Home Blog Soạn bài Tóm tắt văn bản tự sự

Soạn bài Tóm tắt văn bản tự sự

0
Soạn bài Tóm tắt văn bản tự sự

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Tóm tắt văn bản tự sự lớp 10 được biên soạn nhằm mục đích giúp học sinh nắm được cách tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính, biết tự tóm tắt một văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính.

   Cùng tham khảo…

Bạn đang xem: Soạn bài Tóm tắt văn bản tự sự

Trong bài soạn Tóm tắt văn bản tự sự lớp 8, các em đã được làm quen với khái niệm tóm tắt văn bản tự sự nói chung và cách tóm tắt một văn bản tự sự đơn giản. Còn ở bài học này, chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể cách tóm tắt một văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính.

Soạn bài Tóm tắt văn bản tự sự ngắn gọn

Câu 1 trang 121 SGK Ngữ văn 10 tập 1

a. Xác định phần tóm tắt văn bản Chuyện người con gái Nam Xương trong đoạn trích (2). Mục đích tóm tắt ở (1) và (2) có gì khác nhau?

b. Cách tóm tắt ở (1) và (2) khác nhau như thế nào, vì sao?

Trả lời:

a)

– Bản tóm tắt 1 (truyện thơ Tiễn dặn người yêu) là tóm tắt toàn bộ câu chuyện để người đọc nắm bắt và nhớ được cốt truyện.

– Bản tóm tắt 2 (Chuyện Người con gái Nam Xương) được bắt đầu từ “Chàng Trương đi đánh giặc… đến không kịp nữa” nhằm dùng làm dẫn chứng để làm sáng rõ ý kiến.

b) Do tùy thuộc vào mục đích mà tóm tắt lại toàn bộ hay chỉ tóm tắt một đoạn.  Bản tóm tắt (1) tóm tắt lại toàn bộ câu chuyện, còn bản tóm tắt (2) chỉ tóm tắt lại một đoạn truyện.

Câu 2 trang 122 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Tóm tắt Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ theo nhân vật Trọng Thuỷ.

Trả lời:

Trọng Thủy là con trai vua Triệu Đà, được vua An Dương Vương gả con gái – Mị Châu cho nên trở thành phò mã của nước Việt. Theo lời cha, Trọng Thủy dụ Mị Châu cho xem nỏ thần và âm thầm đánh tráo nó. Sau khi đánh tráo nỏ thần, Trọng Thủy nói dối về phương Bắc thăm cha. Khi từ biệt vợ, Trọng Thủy nói rằng: “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng, lấy gì làm dấu?”. Sau khi nghe được câu trả lời của vợ, Trọng Thủy trở về nước, mang theo lẫy thần, giúp vua cha đánh bại vua An Dương Vương. Trọng Thủy nhận dấu lông ngỗng mà đuổi, khi kéo tới nơi chỉ còn thấy xác Mị Châu, Trọng Thủy ôm xác Mị Châu đem về táng ở Loa Thành. Trọng Thủy thương tiếc vô cùng, khi đi tắm tưởng như thấy bóng dáng Mị Châu, bèn lao đầu xuống giếng mà chết.

Câu 3 trang 122 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Tóm tắt truyện Tấm Cám theo nhân vật Tấm.

Trả lời:

Tấm mồ côi cha từ nhỏ, nàng sống với mẹ con dì ghẻ Cám. Mẹ con Cám thường xuyên bắt Tấm làm việc vất vả. Trong một lần đi bắt cá, Cám trút hết giỏ tôm cá của Tấm, trong giỏ chỉ còn mỗi con cá Bống, Tấm mang về nuôi. Mẹ con nhà Cám thịt cá Bống. Ngày nhà vua mở hội, mẹ con Cám đi dự hội, bắt Tấm ở nhà nhặt thóc gạo trộn lẫn, được Bụt giúp Tấm có quần áo đẹp đi dự hội, trên đường đi Tấm đánh rơi hài. Nhà vua nhặt được, ra lệnh ai đi vừa chiếc hài sẽ lấy làm vợ. Tấm đi vừa hài và trở thành hoàng hậu. Mẹ con nhà Cám lập mưu giết Tấm, Tấm biến thành chim Vàng Anh, cây xoan đào, khung cửi để ở cạnh vua. Tấm từ quả thị bước ra, giúp bà hàng nước dọn dẹp nhà cửa. Cuối cùng Tấm gặp lại nhà vua và sống trong cung hạnh phúc tới suốt đời.

