngưỡng cửa hạnh phúc đã trở thành món hàng giữa chợ. Chua xót, bi phẫn cho người con gái chưa từng vào đời mà đã phải ra trước mắt người lạ để họ nhìn ngắm một cách sỗ sàng, thậm chí còn ép nọ thử kia để không chịu sự vô ý, hớ hênh mà mua đắt dù đó là người đẹp.

Đoạn thơ đã miêu tả được hết toàn bộ câu chuyện mua bán người đang diễn ra, thể hiện sự bất công của xã hội đối với con người, đặc biệt là người phự nữ. Vẻ đẹp cũng như tài trí của nàng đều không được xã hội đón nhận, mà còn gây cho nàng những bất hạnh đến cùng cực. Đọc tác phẩm Truyện Kiều, không ai không thể tiếc thương cho số phận của nàng Kiều, và phê phán xã hội phong kiến đã chà đạp lên quyền sống của con người.

——————————————————————–

Trên đây là một số bài văn mẫu hay phân tích và nêu cảm nhận về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều (trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du mà THPT Sóc Trăng tổng hợp được. Các em có thể tham khảo thêm cùng với những bài văn phân tích đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều hay nhất để có thêm những ý văn hay cho bài làm của mình. Chúc các em đạt điểm cao !

Tuyển tập những bài văn hay lớp 9 / Đọc Tài Liệu

Những bài văn hay nêu cảm nhận của em về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều (trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du.

Đăng bởi: THPT Sóc Trăng

Chuyên mục: Giáo dục

Rate this post