Để xác định được phép liên kết câu và liên kết đoạn văn lớp 9 thì các em đầu tiên cần phải ghi nhớ có các phương pháp (phép) liên kết nào đã được học, tiếp theo là đọc nội dung rồi xác định phương thức liên kết được sử dụng và chỉ ra nó.
Bạn đang xem: Các phép liên kết câu và liên kết đoạn văn đã học lớp 9
Đề bài thường ra
– Xác định (gọi tên) phương thức liên kết được sử dụng trong văn bản.
– Chỉ ra liên kết chỗ nào hay liên kết giữa cái nào với cái nào?
Chi tiết các phép liên kết câu và liên kết đoạn văn lớp 9
– Về nội dung:
+ Liên kết chủ đề: Các đoạn văn phải phục vụ chủ đề chung của văn bản, các câu trong đoạn cũng phải nói về chủ đề chung của đoạn văn.
+ Liên kết lôgic: Các đoạn văn và các câu văn phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.
– Về hình thức:
+ Phép lặp : Từ ngữ của câu trước (đoạn trước) lặp lại ở câu sau (đoạn sau).
Ví dụ: Buổi sáng tôi dậy sớm để chuẩn bị cặp sách đến trường. Dậy sớm là một thói quen tốt.
Câu trên sử dụng phép lặp từ: “dậy sớm” ở câu trước lặp lại ở câu sau.
+ Phép đồng nghĩa, trái nghĩa, liên tưởng: Là các từ ngữ ở các câu có các từ đồng nghĩa, trái nghĩa, hay cùng trường nghĩa.
Ví dụ 1 : Tôi thấy cô ấy rất xinh. Còn bạn tôi lại bảo cô ấy đẹp.
Câu trên sử dụng phép đồng nghĩa: “xinh” đồng nghĩa với từ “đẹp” ở câu sau (đồng nghĩa không hoàn toàn).
Ví dụ 2: Người yếu đuối thường hay hiền lành. Muốn ác phải là kẻ mạnh. (Nam Cao)
Câu trên sử dụng phép trái nghĩa: “yếu đuối” với “mạnh” và “hiền lành” với “ác”.
+ Phép nối:
– Dùng các quan hệ từ để nối các câu lại tạo nên sự liên kết.
– Các quan hệ từ thường được sử dụng: nhưng, qua đó, đồng thời, bên cạnh đó, trước đó, sau đó, thế là, trái lại, thậm chí, cuối cùng,…
Ví dụ: Lớp chúng tôi hăng hái giơ tay phát biểu ý kiến trong giờ học. Đồng thời, chúng tôi còn rất đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập rất nhiều.
Câu trên sử dụng phép nối: “Đồng thời”
+ Phép thế: Thay thế các từ ngữ đứng trước bằng đại từ hay từ ngữ có nghĩa tương đương.
Ví dụ 1: Cô Hằng là cô hàng xóm của tôi. Nhà cô ấy có rất nhiều hoa.
Phép thế: dùng đại từ “cô ấy” thay thế cho “cô Hằng” ở câu trước.
Ví dụ 2: Ai cũng muốn cơ thể khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt. Muốn được như vậy bạn phải chăm chỉ tập luyện.
Phép thế: từ “như vậy” thay thế cho câu trước đó, mang nghĩa tương đương.
Ví dụ minh họa:
Đọc đoạn văn dưới đây và xác định các phép liên kết về mặt hình thức:
Một ông bố đang đọc tạp chí và cô con gái nhỏ của ông cứ làm ông phân tâm mãi.
Để làm cho cô bé bận rộn, ông xé một trang in bản đồ thế giới ra. Ông ta xé nó ra từng mảnh và yêu cầu cô con gái đi vào phòng và xếp chúng lại thành một bản đồ hoàn chỉnh.
Ông chắc mẩm rằng cô bé sẽ mất cả ngày để hoàn tất nó. Nhưng chỉ sau vài phút cô bé đã quay trở lại với tấm bản đồ hoàn hảo ……
Khi ông bố ngạc nhiên hỏi tại sao cô bé có thể xếp nhanh như vậy, cô bé đáp, “Oh …. Cha, có một khuôn mặt của một người đàn ông ở phía bên kia của tờ giấy ….con chỉ việc xếp theo gương mặt đó và sau đó con có được bản đồ hoàn chỉnh!”
(Hành trang cuộc sống – Quà tặng cuộc sống)
Trả lời
Các phép liên kết về mặt hình thức được sử dụng trong văn bản:
– Phép lặp: lặp từ “ông”, “cô bé”, “ản đồ hoàn chỉnh”
– Phép thế:
+ “ông”, “ông ta”, “cha” thay thế cho “ông bố”
+ “cô bé” thay thế cho “cô con gái nhỏ”
+ “nó”, “chúng” thay thế cho “trang in bản đồ thế giới”.
– Phép nối: “nhưng”.
Trên đây là các phép liên kết câu và liên kết đoạn văn lớp 9 cùng ví dụ minh họa chi tiết, các em đừng quên tham khảo thêm các biện pháp tu từ đã học và dấu hiệu nhận biết của nó để nắm chắc kiến thức nữa nhé!
Tổng hợp các phép liên kết câu và liên kết đoạn văn dành cho các em học sinh lớp 9 ghi nhớ để dễ dàng xác định phương thức liên kết được sử dụng.
Đăng bởi: THPT Sóc Trăng
Chuyên mục: Giáo dục