Soạn bài Tóm tắt văn bản tự sự chi tiết

Bài 1 trang 121 SGK Ngữ văn 10 tập 1

a. Xác định phần tóm tắt văn bản Chuyện người con gái Nam Xương trong đoạn trích (2). Mục đích tóm tắt ở (1) và (2) có gì khác nhau?

b. Cách tóm tắt ở (1) và (2) khác nhau như thế nào, vì sao?

Trả lời:

a)

– Phần tóm tắt: Từ “Chàng Trương đi đánh giặc khi vợ mới có mang” đến “biết là mình lầm thì không kịp nữa”.

– Mục đích tóm tắt:

(1): Nhằm kể lại một cách ngắn gọn, hàm súc câu chuyện của chàng trai và cô gái trong truyện thơ “Tiễn dặn người yêu”.

(2): Việc tóm tắt chỉ nhằm làm dẫn liệu cho bài viết của tác giả Nguyễn Đình Thi.

b) Cách tóm tắt ở (1) và (2) khác nhau:

(1) : Tác giả tóm tắt câu chuyện theo những sự kiện chính, sự kiện tiêu biểu.

(2) : Tác giả tóm tắt câu chuyện dựa theo một nhân vật trong truyện – Trương Sinh.

Bài 2 trang 122 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Tóm tắt Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ theo nhân vật Trọng Thuỷ.

Trả lời:

Ta là Trọng Thủy, con trai của Triệu Đà. Sau khi cha ta đem quân đánh Âu Lạc nhưng thất bại, ông trở về và yêu cầu ta cưới Mị Châu – con gái của An Dương Vương với mục đích tìm hiểu và lấy cắp bảo vật của nước đó.

Sau khi cưới nhau, ta và Mị Châu chung sống hòa thuận, An Dương Vương cũng không nghi ngờ về việc ta có mưu đồ. Một ngày, ta nịnh được Mị Châu cho xem nỏ thần rồi nhân lúc nàng sơ ý, ta đã lấy nỏ rồi quay về phương Bắc.

Có nỏ thần trong tay, cha ta lập tức huy động lực lượng đem quân đi đánh Âu Lạc lần nữa. Quân thần Âu Lạc lúc này vẫn chưa có đề phòng gì, vua An Dương vẫn cậy có nỏ thần nên mặc nhiên ngồi đánh cờ.

Đến khi quân ta tràn vào thì An Dương Vương trở tay không kịp nên đành bỏ trốn. Nhớ lời Mị Châu dặn sẽ mang theo chiếc áo lông ngỗng và rải trên đường đi, ta cho quân đuổi theo hai cha con họ. Đến sát bờ biển, một con Rùa Vàng nổi lên và nói Mị Châu là giặc, phản bội đất nước nên An Dương Vương đã chém đầu nàng rồi theo Rùa Vàng xuống biển.

Ta mang xác Mị Châu về và vô cùng đau xót, hối hận về việc làm của mình. Nhớ lời nàng nói trước khi chết rằng nếu nàng trong sạch thì xác sẽ hóa thành ngọc thạch, nếu không nàng phải hóa cát bụi. Và ngay khi về đến nơi, xác Mị Châu liền hóa ngọc thạch, máu của nàng khi chết, loài trai ăn phải thì biến thành ngọc trai. Nhận ra sai lầm của mình, ta đau khổ tự sát bên giếng xưa.

Bài 3 trang 122 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Tóm tắt truyện Tấm Cám theo nhân vật Tấm.

