Cảm biến nhiệt độ và ứng dụng trong công nghiệp
Trong lĩnh vực Công nghiệp nói chung, đặc biệt là trong các dây truyền sản xuất, chúng ta thường bắt gặp 04 đại lượng (hay gọi là biến đo lường) chính được giám sát, theo dõi một cách chặt chẽ bao gồm: nhiệt độ, áp suất, lưu lượng và mức. Đây là những biến có vai trò hết sức quan trọng và không thể thiếu trong mỗi dây truyền công nghệ. Bài viết này sẽ giới thiệu đến các bạn thông tin cơ bản về cảm biến nhiệt độ và ứng dụng của chúng trong công nghiệp.
Trước hết cần hiểu cảm biến là gì? Cảm biến là thiết bị dùng để đo, đếm, cảm nhận,…các đại lượng vật lý không điện thành các tín hiệu điện. Ví dụ nhiệt độ là 1 tín hiệu không điện, qua cảm biến nó sẽ trở thành 1 dạng tín hiệu khác (điện áp, điện trở…). Sau đó các bộ phận xử lí trung tâm sẽ thu nhận dạng tín hiệu điện trở hay điện áp đó để xử lí.
Đối với các loại cảm biến nhiệt thì có 2 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác đó là “Nhiệt độ môi trường cần đo” và “Nhiệt độ cảm nhận của cảm biến”. Điều đó nghĩa là việc truyền nhiệt từ môi trường vào đầu đo của cảm biến nhiệt tổn thất càng ít thì cảm biến đo càng chính xác. Điều này phụ thuộc lớn vào chất liệu cấu tạo nên phần tử cảm biến (cảm biến nhiệt đắt hay rẻ cũng do nguyên nhân này quyết định). Đồng thời ta cũng rút ra 1 nguyên tắc khi sử dụng cảm biến nhiệt đó là: Phải luôn đảm bảo sự trao đổi nhiệt giữa môi trường cần đo với phần tử cảm biến. Xét về cấu tạo chung thì Cảm biến nhiệt có nhiều dạng. Tuy nhiên, chiếc cảm biến được ưa chuộng nhất trong các ứng dụng thương mại và công nghiệp thường được đặt trong khung làm bằng thép không gỉ, được nối với một bộ phận định vị, có các đầu nối cảm biến với các thiết bị đo lường. Sau đây ta sẽ tìm hiểu 1 số loại cảm biến nhiệt khá thông dụng
1. Cặp nhiệt điện (Thermocouple – Can nhiệt)
– Cấu tạo: Gồm 2 chất liệu kim loại khác nhau, hàn dính một đầu. – Nguyên lý: Nhiệt độ thay đổi cho ra sức điện động thay đổi ( mV). – Ưu điểm: Bền, đo nhiệt độ cao. – Khuyết điểm: Nhiều yếu tố ảnh hưởng làm sai số. Độ nhạy không cao. – Thường dùng: Lò nhiệt, môi trường khắt nghiệt, đo nhiệt nhớt máy nén,… – Dải đo: -100 ~ 1800oC – Ứng dụng: sản xuất công nghiệp, luyện kim, giáo dục hay gia công vật liệu… Trên thị trường hiện nay có nhiều loại Cặp nhiệt điện khác nhau (E, J, K, R, S, T, B…) đó là vì mỗi loại Cặp nhiệt điện đó được cấu tạo bởi 1 chất liệu khác nhau, từ đó sức điện động tạo ra cũng khác nhau dẫn đến dải đo cũng khác nhau. Người sử dụng cần chú ý điều này để có thể lựa chọn loại Cặp nhiệt điện phù hợp với yêu cầu của mình. Đồng thời khi lắp đặt sử dụng loại Cặp nhiệt điện thì cần chú ý tới những điểm sau đây: – Dây nối từ đầu đo đến bộ điều khiển càng ngắn càng tốt (vì tín hiệu truyền đi dưới dạng điện áp mV nên nếu dây dài sẽ dẫn đến sai số nhiều). – Thực hiện việc cài đặt giá trị bù nhiệt (Offset) để bù lại tổn thất mất mát trên đường dây. Giá trị Offset lớn hay nhỏ tùy thuộc vào độ dài, chất liệu dây và môi trường lắp đặt. – Không để các đầu dây nối của Cặp nhiệt điện tiếp xúc với môi trường cần đo. – Đấu nối đúng chiều âm, dương cho Cặp nhiệt điện.
