1. DẪN NHẬP
Không phải quá tự hào, nhưng có lẽ trên thế giới, hiếm có dân tộc nào kiên cường bất khuất, mà lại nặng tình, nặng nghĩa như người dân Việt. Vó ngưa Nguyên Mông dẵm nát đất Trung Nguyên nhưng bao lần đến Việt Nam đều phải quay về. Giặc Pháp, giặc Mĩ hiện đại thiện chiến cũng đành thất bại. Trung Quốc đất rộng người đông, dùng bao thủ đoạn âm mưu thâm độc chưa thành công. Cả ngàn năm Bắc thuộc không làm đồng hóa được người dân Việt. Có thể nói dòng máu Lạc Hồng luôn nóng ấm ân tình, chảy trong tâm hồn những con người bé nhỏ nghèo khó ấy, đã cho họ một sức sống anh dũng phi thường. Dòng máu ấy không chỉ làm nên một Việt Nam anh hùng, mà còn làm nên một Việt Nam mượt mà tình cảm qua những làn điệu dân ca, ca dao.
2. NỘI DUNG
Không ai có thể thống kê hết những sắc màu tình cảm trong muôn ngàn những mối quan hệ của người dân Việt. Bao thế hệ đi qua đã để lại một khối lượng lớn ca dao dân ca ăm ắp ân tình làm nên trái tim ấm áp trong lòng văn hóa Đại Việt. Trong muôn ngàn những ân tình; Tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước, yêu lao động…thì số lượng những câu ca dao nói về tình cảm gia đình cha con, chồng vợ… chiếm một vị trí rất quan trọng và vô cùng phong phú.
Vốn dĩ mang dòng dõi con Lạc cháu Hồng, người Việt rất yêu quý tổ tông, nòi giống, vì thế tình cảm gia đình yêu thương gắn bó chính là nét truyền thống muôn đời của người Viêt.
Trong gia đình Việt Nam có khi lên đến “Tứ đại đồng đường”, nó chính là một Xã hội thu nhỏ. Chính các mối quan hệ rắc rối, chằng chịt của nó, cùng với tâm hồn dạt dào tình cảm của người dân Việt làm cho ca dao dân ca về tình cảm gia đình vô cùng phong phú, nhiều màu sắc. Ca dao dân ca thể hiện rất hoàn hảo nét đẹp cao quý của tình cảm thiêng liêng này.
Nói đến nhân tố đầu tiên, cốt tỷ làm nên gia đình, phải nói đến vợ chồng. Tình cảm vợ chồng yêu thương gắn bó, chính là cơ sở của một gia đình tốt đẹp, là một tế bào lành mạnh của xã hội.
Trên đồng cạn dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.
Vợ chồng hòa thuận chính là sức mạnh cho họ cùng vượt qua khó khăn gian khổ, làm lợi ích cho xã hội.
Họ có thể cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng xây dựng mái ấm, nuôi dưỡng con cái tốt, khiến xã hội giàu mạnh an vui.
Nhưng không phải lúc nào cũng “Phu sướng phụ tùy” đẹp đôi tốt lứa, trong ấm ngoài êm. Trong những gia đình phong kiến ngày xưa, truyền thống gia đình “tam đại”, “tứ đại”, hay năm thê bảy thiếp, thì sẽ có nhiều xung đột tình cảm giữa các mối quan hệ xảy ra. Nhưng nó chỉ làm cho các cung bậc tình cảm của con người thêm phong phú, làm cho ca dao dân ca thêm nhiều màu sắc, có khi hóm hỉnh cười ra nước mắt.
Sống với chồng họ hết lòng chăm lo cho chồng, cho con và gia đình chồng.
Lấy chồng từ thuở mười ba,
Đến khi mười tám thiếp đà năm con.
Ra đường người tưởng còn son,
Về nhà thiếp đã năm con với chàng.
Cho dù cha mẹ anh em nhà chồng có phụ rẫy, họ cũng phải vì chồng vì con mà cam chịu.
Bởi vì con heo nên phải đèo khúc chuối,
Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan.