Trả lời:

Ta là Tấm, ta mồ côi mẹ từ nhỏ. Từ khi cha lấy vợ mới, ta phải sống chung với hai mẹ con dì. Khi cha mất, hai mẹ con họ ngày càng trở nên độc ác, luôn bắt ta chịu thiệt muôn phần. Đi bắt tôm tép, Cám đã lừa lấy hết giỏ cá của ta rồi mang về để được dì thưởng cho quần áo mới. Ta đã khóc rất nhiều, và lần nào cũng được Bụt giúp đỡ. Họ giết cá bống, không cho ta đi hội, giết ta để thay thế Cám vào cung với vua. Ta biến thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi để được gần và bảo vệ vua khỏi tay mẹ con họ. Năm lần bảy lượt bị mẹ con Cám hãm hại nhưng ta đều vượt qua. Cuối cùng, sau khi biến thành quả thị rồi về chung sống với một bà lão hàng nước. Sau khi bà biết ta biến ra từ quả thị, giúp bà làm việc nhà thì bà nhận ta làm con gái. Một ngày, khi vua ghé hàng nước của hai mẹ con ta, chàng đã nhận ra miếng trầu cánh phượng ta têm. Hai vợ chồng gặp lại nhau và ta được trở lại cung. Lần này, ta đã trừng trị mẹ con Cám vì những tội ác họ đã gây ra. Cuối cùng, ta được sống một cuộc sống hạnh phúc bên nhà vua.

Kiến thức cần nắm vững Tóm tắt văn bản tự sự

Soạn văn bài Tóm tắt văn bản tự sự không chỉ có phần nội dung trả lời câu hỏi mà các bạn học sinh cần phải nắm vững kiến thức trọng tâm của bài.

I. Mục đích, yêu cầu tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính

– Nhân vật văn học là hình tượng con người (có thể là loài vật hay cây cỏ,… được nhân cách hoá) được miêu tả trong văn bản văn học. Nhân vật thường có tên tuổi, lai lịch, ngoại hình, hành động, lời nói, suy nghĩ, tình cảm,… Mỗi nhân vật còn có mối quan hệ với những nhân vật khác và thường được bộc lộ qua diễn biến của cốt truyện.

– Trong một tác phẩm có thể có nhiều loại nhân vật. Tuỳ theo vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nhân vật trong tác phẩm, người ta chia ra nhân vật chính và nhân vật phụ. Mỗi nhân vật chính đều gắn liền với một số sự việc cơ bản của cốt truyện.

– Tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính là viết hoặc kể lại một cách ngắn gọn những sự việc cơ bản xảy ra với nhân vật đó, giúp nắm vững tính cách và số phận của nhân vật, góp phần đi sâu tìm hiểu và đánh giá tác phẩm.

– Bản tóm tắt cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu chung của một văn bản, trung thành với văn bản gốc, nêu được đặc điểm và những sự việc xảy ra với nhân vật chính.

II. Cách tóm tắt nhân vật tự sự dựa theo nhân vật chính

– Đọc kĩ văn bản, xác định nhân vật chính.

– Chọn các sự việc cơ bản xảy ra với nhân vật chính và diễn biến của các sự việc đó.

– Tóm tắt các hành động, lời nói, tâm trạng của nhân vật theo diễn biến của các sự việc (một vài chỗ có thể kết hợp dẫn nguyên văn từ ngữ, câu văn trong văn bản gốc).

Đọc lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy và thực hiện những yêu cầu bên dưới:

a) Xác định nhân vật chính của truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

   Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy có ba nhân vật chính là An Dương Vương, Mị Châu và Trọng Thủy.

b) Tóm tắt truyện dựa theo nhân vật An Dương Vương.

Ta là vua nước Âu Lạc họ tên là Thục Phán. Ta cho xây thành ở đất Việt Thường nhưng hễ đắp tới đâu lại lở tới đấy. Một hôm có cụ già từ phương đông tới nói: Sẽ có sứ Thanh Giang đến giúp vua xây thành.

Hôm sau ta mừng rỡ cho người ra đón mới biết sứ Thanh Giang là một con rùa vàng.

Thành xây nửa tháng thì xong, vững chãi và kiên cố. Trước khi về biển, rùa vàng còn tháo vuốt đưa cho ta làm lẫy nỏ thần chống giặc. Có thành cao, hào sâu lại có nỏ thần, ta rất nhiều lần đã đánh cho quân của Triệu Đà đại bại.

Đà không dám đối chiến, bèn xin hoà và cho con trai là Trọng Thuỷ sang cầu hôn. Ta đồng ý gả con gái Mị Châu, lại cho cả Trọng Thuỷ ở lại Loa Thành làm rể. Có được cơ hội tốt, Trọng Thuỷ bèn dụ dỗ Mị Châu cho xem nỏ thần rồi đánh tráo ngay lẫy nỏ.