2. Nhiệt điện trở (Resitance temperature detector -RTD).
– Cấu tạo của RTD gồm có dây kim loại làm từ: Đồng, Nikel, Platinum,…được quấn tùy theo hình dáng của đầu đo. – Nguyên lí hoạt động: Khi nhiệt độ thay đổi điện trở giữa hai đầu dây kim loại này sẽ thay đổi, và tùy chất liệu kim loại sẽ có độ tuyến tính trong một khoảng nhiệt độ nhất định. – Ưu điểm: độ chính xác cao hơn Cặp nhiệt điện, dễ sử dụng hơn, chiều dài dây không hạn chế. – Khuyết điểm: Dải đo bé hơn Cặp nhiệt điện, giá thành cao hơn Cặp nhiệt điện – Dải đo: -200~700oC – Ứng dụng: Trong các ngành công nghiệp chung, công nghiệp môi trường hay gia công vật liệu, hóa chất…Hiện nay phổ biến nhất của RTD là loại cảm biến Pt, được làm từ Platinum. Platinum có điện trở suất cao, chống oxy hóa, độ nhạy cao, dải nhiệt đo được dài. Thường có các loại: 100, 200, 500, 1000 ohm (khi ở 0 oC). Điện trở càng cao thì độ nhạy nhiệt càng cao. – RTD thường có loại 2 dây, 3 dây và 4 dây. Loại 4 dây cho kết quả đo chính xác nhất.
3. Điện trở oxit kim loại (PTC Thermistor và NTC Thermistor)
– Cấu tạo: Làm từ hổn hợp các oxid kim loại: mangan, nickel, cobalt,…
– Nguyên lý: Thay đổi điện trở khi nhiệt độ thay đổi.
– Ưu điểm: Bền, rẽ tiền, dễ chế tạo.
– Khuyết điểm: Dãy tuyến tính hẹp.
– Dải đo: 50o – Ứng dụng: Làm các chức năng bảo vệ, ép vào cuộn dây động cơ, mạch điện tử. – Có hai loại thermistor: Hệ số nhiệt dương PTC- điện trở tăng theo nhiệt độ; Hệ số nhiệt âm NTC – điện trở giảm theo nhiệt độ. Thường dùng nhất là loại NTC.
4. Cảm biến nhiệt bán dẫn
– Cấu tạo: Làm từ các loại chất bán dẫn. – Nguyên lý: Sự phân cực của các chất bán dẫn bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ. – Ưu điểm: Rẻ tiền, dễ chế tạo, độ nhạy cao, chống nhiễu tốt, mạch xử lý đơn giản. – Khuyết điểm: Không chịu nhiệt độ cao, kém bền. – Dải đo: -50 ~ 150oC – Ứng dụng: Đo nhiệt độ không khí, dùng trong các thiết bị đo, bảo vệ các mạch điện tử. – Các loại cảm biến nhiệt bán dẫn điển hình: kiểu diod, các kiểu IC LM35, LM335, LM45
5. Nhiệt kế bức xạ (Hay hỏa kế)
– Cấu tạo: Làm từ mạch điện tử, quang học. – Nguyên lý: Đo tính chất bức xạ năng lượng của môi trường mang nhiệt. – Ưu điểm: Dùng trong môi trường khắc nghiệt, không cần tiếp xúc với môi trường đo. – Khuyết điểm: Độ chính xác không cao, đắt tiền. – Ứng dụng: Làm các thiết bị đo cho lò nung. – Dải đo: -97 ~ 1800 oC Hỏa kế gồm có các loại: Hỏa kế bức xạ, hỏa kế cường độ sáng, hỏa kế màu sắc. Chúng hoạt động dựa trên nguyên tắc các vật mang nhiệt sẽ có hiện tượng bức xạ năng lượng. Và năng lượng bức xạ sẽ có một bước sóng nhất định. Hỏa kế sẽ thu nhận bước sóng này và phân tích để cho ra nhiệt độ của vật cần đo.
6. Tổng kết Như trên ta đã thấy thì hiện nay có rất nhiều loại cảm biến đo nhiệt độ khác nhau, và việc lựa chọn chúng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: độ chính xác, khoảng nhiệt, tốc độ phản ứng, môi trường (hóa học, vật lý, hay điện) và giá thành. Việc lựa chọn cảm biến không hề dễ dàng, cách an toàn và hay được sử dụng nhất là lựa chọn theo ngành nghề bởi thông thường, mỗi loại cảm biến được thiết kế để phục vụ cho một chuyên ngành riêng.Và dưới dây là các yêu cầu đặt ra khi lựa chọn 1 loại cảm biến nhiệt và Bảng tổng hợp kinh nghiệm lựa chọn cảm biến nhiệt dựa theo các ngành nghề khác nhau: – Độ chính xác – Sự linh hoạt, có thể lắp ráp dễ dàng – Giới hạn khoảng nhiệt cần đo – Giá thành – Có thể điều chỉnh riêng lẻ hay không – Sự tương thích với môi trường và những ảnh hưởng (nếu có) của các tác nhân bên ngoài môi trường.
Ngành
Loại cảm biến
Nghiên cứu về nông nghiệp
Nhiệt kế điện tử, bán dẫn, Can nhiệt loại T
Xe hơi
Nhiệt kế điện tử, Pt100
Gia công vật liệu và hóa chất
Cặp nhiệt điện loại K, T, R, S, B và Pt100
Nhiệt lạnh
Điện trở oxit kim loại
Môi trường
Nhiệt kế điện tử, bán dẫn, Can nhiệt loại T, Pt100