Bởi vì chàng nên thiếp phải chịu đòn oan,
Phụ mẫu nhà đay nghiến, thế gian chê cười.
Nhưng rồi thì “năm tháng trôi đi lòng người thay đổi”, đến cả người chồng mình chăm sóc yêu thương cũng thay dạ đổi lòng.
Ngày xưa anh bủng anh xanh,
Tay tôi nâng chén thuốc, tay tôi đèo múi chanh.
Bây giờ anh khỏi anh lành,
Anh mê nhan sắc, anh tình phụ tôi.
Nhưng vì con cái họ lại một lần nữa cam chịu hẩm hiu.
Chàng ơi phụ thiếp làm chi,
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.
Ca dao dân ca trở thành người bạn tâm tình cho họ thở than nỗi lòng. Nhưng chỉ là thở than cho khuây khỏa mà thôi, còn cả tâm tư hi vọng, hạnh phúc của họ đều dành cho con cái.
Có thể nói trong đề tài ca dao tình cảm gia đình thì mảng thiêng liêng cao đẹp nhất chính là tình cảm cha mẹ và con cái. Trong đó không có gì đẹp bằng tình mẫu tử. Con ơi con ngủ cho yên,
Hết gạo hết tiền mẹ kiếm mẹ nuôi.
Công trình kể biết mấy mươi,
Mai sau con lớn con đền bồi mẹ cha.
Hình tượng người mẹ Việt nam chính là vẻ đẹp tuyệt vời của ca dao tình cảm gia đình.
Mẹ già như áng mây trôi,
Như sương trên cỏ, như lời hát ru.
Lời hát ru vi vu trong gió,
Sương trên cỏ khó vỡ dễ tan.
Con dẫu lớn vẫn là con của mẹĐi hết đời lòng mẹ vẫn theo con
Mẹ chính là nhịp cầu ân tình cho con gắn bó yêu thương với mọi người trong gia đình. Mẹ chính là nhân tố nền tảng tạo lập tính cách nhân phẩm đầu đời cho con. Mẹ thổi vào tâm hồn thơ bé của con những tình cảm yêu thương trong sáng ngọt ngào nhất. “Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn.” Mẹ ru rằng:
Cái cò đi đón cơn mưa,
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về.
Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh.
Cò bay xuống vũng trâu đằm,
Lấy rơm làm tổ cho con cò nằm.
Trong lời ru của mẹ chứa đựng tất cả những thăng trầm nắng mưa, những hoàn cảnh xã hội. Mẹ vẽ vào tâm hồn con mình từ cảnh sắc non sông gấm vóc đến những ước mơ khát vọng sống.
Thời giờ ngựa chạy, tên bay,
Hết trưa lại tối, hết ngày lại đêm.
Đông qua Xuân lại đến liền,
Hè về rực rỡ, êm đềm Thu sang.
Giờ con chăm học, chăm làm,
Thì mai sau sẽ giỏi dang giúp đời.
Nước nhà mong đợi con ơi,
Hãy luôn ghi nhớ những lời thầy khuyên.
Lời mẹ ru con thấu tình đạt lý, mong muốn con hướng tới đời sống tinh thần tốt đẹp hơn…
3. KẾT LUẬN
Qua những bài dân ca-ca dao về tình cảm gia đình, cho chúng ta thấy người phụ nữ, người mẹ là nhân vật trữ tình nhất và cũng là nhân vật chịu đựng nhất, quan trọng nhất. Người phụ nữ là hạt nhân trung tâm gánh vác mọi mối quan hệ trong gia đình. Họ chính là những người vợ đảm đang, là người con dâu hiếu thảo, là người chị chăm chỉ, là người mẹ dịu hiền. Tục ngữ có một câu rất chí tình dành cho họ: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.” Có thể nói nếu không có họ thì không hình thành nên gia đình, cũng không có tổ ấm yêu thương với những đứa con tương lai cho đất nước. Đặc biệt là nếu không có họ thì không có ca dao dân ca phong phú truyền tải cho đến hôm nay và mai sau.
Nguồn vanmau.vn