Quân Triệu Đà phá được nỏ thần bèn ồ ạt tấn công. Ta trong khi ấy cậy có nỏ Liên Châu vẫn điềm nhiên ngồi đánh cờ. Loa Thành bị vỡ, ta bèn mang theo con gái chạy xuống phía Nam. Thế nhưng cùng lúc ấy Trọng Thuỷ lại theo dấu lông ngỗng mà Mị Châu rắc ở đường đuổi theo. Cùng đường, lại nghe sứ Thanh Giang nhắc nhở “Giặc ở ngay sau nhà vua đó”, ta bèn tuốt gươm chém Mị Châu rồi cầm rừng tê bảy tấc rẽ nước xuống biển.

c) Tóm tắt truyện theo nhân vật Mị Châu:

Ta là con gái của Vua nước Âu Lạc, An Dương Vương Thục Phán tên Mị Châu. Nhân việc Triệu Đà thua trận xin cầu hoà và muốn được cho con trai sang ở rể, ta được vua cha thuận ý gả cho Trọng Thuỷ.

Ta rất mực yêu chồng lại ngây thơ khờ dại nên đã vô ý đem bí quyết nỏ thần ra nói với người chồng gián điệp. Có được nỏ thần, Trọng Thuỷ muốn xin về, ta lại nói: Sau này, nếu có gặp cảnh biệt li thì cứ theo dấu chiếc áo lông ngỗng của thiếp mà tìm.

Trọng Thuỷ về nhà, rồi cùng cha đem đội quân sang đánh. Loa Thành đại bại, ta theo cha chạy xuống phương Nam nhưng vừa đi ta lại vừa rắc lông ngỗng làm dấu cho Trọng Thuỷ. Chạy ra bờ biển vua cha nổi giận tuốt gươm ra chém. Trước khi chết, ta còn khấn: Nếu có lòng phản nghịch thì khi chết đi nguyện biến thành cát bụi, bằng không thì xin được biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù. Ta chết, máu ta chảy xuống biển, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. Xác ta được Trọng Thuỷ đem về mai táng ở Loa Thành, Trọng Thuỷ thương nhớ ta, sau đó cũng lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò được ngọc ở biển Đông đem về giếng ấy mà rửa thì ngọc càng thêm sáng.

d) Cách tóm tắt văn bản tự sự theo nhân vật chính:

– Đọc kĩ văn bản, xác định nhân vật chính.

– Chọn các sự việc cơ bản xảy ra với nhân vật chính và diễn biến của các sự việc đó.

– Tóm tắt các hành động, lời nói, tâm trạng của nhân vật theo diễn biến của các sự việc.

Tham khảo thêm:

  • Cách chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự
  • Bài soạn Miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự

Tổng kết

* Tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính là viết hoặc kể lại một cách ngắn gọn những sự việc cơ bản xảy ra với nhân vật đó. Bản tóm tắt phải trung thành với văn bản gốc.

* Khi tóm tắt, cần: 

– Đoc kĩ văn bản, xác định nhân vật chính.

– Chọn các sự việc cơ bản xảy ra với nhân vật chính và diễn biến của các sự việc đó.

– Tóm tắt các hành động, lời nói, tâm trạng của nhân vật theo diễn biến của các sự việc (một vài chỗ có thể kết hợp dẫn nguyên văn từ ngữ, câu văn trong văn bản gốc).

Trên đây là nội dung tổng hợp các kiến thức trọng tâm khi Tóm tắt văn bản tự sự và trả lời câu hỏi hướng dẫn soạn bài Tóm tắt văn bản tự sự lớp 10, mời các em học sinh tham khảo để có thể giúp các em học bài thật tốt trước khi tới lớp.

Hướng dẫn soạn bài Tóm tắt văn bản tự sự (dựa theo nhân vật chính), trả lời câu hỏi bài tập trang 120 SGK Ngữ Văn lớp 10 tập 1.

Đăng bởi: THPT Sóc Trăng

Chuyên mục: Giáo dục

Rate this post